Theo bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội, trong năm 2017, Hà
Nội đặt mục tiêu sẽ triển khai cung cấp trực tuyến mức độ 3 đối với 40%
trong tổng số khoảng 1.800 dịch vụ hành chính công của toàn thành phố.
Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Phan Lan Tú cho biết, năm 2017
đã được Thành phố chọn là năm đột phá về CNTT. Sở TT&TT cũng đã xác
định một nhiệm vụ trong tâm trong năm nay là tập trung đẩy mạnh ứng dụng
CNTT, tiếp tục triển khai cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ
cao (mức 3 và 4) cho người dân, doanh nghiệp trên toàn thành phố.
Để tiếp tục triển khai mở rộng hệ thống dịch vụ công trực
tuyến mức độ 3, 4 cấp Sở, cấp quận/huyện/thị xã và cấp xã/phường/thị
trấn trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến dùng chung của Thành phố,
đồng thời thực hiện cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả
công tác giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước trên địa
bàn Hà Nội, ngày 12/1/2017, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch 09 về
triển khai vận hành chính thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đã hoàn
thành xây dựng.
Theo kế hoạch này, trong quý I/2017, Thành phố triển khai
cung cấp 120 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, chia làm 3 đợt. Trong đó,
đợt 1 vận hành chính thức từ ngày 19/1/2017, gồm 27 dịch vụ công; đợt 2
vận hành chính thức từ ngày 1/3/2017, gồm 20 dịch vụ công; và đợt 3 vận
hành chính thức từ ngày 15/3/2017 gồm 73 dịch vụ công.
UBND Thành phố giao Sở TT&TT Hà Nội khẩn trương hoàn
thiện phần mềm, đảm bảo đáp ứng yêu cầu quy định hiện hành về thực hiện
cơ chế một cửa, một cửa liên thông và yêu cầu nghiệp vụ của đơn vị; đảm
bảo điều kiện sẵn sàng về hạ tầng phục vụ việc triển khai dịch vụ công
mức độ 3, 4 kết nối Cơ sở dữ liệu dân cư của Thành phố; triển khai công
tác đào tạo, cài đặt hệ thống dịch vụ công cho các đơn vị; khắc phục các
sự cố kỹ thuật, các vấn đề phát sinh trong quá trình vận hành hệ thống
dịch vụ công trực tuyến của đơn vị; thành lập Tổ công tác của Thành phố
xử lý các vấn đề vướng mắc trong quá trình triển khai.
Bên cạnh đó, Sở TT&TT Hà Nội cũng được giao chủ trì thực
hiện công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về
dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn Thành phố và hướng dẫn các đơn vị
triển khai công tác truyền thông tại cơ sở theo phương thức đổi mới; tập
trung hướng dẫn các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã nội
dung công tác tuyên truyền và xây dựng kế hoạch tuyên truyền về triển
khai dịch vụ trực tuyến mức 3, 4 đến người dân trên địa bàn đơn vị quản
lý.
Triển khai kế hoạch nêu trên, sau quá trình khảo sát quy
trình nghiệp vụ, xây dựng phần mềm và triển khai thí điểm tại UBND quận
Long Biên (đối với dịch vụ công cấp quận), thời gian qua, các đơn vị đã
tích cực phối hợp chặt chẽ với Sở TT&TT và đơn vị phát triển phần
mềm để triển khai đảm bảo đủ điều kiện chính thức công bố và triển khai
diện rộng (đối với dịch vụ công cấp quận) đến người dân và doanh nghiệp
khai thác sử dụng.
|
Người dân nộp hồ sơ trực tuyến qua mạng tại phường Thanh Nhàn, Quận Hai Bà Trưng (Nguồn ảnh: Sở TT&TT Hà Nội)
|
Ngày 19/1 vừa qua, thành phố Hà Nội cung cấp chính thức 27 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 tới người dân và doanh nghiệp.
Cụ thể, ở cấp Sở, triển khai 20 dịch vụ công trực tuyến mức
độ 3 của 3 Sở: Tư pháp (12 dịch vụ về đăng ký hành nghề luật sư); Văn
hóa và Thể thao (2 dịch vụ về cấp giấy phép thực hiện quảng cáo); Du
lịch (6 dịch vụ về cấp thẻ hướng dẫn viên).
Đối với cấp quận, triển khai 1 dịch vụ công “Cấp bản sao
trích lục hộ tịch (khai sinh)” trực tuyến mức độ 3 cấp quận tới 12 UBND
quận.
Còn với cấp phường, đã triển khai 6 dịch vụ công trực tuyến
mức độ 3 cấp phường tới 168 UBND phường thuộc 12 quận, gồm: 2 dịch vụ về
đăng ký kết hôn, 2 dịch vụ về đăng ký giám hộ, 1 dịch vụ “cấp giấy xác
nhận tình trạng hôn nhân”, 1 dịch vụ “cấp bản sao trích lục hộ tịch”.
Đại diện lãnh đạo Sở TT&TT Hà Nội nhấn mạnh, nhằm rút
ngắn thời gian, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, Thành phố
khuyến khích người dân, doanh nghiệp tích cực sử dụng, khai thác các
dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 của Thành phố, tiến tới xây dựng Công
dân điện tử, phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử của Thành phố.
Tại buổi gặp mặt báo chí nhân dịp Tết Đinh Dậu năm 2017 mới
đây của Sở TT&TT Hà Nội, bà Phan Lan Tú cũng đã đề nghị các cơ quan
báo chí hỗ trợ tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp tăng cường sử
dụng các dịch vụ công trực tuyến mức 3 đã được Thành phố cung cấp.
“Cho dù Thành phố có triển khai nhiều giải pháp để cung cấp
dịch vụ công mức 3 cho người dân, nhưng nếu người dân không được nâng
cao nhận thức, không thay đổi phương thức giao tiếp với chính quyền, vẫn
giữ thói quen thực hiện thủ tục hành chính theo cách thủ công thì việc
cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Thành phố cũng không hiệu quả”, bà
Tú chia sẻ.
Trước đó, vào ngày 31/7/2016, thực hiện kế hoạch triển khai
dịch vụ công trực tuyến năm 2016, Thành phố đã tổ chức khai trương Cổng
dịch vụ công trực tuyến tại địa chỉ egov.hanoi.gov.vn và cung cấp chính
thức 7 dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực tư pháp (khai sinh, khai
tử…), liên thông với Công an và Bảo hiểm xã hội.
Tính đến ngày 15/12/2016, hệ thống dịch vụ công đã được
triển khai đồng bộ tại 584 xã, phường, thị trấn trên toàn địa bàn Thành
phố và đạt được những kết quả tích cực với tỷ lệ hồ sơ trực tuyến khoảng
70%, nâng cao chất lượng, hiệu quả và rút ngắn thời gian giải quyết thủ
tục hành chính, từng bước phục vụ người dân được tốt hơn./.
Theo ICTnews