Thứ Năm, 10/10/2024
Tin hoạt động
Chủ Nhật, 10/5/2009 22:2'(GMT+7)

Làng Ho - nơi bắt đầu của đường Hồ Chí Minh huyền thoại

Và ngày 19-5-1959 "Ðoàn công tác quân sự đặc biệt" do đồng chí Võ Bẩm chỉ huy đã chính thức được giao nhiệm vụ quan trọng này. Thời gian đầu, Ðoàn chọn Khe Hó làm điểm xuất phát của tuyến đường, cuối năm 1959 thì quyết định chuyển tới Làng Ho để thuận tiện cho việc cơ động và vận chuyển. Làng Ho ngày ấy, bây giờ đã trở thành một địa chỉ kinh tế, văn hóa ở miền tây Quảng Bình...

Làng Ho có ba bản, hai bản có tên là bản Mít và bản Ho Rum, còn một bản có tên gọi khá đặc biệt: Bản Trung Ðoàn. Chẳng là thời chiến tranh, bộ đội Trung đoàn 6 đóng quân ở đây, nơi đóng quân trở thành địa danh, rồi tên bản cũng đặt theo địa danh ấy. Ðến Làng Ho hôm nay, tôi không thể hình dung nửa thế kỷ trước nơi này hoang vu, rậm rạp đến thế nào, song theo lời ông Hồ Thao Rani thì ngày ấy ở đây không có đường, chỉ có rừng rậm, dân cư thưa thớt, khi "bộ đội bác Bẩm" đến thì đường mới được phát quang. Từ đó Làng Ho trở thành điểm khởi đầu của đường Trường Sơn và tấm bia Di tích lịch sử Quốc gia đường Hồ Chí Minh ở bản Trung Ðoàn ghi rõ: "Nơi đây: Tháng 10-1959 đã được chọn đặt Chỉ huy sở tiền phương của Ðoàn 559; là điểm đầu đường gùi thồ chi viện cho chiến trường Trị - Thiên và khu 5 từ năm 1959 đến 1962. Năm 1966 - 1967, bộ đội, TNXP Trường Sơn đã mở đường cơ giới Thạch Bàn - Làng Ho, Làng Ho - Khe Sanh, Làng Ho - Bản Ðông để chuẩn bị cho chiến dịch Khe Sanh và Mậu Thân 1968; là nơi tập kết lực lượng chuẩn bị đánh đường 9 - Nam Lào 1971". Còn bây giờ thì mọi sự đã thay đổi, đường Hồ Chí Minh nhánh tây lát bê-tông rộng rãi, phẳng phiu, dài mấy trăm cây số, chạy suốt từ Ðồng Hới qua Làng Ho đến tận Khe Sanh. Con đường đã góp phần quan trọng mở ra và tạo điều kiện để các địa phương dọc hai bên đường có cơ hội tiếp xúc, giao lưu, phát triển. 


 
Nhà mới và lớp mẫu giáo làng Ho hôm nay.
 
Ða số bà con người Vân Kiều ở Làng Ho ngày trước sống ở bên Hướng Lập (Quảng Trị). Khi chiến tranh ngày càng ác liệt thì di cư về đây, phần để tránh bom đạn, phần để sống tập trung và tham gia hoạt động cách mạng. Ký ức của những người cao tuổi trong làng vẫn còn in đậm kỷ niệm của thời trận mạc. Bà con vẫn nhớ những chuyến gùi hàng vào chiến trường vất vả, gian nan như thế nào, vẫn nhớ lúc thiếu đói được bộ đội giúp đỡ ra sao. Và các "anh Thành", "anh Lý", "anh Sâm"... của ngày ấy vẫn được nhắc tới với tình cảm ấm áp như với người thân mới đi đâu xa. Hôm nay, ngoài các anh bộ đội trong tổ công tác địa phương và các chiến sĩ biên phòng hằng ngày qua lại như con em trong nhà, ở Làng Ho đã có rất nhiều người từ phương xa đến đây để lập nghiệp. Người là thầy cô giáo vùng cao, người đến trồng rừng, người làm ăn buôn bán... Nguyễn Văn Dũng quê ở Lệ Thủy, tốt nghiệp Ðại học Sư phạm Huế thì lên Làng Ho. 24 tuổi, chàng trai mảnh dẻ, thư sinh giờ là thầy giáo của trẻ em Vân Kiều. Khi tôi ghé thăm nhóm học sinh lớp 5 ở bản Trung Ðoàn có thầy giáo Dũng đứng lớp, thì mấy chục cháu bé Vân Kiều đang đồng thanh đọc bài Hạt gạo làng ta (thơ Trần Ðăng Khoa). Giữa rừng núi heo hút ở miền tây Quảng Bình, nghe giọng đọc còn lơ lớ của các em, trong tôi như dậy lên điều gì đó khó nói thành lời. Nguyễn Văn Dũng kể:

- Học sinh người ở xa, người ở gần, có em đi học mà chưa ăn gì, có em phải mang theo cơm đến lớp, nhưng các em đều say sưa học hành, anh ạ.

Ở lớp học bên cạnh, cô giáo mầm non Nguyễn Thị Thanh đang dạy các cháu lứa 4 - 5 tuổi múa hát và thực hành vệ sinh. Nguyễn Thị Thanh học xong Cao đẳng Sư phạm Quảng Bình thì lên đây. Học sinh của Thanh cũng thế, có cháu lũn tũn đi bộ mấy cây số đến lớp, nắng cũng như mưa, hôm nào cũng đến chậm cả giờ đồng hồ so với các bạn. Học sinh ở lớp mầm non ăn mặc đủ kiểu, sạch sẽ lẫn lem luốc; những gương mặt ngây thơ còn e dè khi thấy người lạ nhưng lại luôn cười tươi khi xúm quanh cô giáo, đưa tới cảm giác về sự hồn nhiên, gần gũi. Tương lai của các em, tương lai của quê hương bắt đầu từ những ngày đến lớp. Vì để có một cuộc đổi đời thật sự ở vùng này, sự tăng trưởng của đời sống vật chất mới chỉ là một mặt, còn một mặt khác quan trọng hơn là phải thay đổi phương thức sống, thay đổi tập quán sinh sống ít nhiều tạm bợ đã có từ lâu đời. Ðiều này thì tôi đã nhận ra khi tới thăm các gia đình trong làng. Như ở nhà anh Hồ Thiết chẳng hạn. Ngôi nhà sàn của gia đình anh mới làm xong, khung nhà bằng bê-tông được cấp từ Chương trình 135, chung quanh thưng gỗ rất đẹp, nhưng quan sát sự bày biện và việc tổ chức sinh sống có thể thấy còn thiếu quy củ. Con trai của Hồ Thiết là Hồ Văn Ðiều. Hồ Văn Ðiều sinh năm 1986, hiện là trưởng bản Trung Ðoàn và là một trong hai thanh niên trong bản đã tốt nghiệp THPT. Buổi sáng trong lành, trời cao vời vợi, ruộng nương xanh ngắt, nhưng một vài đàn ông trong bản vẫn nằm khoèo ở nhà. Tập quán mẫu hệ của người Vân Kiều vẫn đặt lao động nặng nhọc lên vai phụ nữ. Có chị cặm cụi xuống ruộng lên nương, lưng địu con nhỏ, còn ông chồng thì nằm nhà, đến trưa ra suối kiếm nắm ốc về luộc nhắm rượu. Thiết nghĩ, đó là điều mà chỉ có sự tự ý thức kết hợp với việc tiếp nhận các quan niệm văn minh mới có thể giúp làm thay đổi một tập quán đã ổn định qua nhiều thế hệ. Dường như trưởng bản Hồ Văn Ðiều đã hiểu được hạn chế ấy, khi tôi đến thì anh đang đi làm. Buổi trưa tạt qua nhà lần nữa vẫn chưa thấy anh về, hy vọng cái sự ham làm của trưởng bản sẽ trở thành một tấm gương để mấy anh sức dài vai rộng rời khỏi tấm chăn ở góc nhà, dứt khỏi can rượu để bỏ công sức cùng vợ con củng cố và phát triển gia đình. 

