"Tính kế thừa và hội nhập âm nhạc trên sóng phát thanh thế kỷ XXI" là chủ đề cuộc Hội thảo diễn ra ngày 15/6 tại Hà Nội trong khuôn khổ Liên hoan phát thanh toàn quốc lần thứ X năm 2012.
Đây là cơ hội để các nhà chuyên môn, nhà quản lý nhìn nhận lại sự phát triển cũng như tính kế thừa, hội nhập của âm nhạc trên làn sóng phát thanh những năm qua. Các đại biểu dự hội thảo đã đề cập đến những đóng góp của âm nhạc dân tộc, âm nhạc thiếu nhi và cả những vấn đề "bức xúc" liên quan đến âm nhạc trên sóng phát thanh.
Các đại biểu dự hội thảo đều nhất trí cho rằng âm nhạc nói chung chiếm thời lượng khá lớn trên làn sóng phát thanh Đài tiếng nói Việt Nam, là địa chỉ tin cậy của các nhạc sỹ gửi gắm tác phẩm của mình để từ đây chuyển tải tới đông đảo công chúng cả nước.
Nhiều nhạc sỹ thành danh được khán giả mến mộ, có những bài ca sống mãi cùng năm tháng cũng chính nhờ làn sóng phát thanh. Âm nhạc trên làn sóng phát thanh, nhất là trên sóng Đài tiếng nói Việt Nam luôn không ngừng được đổi mới theo hướng chọn lọc, tích cực giới thiệu đến thính giả nhiều tác phẩm âm nhạc mới chất lượng cao.
Có thể nói rằng âm nhạc trên làn sóng phát thanh đã đóng góp một phần tích cực vào sự phát triển của nền âm nhạc nước nhà, đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của thính giả Việt Nam...
Theo giáo sư, tiến sỹ khoa học Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, sóng phát thanh đã đóng góp lớn lao vào việc bảo tồn, phát huy và phổ biến di sản âm nhạc cổ truyền của các tộc người Việt Nam.
Hầu hết các di sản âm nhạc của các dân tộc như Kinh, Tày, Nùng, Thái, Mường, Bana, Gio Rai, Êđê... ít nhiều đều được truyền đi trên sóng phát thanh nhưng là dưới dạng những tiết mục đã được sân khấu. Mặc dù tốn không ít công sức, tiền bạc để "dàn dựng" các tiết mục đó nhưng lại không được chủ nhân của các loại hình âm nhạc đó công nhận.
Giáo sư Tô Ngọc Thanh cho rằng bên cạnh những tiết mục đã được "sân khấu hóa" như trên, trong chương trình âm nhạc của Đài cần bổ sung phần giới thiệu vốn di sản này trong dạng nguyên gốc của nó như cha ông để lại.
Đồng thời, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam Tô Ngọc Thanh cũng khẩn thiết đề nghị Hệ âm nhạc, thông tin, giải trí VOV3 Đài tiếng nói Việt Nam khối hợp với Hội tổ chức một chương trình di sản âm nhạc dân tộc cổ truyền phát định kỳ nhằm giới thiệu đến thính giả những di sản âm nhạc với minh họa nguyên gốc...
Còn theo ý kiến của giáo sư Đặng Hoành Loan thì bảo tồn các di sản âm nhạc đúng trong không gian như nó đang tồn tại ở nơi chủ nhân của di sản đó đang sinh sống là điều tốt, cần phải làm vì đó là hành động tích cực giữ gìn bản sắc dân tộc. Nhưng để đưa các loại hình di sản này lên sân khấu lại không thể bê nguyên không gian đó lên được, việc thưởng thức của khán giả lúc này đã chuyển từ xem sang nghe.
Việc đưa các di sản âm nhạc dân tộc lên giới thiệu trên sóng phát thanh chính là đưa di sản lên nhiều phương tiện của đời sống hiện đại. Nếu không có những phương tiện như thế này thì dân ca vùng nào sẽ ở nguyên vùng đó, không có tính chất hội nhập.
Nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Bùi Trọng Hiền thì hiện Đài tiếng nói Việt Nam đang lưu trữ kho tàng âm nhạc cổ truyền khổng lổ. Thế nên ngoài việc phổ biến kho tàng đó một cách rộng rãi trên sóng phát thanh thì cần thêm việc phổ biến bằng nhiều loại băng đĩa khác...
Với âm nhạc dành cho thiếu nhi, một số nhạc sỹ đề nghị Đài tiếng nói Việt Nam nên khởi động trở lại Liên hoan Tiếng hát hoa phượng đỏ toàn quốc vào dịp hè hàng năm để các "nghệ sỹ nhí" thể hiện tài năng và giao lưu, học hỏi với các bạn trong cả nước.
Thêm vào đó, Đài cũng nên tổ chức nhiều hơn nữa sân chơi âm nhạc cho các em thiếu nhi, không chỉ để cho các em tiếp xúc với thanh nhạc mà từng bước hướng dẫn các em tiếp xúc các tác phẩm khí nhạc có chủ đề gắn với thiếu nhi.
Bên cạnh đó cũng cần phải có những chương trình bình chọn các bài hát hay dành cho thiếu nhi mà chính các em tham gia bình chọn cùng với các cuộc thi sáng tác ca khúc thiếu nhi.../.
(TTXVN)