(TCTG) - Truyện tranh là một thể loại nghệ thuật trong thời gian gần đây được dư luận hết sức quan tâm. Triển lãm lần này là một hoạt động nối tiếp triển lãm truyện tranh của các hoạ sĩ Bỉ diễn ra tại Hà Nội mới đây.
Tôi vẽ tôi (Je me dessine) là cuộc hội ngộ của 8 hoạ sĩ truyện tranh: Tạ Huy Long, Tạ Lan Hạnh, Nguyễn Thành Phong, Lê Chí Hiếu, Đỗ Hữu Chí, Bùi Hải Nam, Nguyễn Thanh Sơn, Bùi Thu Hương đang diễn ra tại Nhà triển lãm trung tâm Văn hoá Pháp (L’ Espace), 24 Tràng Tiền, Hà Nội. Triển lãm đã thu hút khá đông người xem chủ yếu là thanh thiếu niên và các nghệ sĩ trẻ.
Đây là sự kết hợp khá thú vị của nhóm hoạ sĩ chuyên sáng tác truyện tranh. Mỗi tác giả với những cá tính và hướng đi khác nhau, người xem dễ dàng nhận ra dấu ấn của từng hoạ sĩ qua cách bố cục, cách đặt vấn đề, màu sắc và nội dung tác phẩm của họ. Một số bức tranh được vẽ theo hướng tả thực, một số đơn giản về hình, màu như tranh in đen trắng, có khi lại được tìm tòi ở thể loại tranh khổ dài như tranh cuộn với những chi tiết và lời thoại dày đặc như tác phẩm “Một đám cưới” của Bùi Hải Nam.
Mặc dù các hoạ sĩ đều hoạt động trong lĩnh vực truyện tranh nhưng mỗi người đều cố gắng tìm tòi, chắt lọc trong ngôn ngữ hội hoạ để công việc của họ không chỉ dừng lại ở trong lĩnh vực chuyên môn mà mỗi bức tranh còn là một tác phẩm nghệ thuật, thể hiện nỗ lực tìm về cái Tôi chân thực của mình.
Một đặc điểm của truyện tranh là có các lời thoại đi kèm. Các lời thoại thường ngắn và có nhiều từ tượng thanh. Ưu thế này đã giúp các hoạ sĩ bộc lộ thái độ của mình về các vấn đề xã hội, cuộc sống và nghệ thuật thông qua các nhân vật.
Tiếc là triển lãm lần này, người xem nhận thấy ở các hoạ sĩ sự lưỡng lự giữa nghệ thuật và giải trí, giữa cái Tôi và công chúng… Do vậy, các sáng tác chủ yếu là bộc lộ cái Tôi cá nhân, phản ánh các vấn đề xã hội mà chưa đi sâu khai thác đặc trưng của thể loại truyện tranh, đó là vừa mang tính giải trí, ngôn ngữ dí dỏm, nhưng vẫn hàm chứa sự nhắc nhở nhẹ nhàng.
Truyện tranh là một thể loại nghệ thuật trong thời gian gần đây được dư luận hết sức quan tâm. Triển lãm lần này là một hoạt động nối tiếp triển lãm truyện tranh của các hoạ sĩ Bỉ. Và cũng lâu rồi, Hà Nội mới có nhiều cuộc triển lãm về truyện tranh được tổ chức trong thời gian ngắn như vậy. Điều đó cho thấy vị trí của truyện tranh trong đời sống tinh thần và ảnh hưởng của nó tới thị hiếu, lối sống của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trẻ hiện nay.
Truyện tranh là một lĩnh vực còn đang bỏ ngỏ, nhưng tác động rất lớn đến xã hội trong hiện tại và tương lai, nhất là khi mà giới trẻ hiện nay đang có xu hướng thích xem truyện tranh. Phong cách truyện tranh còn ảnh hưởng sang cả một số lĩnh vực khác như truyền thông giải trí, thời trang (Cosplay - một xu hướng thời trang bắt nguồn từ Nhật, bắt chước lối ăn mặc giống như những nhân vật trong truyện tranh)…
Việc khuyến khích tìm tòi, khám phá trong lĩnh vực truyện tranh là rất cần thiết, góp phần nâng cao thị hiếu thẩm mĩ, cải thiện đời sống tinh thần cho con người, góp phần làm lành mạnh hoá môi trường nghệ thuật. Qua triển lãm lần này, các hoạ sĩ truyện tranh của Việt Nam còn rất nhiều việc cần quan tâm, vai trò và trách nhiệm của họ là không nhỏ đối với việc tìm lại vị trí vốn có của truyện tranh trong đời sống xã hội và trong nhu cầu của công chúng yêu nghệ thuật.
Triển lãm diễn ra từ ngày 13 đến hết ngày 24/6/2012./.
Một số tác phẩm tại triển lãm:
Hoạ sĩ Vũ Tuấn Dũng