Thứ Tư, 25/9/2024
Tin hoạt động
Chủ Nhật, 17/6/2012 1:23'(GMT+7)

Thành Nhà Hồ: Đón nhận Bằng công nhận Di sản văn hóa thế giới

Đại diện UNESCO trao bằng công nhận Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ cho lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa - Ảnh: Hà Đồng

Đại diện UNESCO trao bằng công nhận Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ cho lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa - Ảnh: Hà Đồng

Cùng dự còn có Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Tô Huy Rứa - Trưởng Ban tổ chức Trung ương Đảng; Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành ủy TP Hà Nội; Lê Thanh Hải - Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh gửi lẵng hoa chúc mừng.
Dự buổi lễ có ngài Eric Falt - trợ lý Tổng giám đốc (phụ trách quan hệ đối ngoại và thông tin công) - đại diện cho bà Tổng giám đốc UNESCO Irina Bokova và gần 100 đại biểu là Chủ tịch và Tổng thư ký đến từ 37 Ủy ban quốc gia khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Đông đảo đại biểu đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh bạn, các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa các thời kỳ, đông đảo nhân dân trong tỉnh, con em tỉnh Thanh Hóa đang công tác trên mọi miền đất nước.

Tại buổi lễ, ông Eric Falt - trợ lý Tổng giám đốc (phụ trách quan hệ đối ngoại và thông tin công), đại diện cho bà Tổng giám đốc UNESCO Irina Bokova - đã trao bằng công nhận Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ của UNESCO cho đại diện Ủy ban UNESCO Việt Nam và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa.


       Chương trình nghệ thuật chào mừng lễ đón nhận bằng công nhận DSVHTG
       Thành Nhà Hồ                                                                  Ảnh: Hà Đồng


Thành Nhà Hồ được xây dựng vào năm 1397, gồm Thành Nội, La Thành và Đàn tế Nam Giao, rộng 155,5 ha và được bao bọc bởi một vùng đệm 5.078,5 ha. Vị trí của Thành được lựa chọn theo những nguyên tắc phong thủy trong một cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp giữa hai dòng sông Mã và Bưởi ở huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Thành Nội được xây từ những khối đá lớn là biểu hiện cho một sự phát triển mới về kỹ thuật kiến trúc và qui hoạch đô thị trong bối cảnh Đông Á và Đông Nam Á. Thành là minh chứng cho việc sử dụng các yếu tố kiến trúc về quản lý không gian và trang trí đối với một kinh đô, thể hiện khái niệm về vương quyền, trên cơ sở chấp nhận triết lý Nho giáo trong một nền văn hóa Phật giáo chiếm ưu thế .

Là kinh đô của Việt Nam từ 1398 đến 1407 và đồng thời là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của Bắc Trung Bộ từ thế kỷ XVI đến XVIII, Thành Nhà Hồ là một nhân chứng độc đáo cho một thời kỳ quan trọng trong lịch sử Việt Nam và Đông Nam Á khi mà các giá trị vương quyền và Phật giáo truyền thống nhường bước cho những khuynh hướng mới về kỹ thuật thương mại và hành chính tập trung.

Sau nhiều năm xây dựng hồ sơ, ngày 27/6/2011 Thành Nhà Hồ đã được UNESCO chính thức công nhận là di sản văn hoá thế giới, do hội đủ 02 tiêu chí/10 tiêu chí quy định của UNESCO về di sản văn hoá thế giới và đảm bảo chính hai tiêu chí này đã tạo nên những giá trị nổi bật toàn cầu của di sản Thành Nhà Hồ và thỏa mãn các đòi hỏi về tính toàn vẹn và tính xác thực theo quy định tại tài liệu Hướng dẫn của Công ước Di sản Thế giới năm 2008 và tài liệu về tính xác thực trong Tuyên bố Nara.

