Thứ Ba, 26/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Sáu, 15/5/2009 13:25'(GMT+7)

Cuộc thi Ký văn học Chân dung Người đương thời - Những nét đẹp giữa đời thường

Các tác giả, nhà văn trao đổi về Cuộc thi ký văn học Chân dung người đương thời.

Các tác giả, nhà văn trao đổi về Cuộc thi ký văn học Chân dung người đương thời.

Hơn cả một cuộc thi

Trong bài phát biểu mở đầu, nhà văn Trần Văn Tuấn, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP, thành viên Hội đồng giám khảo đã nhắc lại mục đích chính của cuộc thi là nhằm phát hiện và tôn vinh những nhân tố mới, những tấm gương tỏa sáng vẻ đẹp nhân cách. Đây cũng là hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Đây cũng là điểm đặc biệt nhất của cuộc thi này được các đại biểu tham gia buổi sơ kết thống nhất tán đồng. Giữa rừng thông tin về những tiêu cực được chuyển tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, các bài ký về những nét đẹp cuộc đời từ cuộc thi mang lại cho con người niềm tin yêu vào cuộc sống, một sự cân bằng cái tốt và xấu của cuộc đời. Nhà văn Thanh Giang cảm thán: “Viết để trả món nợ cuộc đời, đưa cái tốt hiện lên trước mắt mọi người cũng là một cách trả món nợ của người cầm bút về những điều tốt đẹp trong cuộc sống”.

Một điểm riêng khác cũng được nêu lên tại buổi sơ kết là tính cộng đồng của cuộc thi. Đến nay, cuộc thi ký văn học Chân dung Người đương thời đã nhận được hơn 130 bài viết từ khắp mọi miền đất nước gửi về tham gia. Từ số bài viết đó, đến nay ban tổ chức đã chọn ra hơn 50 bài để đăng trên báo SGGP số ra chủ nhật hàng tuần, từ ngày 15-6-2008. Đạo diễn Lê Văn Duy nhận định: “Thật hiếm hoi và đáng quý khi đều đặn có những tác phẩm dạng ký văn học được đăng trên nhật báo”.

Từ các bài viết này, nhiều câu chuyện cảm động về những tấm gương đẹp, những nỗ lực quý giá trong cuộc sống đã được nhiều bạn đọc biết đến như “Chàng già làng dưới chân núi mẹ” hay câu chuyện về “Thần đồng ngày ấy giờ ra sao”, “Người lính hậu chiến làm người cầm bút”, “Tình nghêu hai mảnh ôm rừng biển”, “Phép màu”, “Hãy bay lên những ánh vàng”, “Hoa bưởi hôm qua và hôm nay”…

Các đại biểu tham dự thống nhất nhận định, cuộc thi Ký văn học Chân dung Người đương thời không chỉ đơn thuần là một cuộc thi, đó còn là một hành trình vinh danh cái đẹp đời thường lên những trang báo trong cuộc sống hôm nay.

Những điều đọng lại

Cũng nhân dịp này, Quỹ hỗ trợ sáng tác văn học về đề tài Chiến tranh cách mạng và Lực lượng vũ trang do Báo SGGP tổ chức đã trao khoản tiền hỗ trợ sáng tác cho 5 nhà văn (mỗi người 5 triệu đồng) có sáng tác, đề cương sáng tác được chọn gồm: Nhà văn Nguyễn Chí Trung, Trần Anh Thái, Thanh Giang, Trầm Hương và Thạch Cương.

Trong buổi sơ kết, các nhà văn, cộng tác viên tham dự đã nhiệt tình đóng góp nhiều ý kiến để nâng cao chất lượng cuộc thi hơn nữa. Nhà văn Trầm Hương đưa ra đề xuất: “Cuộc thi nên có sự phản hồi sau khi bài viết được đăng trên báo để bạn đọc theo sát hơn những thông tin về nhân vật được giới thiệu trong các bài viết. Sau khi bài viết của tôi được đăng, tôi đã nhận được nhiều phản hồi từ bạn đọc chia sẻ, đồng cảm”.

Nhà văn Tô Hoàng thì đề nghị: “Đưa trước các bài viết chọn đăng báo cho một số nhà văn, nhà phê bình chuyên nghiệp xem qua và có các nhận định ngắn khi in trên báo, giúp bạn đọc có sự định hướng khi đọc bài ký”.

Nhà văn Văn Lê xoáy sâu vào nội dung: “Không phải viết về cái mà các nhân vật đã làm, chuyện đó thì cũng có nhiều bài khác đã viết, các tác giả ký chân dung văn học nên đi sâu vào cách mà nhân vật đã làm hay tâm tư, suy nghĩ của họ khi lao vào khó khăn...”.

Đạo diễn Lê Văn Duy kiến nghị: “Thay vì ngồi chờ bài viết, ban tổ chức có thể chủ động giới thiệu các tấm gương và hỗ trợ các tác giả tìm đến họ để viết”.

Với tinh thần góp ý xây dựng, nhiều đại biểu cũng đã thẳng thắn nêu rõ những mặt còn hạn chế của cuộc thi. Nhà văn Văn Lê thẳng thắn: “Không ít bài viết mang chất thông tấn báo chí, truyền tải thông tin hơn là văn chương”.

Góp thêm vào ý kiến này, nhà văn Trầm Hương nhận xét: “Bản thân việc đăng báo là một hình thức hay, giúp cho bạn đọc nhanh và thuận lợi tiếp cận các bài viết nhưng ngược lại, do đặc điểm giới hạn số lượng chữ của báo chí khiến cho nhiều bài viết bị hụt hẫng, chưa thể đưa ra hết những yếu tố văn học của thể loại ký chân dung”.

Kết thúc buổi sơ kết, nhà văn Trần Thế Tuyển, Tổng Biên tập Báo SGGP, Chủ tịch Hội đồng giám khảo đã phát biểu tiếp thu các ý kiến đóng góp chân tình. Theo ông: “Cuộc thi chuyển tải được nhiều tấm gương tốt, phản ánh những mặt tích cực trong đời sống xã hội hiện nay. Ngoài ra, cuộc thi cũng đã tạo ra sự chú ý trong dư luận từ đó nhận được sự hỗ trợ, cổ vũ từ đông đảo bạn đọc. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cuộc thi cũng đã bộc lộ một số vấn đề hạn chế như xuất hiện tình trạng viết chưa đúng sự thật, gây khó khăn cho công tác xác minh. Công tác quảng bá còn chưa thật sự được quan tâm…”.

Trong thời gian còn lại của cuộc thi, nhà văn Trần Thế Tuyển khẳng định: “Ban tổ chức sẽ tập trung nâng chất lượng các bài viết dự thi, tập trung cải tiến theo các ý kiến đóng góp như chủ động tìm nhân vật, tăng cường thông tin phản hồi từ các bài viết, tăng tính chuyên nghiệp trong các bài ký nhằm tạo hiệu quả xã hội cao hơn cũng như tăng sức lan tỏa sâu rộng trong lòng bạn đọc”./.

Theo SGGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất