(TCTG)- Theo bản báo cáo năm 2009, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) đánh giá “cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố” do Mỹ phát động sau các vụ khủng bố ngày 11/9/2001 đã tiêu tốn 797 tỷ USD (568 tỷ Euro). Các hoạt động quân sự ở Irak và Afghanistan đã tiêu tốn lần lượt 603 và 160 tỷ USD.
Năm 2002, cố vấn kinh tế của Tổng thống Mỹ Lawrence Lindsay đã thống kê chi phí can thiệp quân sự của Mỹ ở Irak là 100 tỷ USD, thậm chí lên tới 200 tỷ USD mức tối đa. Các chuyên gia của Quốc hội Mỹ đã đưa ra con số 44 tỷ USD trên cơ sở đánh giá 30 ngày tấn công Irak và 75 ngày hiện diện quân sự bổ sung tại khu vực Trung Đông. Hiện chỉ mức trả lương và các hợp đồng khác hàng tháng ở Irak đã lên tới 9,9 tỷ USD và ở Afghanistan là 2,4 tỷ USD.
Từ năm 2002, ngân sách toàn cầu hàng năm của Bộ Quốc phòng Mỹ đã tăng gấp đôi, từ 294 lên 675 tỷ USD. Đến kỳ hạn hiện nay, ngân sách đã tăng 71%. Ngân sách chỉ có thể giảm xuống kể từ năm 2012 hoặc 2016 tuỳ thuộc vào việc Mỹ rút quân về nước sớm hay muộn.
Việc tăng chi phí quốc phòng trong 8 năm cầm quyền của Đảng Cộng hoà được đánh giá là cao nhất kể từ khi cuộc chiến tranh thế giới II kết thúc. Nhờ có các khoản tín dụng đặc biệt và các khoản vay khác, chi phí quốc phòng đã góp phần làm tăng gánh nặng tài chính công của Mỹ.
Trong 8 năm, Mỹ đã chuyển dần từ nước có thặng dư ngân sách 236 tỷ USD xuống mức thâm hụt ngân sách ước tính 407 tỷ USD năm 2009. Số thâm hụt ngân sách trên có thể còn tăng cao do khủng hoảng kinh tế và tài chính. Theo các chuyên gia Thuỵ Điển, việc cần tới các khoản tín dụng khẩn cấp đã làm giảm khả năng kiểm soát của Quốc hội.
Trung Quốc và Nga là trọng tâm
Ngay cả khi không phải là lý do chính, “cuộc chiến chống khủng bố” đã làm cho chi phí mua sắm vũ khí tăng cao trên bình diện quốc tế. Theo SIPRI, khoảng 100 công ty xuất khẩu vũ khí hàng đầu đã có mức doanh thu từ bán vũ khí lến đến 347 tỷ USD năm 2007. Ông Sam Perlo-Freeman, chuyên gia của SIPRI nói: “Khái niệm cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố đã khuyến khích nhiều nước đưa ra vấn đề của họ theo quan điểm đó, điều này cho phép họ tăng chi phí quốc phòng”.
Mỹ chiếm tổng số 41,5% chi phí quốc phòng của thế giới, tức 607 tỷ USD trên tổng số 1.464 tỷ USD năm 2008. Mức chi phí này đã tăng 4%/năm (tức 218 tỷ USD trong giai đoạn 1999-2008), từ 45% năm 1999. Tốc độ tăng ngân sách quốc phòng của Nga và Trung Quốc cũng tăng nhanh, gấp 3 lần ngân sách của họ trong 10 năm qua.
Theo SIPRI