Ở Làng Ho giờ không chỉ có đường sá rộng rãi mà còn nhiều nước sạch. Ðầu bản, đầu xóm đều có bể xây to, nước trong vắt. Vậy là các cô gái Vân Kiều không phải đi gùi ống đi lấy nước ngoài suối, nước đã về ngay trong làng rồi. Các Chương trình 134, 135, 136 của Nhà nước thật sự đã làm đổi thay bộ mặt của bản làng. Hộ nghèo được cung cấp khung nhà sàn trị giá tám triệu đồng, bà con bỏ thêm công sức và khai thác gỗ loại ba về để hoàn thiện nên nhà nào cũng đẹp và rộng. Nhà chị Hồ Thị Ngan ngày trước xập xệ, con cái lít nhít, mà anh chồng thì lang bạt chỗ này chỗ kia. Từ ngày Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Bình cùng Bộ đội Biên phòng góp công của tặng gia đình chị ngôi nhà "Ðại đoàn kết" thì mọi việc đã bắt đầu ổn định. "An cư lạc nghiệp", câu thành ngữ ấy hẳn là luôn có ý nghĩa ở mọi phương trời, khi con người muốn ổn định để phát triển cuộc sống. Như chị Hồ Thị Ngan tâm sự với tôi:

- Mình chỉ mong có ngôi nhà yên ổn, để mẹ con mình còn làm ăn!

Lững thững qua xóm dưới bản trên, tôi tò mò dừng lại trước một ngôi nhà gỗ khang trang, cây cối xanh rì, lại có cả hàng dâm bụt đang nở hoa đỏ tươi. Hỏi thăm thì biết đó là nhà của già làng Hồ Văn Ðậu. Ngoài hai đặc điểm trong ngôi nhà của người Vân Kiều là không ngăn buồng và bàn thờ đặt ngay trên xà nhà, thì vật dụng và bài trí trong nhà của già làng Hồ Văn Ðậu cũng không khác nhiều so với các gia đình miền xuôi. Giường tủ đẹp, sàn nhà trải ni-lông hoa, ấm chén trắng bong, quần áo treo gọn gàng ở góc nhà... Ngôi nhà này được Nhà nước cấp tám triệu đồng, ông bổ sung 32 đồng triệu nữa để xây dựng cho khang trang. 32 triệu đồng ấy là số tiền gia đình tiết kiệm từ trồng trọt và chăn nuôi. Già làng Hồ Văn Ðậu theo cách mạng từ ngày còn trẻ. Thời chiến tranh, ông là người đi đầu của đội ngũ thanh niên trong vùng. Giờ ông lại đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế - văn hóa để xóa đói, giảm nghèo. Ông bảo:

- Già làng bây giờ phải biết vận động con em chăm chỉ học hành, mọi người đoàn kết, hăng hái lao động sản xuất và thực hành tiết kiệm. Ở đây hủ tục vẫn còn nhiều, phải giúp bà con xóa bỏ các tập tục lạc hậu đang cản trở đời sống đi lên.

