Thứ Ba, 26/11/2024
Cuộc sống số
Thứ Hai, 30/1/2017 21:53'(GMT+7)

"Cuộc đua" về dịch vụ 4G giữa các nhà mạng

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Gấp rút triển khai hạ tầng để phủ sóng 4G

Chỉ một thời gian ngắn, sau khi nhận giấy phép 4G, VNPT VinaPhone đã nhanh chóng công bố chính thức cung cấp dịch vụ 4G tại huyện đảo Phú Quốc (ngày 3/11/2016). Tại đây, phía VNPT cho biết: Năm 2017, VinaPhone cam kết triển khai đến 63 tỉnh thành, phủ sóng 4G đến tận huyện lỵ, khu du lịch…, triển khai nhanh khoảng 21.000 trạm 4G đảm bảo vùng phủ sóng 4G rộng khắp cả nước.

Còn Viettel vẫn chưa công bố chính thức dịch vụ 4G dù đã thử nghiệm khá lâu tại Bà Rịa - Vũng Tàu và sau đó là Hà Nội, chỉ nói chung chung là quý 1 năm 2017 sẽ chính thức cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, một động thái mà nhà mạng Viettel nhanh chóng triển khai là từ cuối tháng 12/2016, Viettel thông báo, miễn phí đổi sim 4G trên toàn quốc từ ngày 1/1/2017.

Trong một tuyên bố mới đây sau khi nhận giấy phép triển khai dịch vụ 4G, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel khẳng định: “Viettel sẽ triển khai 4G như đã từng làm với mạng 2G trước đây, với mục tiêu phổ cập dịch vụ băng rộng di động tới hầu hết người dùng. Chúng tôi hy vọng sẽ đưa Việt Nam vào danh sách 30 quốc gia triển khai 4G mạnh nhất trên thế giới trong vài năm tới”.

 
Khách hàng đăng ký dịch vụ 4G của VNPT VinaPhone.

Có thể thấy rằng, cuộc đua và sự cạnh tranh ở mảng viễn thông di động giữa hai nhà mạng là VNPT và Viettel sẽ diễn ra “nóng bỏng” hơn bao giờ hết trong năm 2017. Kể từ sau khi tái cấu trúc thành công, VNPT dồn toàn lực cho việc kinh doanh VinaPhone như đầu tư hạ tầng, nhằm tìm lại vị trí thống lĩnh của mình trên thị trường viễn thông.

Về phía MobiFone, từ đầu tháng 12-2016 cho đến nay, nhà mạng này triển khai đổi SIM 4G miễn phí cho các thuê bao của mình trên phạm vi toàn quốc với nhiều ưu đãi đi kèm. Từ khi chính thức thử nghiệm dịch vụ 4G tại 3 thành phố lớn trên cả nước là Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, đến nay, MobiFone đã có 1 triệu thuê bao tiến hành đổi SIM 4G và sử dụng dịch vụ 4G. Ngoài ra, nhà mạng này còn có những chính sách da dạng để khuyến khích khách hàng đổi sim 4G bằng cách tặng voucher (trị giá 500.000 đồng) cho thuê bao dùng điện thoại thông minh đăng ký thêm gói mConnec, để chuẩn bị cho việc chính thức khai trương dịch vụ 4G trong quý I/2017.

Theo các chuyên gia, trong “cuộc đua” về 4G cả 3 nhà mạng đang khẩn trương triển khai trên quy mô toàn quốc. Nếu nhà mạng nào có hạ tầng và mạng lưới tốt hơn sẽ chiếm được thị phần lớn hơn.

Sẽ xảy ra cạnh tranh về giá cước?

Viettel, VNPT - VinaPhone và MobiFone đang có những “chiến lược” cụ thể để khi đến thời điểm là họ tung ra áp dụng trên diện rộng. Tuy nhiên điều quan trọng đầu tiên mà các nhà mạng đang tính đến là làm thế nào để có hạ tầng mạng lưới tốt nhất? sau đó mới tính đến dịch vụ. Vì nếu có hạ tầng tốt sẽ thu hút được khách hàng sử dụng dịch vụ. Ngược lại, nếu nhà mạng đầu tư hạ tầng chưa xứng tầm sẽ dẫn đến việc nhiều thuê bao của chính mạng mình bị rớt sóng, hao pin một cách nhanh chóng. Điều này dẫn đến việc mất khách hàng về tay đối thủ và dần dần sẽ mất thị phần trong mạng 4G. Mới đây, trong buổi trao đổi với báo chí, Tổng Giám đốc Qualcomm tại Việt Nam và Đông Dương ông Thiều Phương Nam cho biết, trong giai đoạn đầu, mạng 4G có thể xảy ra tình trạng rớt cuộc gọi, điện thoại mau hết pin. Nguyên nhân là các nhà mạng chưa tối ưu được mạng lưới, trong khi mạng 4G cần tới 4 lớp thiết kế, phức tạp hơn 3G… Vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng của các nhà cung cấp dịch vụ 4G là phải tối ưu hóa mạng lưới, mới có thể cung cấp dịch vụ tốt nhất.

Viettel công bố sẽ “triển khai 4G như đã từng làm với 2G” được chú ý, vì điều đó có nghĩa nhà mạng này có tới 35.000 trạm BTS. Với VinaPhone, ngoài huyện đảo Phú Quốc, VNPT - VinaPhone đang triển khai phủ sóng 4G tại các thị trường trọng điểm là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và 8 tỉnh phía Nam, để khai trương 4G trong quý I này. Dự kiến, cuối năm 2017, VNPT - VinaPhone phủ sóng 4G trên cả nước, với 15.000 trạm BTS.


Khách hàng đến đăng ký đổi sim 4G tại cửa hàng của Viettel.

Về giá cược, thời điểm nhận giấy phép triển khai 4G, lãnh đạo Tập đoàn VNPT và Viettel đều cho biết, sẽ cung cấp dịch vụ với giá cước tương đương 3G. sau khi khai trương 4G tại Phú Quốc, VNPT - VinaPhone đã đưa ra các gói cước dữ liệu với giá không đổi, thậm chí có gói cước còn thấp hơn 3G. MobiFone, dù chưa thông báo chính thức, song có thể MobiFone cũng không thể đưa ra các gói cước giá cao hơn hai nhà mạng khác.

Tại lễ trao giấy phép 4G cho các doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn lưu ý các nhà mạng cần công khai chất lượng dịch vụ, đặc biệt tốc độ tối thiểu đối với từng gói dịch vụ. Khảo sát đánh giá nhu cầu sử dụng của người dân, xây dựng phương án kinh doanh, hợp tác hiệu quả với các nhà cung cấp dịch vụ khác để tận dụng tối đa cơ hội do công nghệ 4G mang lại. Đồng thời quan tâm nghiên cứu thị trường để giải quyết một cách thoả đáng bài toán chất lượng – giá cước khi chính thức thương mại hoá, tối ưu lợi ích nhà nước và người sử dụng.

Trong cuộc họp mới đây, liên quan đến giá cước 4G, lãnh đạo Bộ TT&TT cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần xây dựng gói cước hợp lý, dựa trên mặt bằng khu vực và quốc tế. Trong hồ sơ xin cấp phép 4G, các doanh nghiệp đều đã cam kết với Bộ TT&TT về giá cước, do đó cần tránh tình trạng phá giá, cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến phá vỡ thị trường.
So sánh với 3G, công nghệ LTE - A (4G) có tốc độ nhanh gấp 7 đến 10 lần. Về lý thuyết, 4G có thể download đạt 300 MB/s, thực tế đạt 42 MB/s; Upload có thể đạt 150 MB/s, thực tế đạt 30 MB/s. Trong khi đó 3G download thực tế đạt 7,2 MB/s và upload đạt 3 MB/s.

Bài, ảnh: Văn Phong (Báo QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất