Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, hoàn toàn ủng hộ doanh nghiệp xin giảm cước di động, tuy nhiên, phải đúng theo định hướng. Năm 2010, mức cước giảm tối đa là 15%.
Cuối tháng 6, đầu tháng 7 vừa rồi, 3 mạng di động lớn nhất là MobiFone, VinaPhone và Viettel đã đệ trình Bộ Thông tin và Truyền thông phương án giảm cước của họ trong năm 2010. Phương án giảm cước mà 3 mạng này đưa ra với mức giảm từ 10% đến 20%. Tuy nhiên, đã không được Bộ đồng ý.
Lý do mà Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra đó là giá cước mà doanh nghiệp xin điều chỉnh giảm đã vượt quá 15% so với bảng cước hiện hành. Theo đúng như định hướng của Bộ, trong năm nay, doanh nghiệp di động sẽ chỉ được giảm cước ở mức từ 10-15%.
Chiểu theo định hướng trên, với việc xin giảm cước ở mức cao nhất 20% của doanh nghiệp đã không được Bộ đồng ý. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là đã “hết cửa” giảm cước trong năm nay.
Theo ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông Bộ Thông tin và Truyền thông, không được đồng ý lần này, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể làm lại một phương án giá cước mới trình lên Bộ. Quy định đúng 10 ngày sau khi doanh nghiệp trình phương án, Bộ sẽ phải đưa ra quyết định đồng ý hay không đồng ý.
Vì vậy, việc doanh nghiệp được giảm cước sớm hay muộn hay muộn hoàn toàn phụ thuộc và tốc độ triển khai của chính họ. Và rất có thể, với việc các doanh nghiệp khá sốt ruột xin giảm cước lần này, đầu tháng 8 tới sẽ có một đợt giảm cước di động trên diện rộng dành cho khách hàng.
Trước thông tin ba doanh nghiệp di động lớn nhất trên thị trường hiện nay là VinaPhone, MobiFone và Viettel xin giảm cước, nhiều ý kiến lo ngại về một cuộc đua mới mà các mạng nhỏ, mới tham gia thị trường như EVN Telecom, Vietnamobile hay Beeline không thể đứng nhìn mà cũng phải tính cách giảm cước để giữ chân người dùng.
Câu hỏi được đặt ra: Trong cuộc đua giảm cước này, liệu có dẫn đến tình trạng kẻ thắng, người không thể chạy theo kịp và phải dừng bước? Thậm chí, còn có lo ngại khi nhà mạng lại chạy sang đua giảm cước để giữ chân và thu hút thuê bao, thế mạnh vẫn thuộc nhà mạng lớn sẽ dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh.
Tuy nhiên, ông Phạm Hồng Hải đã khẳng định, không có tình trạng giảm giá lại khiến cá lớn nuốt cá bé. Bộ đồng ý chủ trương các doanh nghiệp giảm giá cước để cạnh tranh lành mạnh nhưng không được bán phá giá thị trường. Hiện nay Bộ đang xây dựng nguyên tắc chung xác định giá thành dịch vụ để làm cơ sở quản lý giá cước dịch vụ./.
Theo VnMedia