Thành Nhà Hồ được đề cử bởi đây là một loại công trình kiến trúc kinh thành với những kỳ tích về kỹ thuật và sử dụng vật liệu đá trong điều kiện khoa học kỹ thuật thủ công Việt Nam, Đông Á và Đông Nam Á, giai đoạn cuối thế kỷ XIV đầu thế ký XV.

Thành Nhà Hồ vừa là loạt kiến trúc kinh thành độc đáo vừa là loại kiến trúc mang tính chất phòng vệ quân sự điển hình. Thành Nhà Hồ có vòng Hoàng thành bao quanh Hoàng cung của nhà vua, có vòng La thành để bảo vệ toàn bộ cư dân của kinh thành. Thành Nhà Hồ nổi bật với vòng Hoàng thành được xây dựng bằng đá lớn, một biểu hiện của sự phát triển tới trình độ cao về kỹ thuật xây đựng trong lịch sử kiến trúc kinh thành Việt Nam và khu vực.

Rõ ràng, Thành Nhà Hồ lả một đột khởi vô tiền khoáng hậu trong lịch sử xây dụng đô thành Việt Nam. Đặc điểm này không chỉ thể hiện ở việc khai thác triệt để tính chất bền vững, uy nghiêm của vật liệu đá, mà còn thể hiện trong kỹ thuật khai thác, chế tác, kỹ thuật vận chuyển và xây xếp các khối đá khổng lồ. Đó cũng là sự thể hiện của nghệ thuật điều phối tạo nên sức mạnh tổng hợp để sáng tạo nên một tòa thành đá kỳ vĩ, đúng với ý đồ của tổng công trình sư và cũng là người đứng đầu đất nước lúc đó là Hồ Quý Ly. Nhiều loại đá khác nhau được sử dụng cho các mục đích khác nhau. Trong đó đáng chú ý nhất là loại đá xanh rắn chắc dùng để xây tường và cổng thành.

Không những đạt được giá trị nổi bật toàn cầu theo hai tiêu chí UNESCO công nhận mà Thành Nhà Hồ còn thỏa mãn các đòi hỏi về tính toàn vẹn và tính xác thực theo quy định tại tài liệu Hướng dẫn của Công ước Di sản Thế giới năm 2008 và tài liệu về tính xác thực trong Tuyên bố Nam.

Trong quá trình tồn tại hơn sáu trăm năm, Thành Nhà Hồ đã trải qua nhiều biến cố, chứng kiến nhiều sự kiện cải cách quan trọng của nhà Hồ và nhiều cuộc giao tranh. Tuy nhiên, chất lượng và trạng thái bảo tồn nguyên vẹn khiến nó có khả năng thể hiện đầy đủ nhất một mô hình kinh đô Đông Á được xây dựng bằng tri thức kết tinh từ nhiều truyền thống văn hóa khác nhau ở một vùng đất đứng giũa Đông Á và Đông Nam Á.

Giá trị nổi bật toàn cầu của Khu di sản Thành Nhà Hồ được thể hiện một cách hết sức xác thực thông qua các đặc tính như: cảnh quan địa-văn hóa và vị trí đặt thành; bố cục và thiết kế kiến trúc; chức năng và mục đích sử dụng; thực thể và nguyên vật liệu; sử liệu và các nguồn thông tin khác đều thể hiện nét độc đáo riêng biệt. Giá trị toàn cầu của Di sản Văn hóa Thành Nhà Hồ chính là tòa Hoàng thành bằng đá kỳ vĩ được xây dựng bằng các tảng đá lớn với các khối đá nặng từ trên 10 tấn đến 26 tấn, với sự gia công phẳng phiu, mạch đá xếp xít xao, được chồng xếp lên đến độ cao hàng chục mét đạt trình độ cao cả về công năng quân sự lẫn yêu cầu thẩm mỹ là một kỳ tích "vô tiền khoáng hậu” trong điều kiện kỹ thuật xây dựng thủ công ở Việt Nam hồi thế kỷ XIV – XV.

Phát biểu tại lễ đón nhận Bằng Di sản văn hóa thế giới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Thành Nhà Hồ trở thành Di sản Văn hóa thế giới không chỉ là niềm vui, niềm tự hào của nhân dân Thanh Hóa mà còn là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Di sản văn hóa Thành Nhà Hồ cùng với các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể khác được thế giới công nhận sẽ tô đậm thêm nền văn hóa ngàn năm hết sức phong phú của dân tộc ta, góp phần để bạn bè thế giới hiểu thêm về đất nước con người Việt Nam, mở ra cơ hội phát triển du lịch, nghiên cứu văn hóa Việt Nam.

Với việc UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, thành Nhà Hồ từ nay đã trở thành tài sản chung của nhân loại. Đây là niềm tự hào vinh dự và là cơ hội để chúng ta tiếp tục gìn giữ và phát huy tốt hơn những giá trị của di sản. Đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu hết sức nghiêm túc trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản theo Luật Di sản của Việt Nam và Công ước quốc tế về bảo vệ di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới.

Cùng với việc tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, tỉnh Thanh Hóa đa tổ chức nhiều hoạt động đặc sắc như: Hội chợ quê với sự tham gia của 100 gian hàng nhằm giới thiệu, bán những sản phẩm lưu niệm, đặc sản ẩm thực… của địa phương; Liên hoan trò diễn dân gian thời Trần - Hồ; mở các tour du lịch "Hành trình về với kinh đô" (Thành Nhà Hồ- Lam Kinh) và "Bất ngờ Cẩm Lương" (Thành Nhà Hồ- Cẩm Lương) nhằm giới thiệu tiềm năng du lịch di sản ở Xứ Thanh. Đặc biệt, trong ba ngày 15- 17/6, Thanh Hóa đăng cai tổ chức “Hội nghị Quốc tế Ủy ban quốc gia UNESCO các nước châu Á- Thái Bình Dương”. Trong tối 15/6, Liên hoan văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa lần thứ 14 cũng được tổ chức nhằm chào mừng sự kiện này.

Phương Vinh

Một di tích, một quần thể hoặc một di sản chỉ được xem là có giá trị nổi bật toàn cầu của Công ước khi Ủy ban Di sản thế giới thấy rằng nó có thể đáp ứng ít nhất một trong 6 tiêu chuẩn dưới đây:
i) - là một kiệt tác tài năng sáng tạo của con người;
(ii) - thể hiện một sự giao lưu quan trọng gữa các giá trị của nhân loại, trong một khoảng thời gian hoặc trong phạm vi một vùng văn hóa của thế giới, về các bước phát triển trong kiến trúc hoặc công nghệ, nghệ thuật tạo hình, quy hoạch đô thị hoặc thiết kế cảnh quan;
(iii) - là một bằng chứng độc đáo hoặc ít nhất cũng là một bằng chứng ngoại hạng về một truyền thống văn hóa hay một nền văn minh đang tồn tại hoặc đã biến mất;
(iv) - là một ví dụ nổi bật về một kiểu nhà hoặc một quần thể kiến trúc hoặc công nghệ hoặc một cảnh quan minh họa cho một hay nhiều giai đoạn có ý nghĩa trong lịch sử nhân loại;
(v) - là một ví dụ nổi bật về một kiểu định cư truyền thống của con người hoặc một phương pháp sử dụng đất truyền thống, đại diện cho một nền văn hóa (hoặc các nền văn hóa), nhất là khi nó trở nên dễ bị tổn thương dưới tác động của những biến động không thể đảo ngược được;
(vi) - gắn bó trực tiếp hoặc cụ thể với những sự kiện hoặc truyền thống sinh hoạt với các ý tưởng hoặc các tín ngưỡng, các tác phẩm văn học nghệ thuật có ý nghĩa nổi bật toàn cầu.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất