Các mặt hàng bị làm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ lưu thông trên
nhiều thị trường như thuốc chữa bệnh, rượu, các loại thực phẩm, phân
bón, các mặt hàng điện tử, mỹ phẩm, đồng hồ, kính mắt, túi xách, điện
thoại di động, quần áo, giày dép… đã và đang gây nguy hại lớn đối với
tài sản, sức khỏe người tiêu dùng, song việc ngăn chặn triệt để vẫn là
bài toán khó chưa có lời giải đối với các ngành chức năng.
Đa dạng hàng giả
Theo đánh giá của Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn đang diễn ra nghiêm trọng và có chiều hướng gia tăng cả về tính chất cũng như mức độ vi phạm. Hàng giả, hàng kém chất lượng đa dạng, phong phú, nhiều chủng loại. Một số loại hàng giả, hàng nhái được sản xuất từ nước ngoài, nhập khẩu và nhập lậu vào nước ta tiêu thụ. Hiện nay, hầu hết chủng loại hóa nào cũng có hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Từ các sản phẩm tiêu dùng đơn giản, rẻ tiền như bao diêm, cây bút… đến thực phẩm, đồ uống, quần áo, giày dép, đồ gia dụng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, vật liệu xây dựng… và các sản phẩm cao cấp được sản xuất bằng công nghệ cao như xe máy, đồ điện tử, điện lạnh, các sản phẩm băng đĩa.
Phần lớn hàng giả là hàng tiêu dung nhập lậu, giả mạo các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài, bán với giá rẻ. Việc kinh doanh sử dụng tem nhập khẩu giả, in ấn bao bì nhãn mác giả có quy mô và số lượng lớn đang tăng lên và rất khó kiểm soát.
Một số vụ hàng giả cho thấy đã có yếu tố móc nối với cá nhân và tổ chức nước ngoài làm hàng giả, nhất là giả mạo xuất xứ của các thương hiệu có uy tín của thế giới để tiêu thụ trong nước. Trước đây, hàng giả thường là hàng nội giả hàng ngoại, hàng nội giả hàng nội trong nước, ngày nay đã xuất hiện hàng ngoại giả hàng ngoại, hàng ngoại giả hàng nội sản xuất từ nước ngoài vào Việt Nam.
Ngoài ra, do hàng hóa sản xuất tại Việt Nam tuy đa dạng, phong phú nhưng chất lượng chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Trong khi đó, hàng hóa của Trung Quốc và các nước khác với giá rẻ được nhập lậu vào nước ta qua nhiều hình thức khác nhau gây rất nhiều khó khăn cho sự phát triển của nền kinh tế trong nước. Hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phát triển được là do một bộ phận người dân chấp nhận và thích dung hàng hiệu với chi phí thấp đã góp phần cho tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng giả gia tăng.
Thủ đoạn tinh vi
Chỉ rõ nguyên nhân của sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn đang diễn ra nghiêm trọng, Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng do lực lượng trực tiếp làm công tác đấu tranh còn mỏng và thiếu so với yêu cầu thực tiễn; trang thiết bị, phương tiện, công cụ hỗ trợ để phục vụ công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn chưa được trang bị đầy đủ và chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình hiện nay.
Việc kiểm tra, xử lý hàng vi phạm trong khâu lưu thông chưa đi sâu điều tra về quy mô, tính chất, mức độ vi phạm để xử lý bản chất, hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân. Chế tài xử phạt đối với hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả chưa được cụ thể hóa trong một văn bản mang tính thống nhất, toàn diện và đủ sức răn đe.
Công tác phối hợp, trao đổi thông tin chuyên môn, nghiệp vụ giữa các lực lượng, các cơ quan tham mưu còn hạn chế, chưa chủ động và thiếu thường xuyên làm cho việc điều tra, xử lý các vụ việc buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn chậm, nặng về biện pháp hành chính, do đó hiệu quả ngăn chặn thấp.
Thủ đoạn của các đối tượng và kỹ thuật sản xuất hàng giả ngày càng tinh vi, được khép kín từ khâu sản xuất, vận chuyển đến lưu thông phân phối từ thành phố đến các làng nghề chế tác, gia công, gắn bao bì, nhãn mác mới thành các sản phẩm của Trung Quốc, Thái Lan và Nhật Bản. Đối tượng đăng ký kinh doanh tên doanh nghiệp, sau đó đưa vào sử dụng với danh nghĩa tên thương mại trùng với nhãn hiệu đã được bảo hộ để lừa dối người tiêu dùng.
Cần hoàn thiện cơ chế pháp luật
Một trong những giải pháp quan trọng mà Cục Sở hữu trí tuệ đề ra nhằm tăng cường thực thi quyền sở hữu trí tuệ là nhanh chóng hoàn thiện, sửa đổi cơ chế, chính sách, pháp luật về thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, cần rà soát các nội dung chưa phù hợp về thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong các văn bản pháp luật để có những đề xuất và hướng sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện cơ chế pháp luật.
Cục Sở hữu trí tuệ cũng đề nghị chuyển dần việc xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính sang biện pháp dân sự, nâng cao vai trò và hiệu quả xử lý của hệ thống tòa án. Việc xã hội hóa công tác đấu tranh, phòng và chống hàng hóa giả mạo sở hữu trí tuệ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với một số mặt hàng liên quan đến sức khỏe cộng đồng như đồ uống, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh… cũng cần được quan tâm triển khai.
Ngoài ra, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 97/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ do chế tài xử phạt hiện tại quá cao so với khả năng tài chính, quy mô kinh doanh của đối tượng kinh doanh, đặc biệt là tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, miền núi; bổ sung thẩm quyền của quản lý thị trường được kiểm tra tại nơi sản xuất để giải quyết, ngăn chặn triệt để các vi phạm quyền sở hữu trí tuệ./.
(Theo TTXVN)