Già làng Hồ Văn Ðậu chưa yên lòng khi thấy bà con trong bản tiếp thu, thực hành các kỹ thuật canh tác mới còn chậm chạp. Ðất đai ở Làng Ho rất nhiều, khí hậu không khắc nghiệt, thuận lợi cho việc trồng lúa, lạc, ngô, khoai, sắn. Già làng lấy gia đình mình làm nơi thí điểm để bà con học tập. Ði đến đâu gặp cây gì có thể trồng, thấy con gì có thể nuôi là ông đem về. Quanh vườn nhà, ông trồng nhiều loại cây cho quả, từ đu đủ và mít đến xoài, bưởi, cam, quả bơ, nhãn,... tất cả đều xanh tốt, quả lúc lỉu. Rồi nữa là dãy chuồng trại sạch sẽ, trong đó ông nuôi lợn, gà, ngan. Ðàn ngan của gia đình già làng Hồ Văn Ðậu có năm bảy chục con, con nào con nấy béo núc ních, lặc lè đi lại trong khu vườn rào tre cẩn thận. Vài tháng, thương lái lại vào mua gia súc, gia cầm của gia đình ông và các gia đình chung quanh. Tiền thu được, phần để trang trải giống má và phân bón, sắm thêm đồ dùng sinh hoạt, phần để con cháu mua sách vở, còn bao nhiêu ông dành tiết kiệm.

Con trai cả của già làng làm nhà cạnh nhà cha mẹ. Cũng một ngôi nhà rộng và đẹp, mấy chiếc xe máy dựng dưới gầm sàn. Thấy bên cha mẹ có khách, anh sang chơi. Trò chuyện cùng hai cha con già làng, tôi càng hiểu, cuộc sống khấm khá hay không trước hết phụ thuộc vào suy nghĩ và lao động của con người. Suy nghĩ tìm ra giải pháp phù hợp các điều kiện kinh tế - xã hội, tự nhiên, để từ đó lao động có hiệu quả. Già làng Hồ Văn Ðậu được học hành, đi nhiều, biết nhiều. Ông tự hào giới thiệu về tấm ảnh chụp kỷ niệm trước Lăng Bác Hồ. Ông kể về nhiều điều ông chứng kiến sau các chuyến đi xa, ông suy nghĩ như thế nào khi muốn góp sức phát triển bản làng. Ngay cái chuyện làm sao để niềm tin tâm linh của bà con trong bản được giữ gìn nhưng không ảnh hưởng sinh hoạt chung cũng là việc ông quan tâm. Ông bảo: "Mọi gia đình người Vân Kiều đều thờ mẹ để nhớ công ơn, mỗi năm giỗ hai lần, đầu năm và cuối năm. Trước đây làm giỗ mẹ tốn kém lắm, đến nay thì đỡ hơn. Các gia đình góp gạo, góp gà, nhà góp tiền, cùng làm giỗ, cả bản liên hoan chung". Vậy là già làng đã có ý thức nghiêm túc về con đường mà ông cùng quê hương cần phải đi qua để làm nên một cuộc đời mới, sung túc và an lành.

Trời đã về chiều, mặt trời khuất dần sau dãy Trường Sơn. Con đường quốc lộ sáng rực lúc giữa trưa giờ bắt đầu mờ ảo sau những khúc "cua" phía xa xa. Gió từ triền núi thổi xuống mát lạnh và những làn khói lam chiều bắt đầu tỏa ra từ các mái nhà. Làng Ho trở nên yên ả, thi thoảng có tiếng xe máy vút qua, thấp thoáng bóng chàng trai cô gái Vân Kiều đầu đội mũ bảo hiểm. Ở nơi mấy chục năm trước từng là điểm xuất phát của "đường Trường Sơn huyền thoại" nay đã đổi thay rất nhiều. Và dù cuộc sống ở nơi đây còn nhiều khó khăn thì từ những gì đã chứng kiến, tôi vẫn nghĩ, như một sự tiếp nối, quá khứ đã và sẽ tiếp thêm nguồn sinh lực cho hiện tại để các bản làng Vân Kiều tiếp tục làm nên huyền thoại mới dưới chân Trường Sơn./.
 
(Theo: Nguyễn Hoà/Nhân dân)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất