Thứ Sáu, 22/11/2024
Xã hội
Thứ Ba, 4/12/2018 15:36'(GMT+7)

Cuối năm, doanh nghiệp lại lo tuyển và giữ chân người lao động

Tuyển và giữ chân lao động luôn là một trong những khó khăn nhất của Công ty TNHH Jawah vina

Tuyển và giữ chân lao động luôn là một trong những khó khăn nhất của Công ty TNHH Jawah vina

Thực tế ở các khu công nghiệp Khai Quang, Bình Xuyên I, Bá Thiện I, Bá Thiện II…việc tuyển lao động của doanh nghiệp diễn ra thường xuyên và quanh năm, nhưng theo chia sẻ của những người làm công tác nhân sự trong các doanh nghiệp thì thời điểm khiến họ “đau đầu”, vất vả nhất trong công tác tuyển dụng, giữ chân người lao động là dịp cuối năm và đầu năm mới. Bởi đây là thời điểm hầu hết các doanh nghiệp đều có nhu cầu tuyển dụng thêm lao động để mở rộng quy mô, tăng công suất hoạt động, đáp ứng kịp đơn hàng cho khách trước khi nghỉ Tết nguyên đán.

Đang phải chạy đôn chạy đáo để tuyển gấp 2.000 lao động, anh Nguyễn Kim Anh, phòng hành chính nhân sự Công ty TNHH Jahwa Vina, khu công nghiệp Khai Quang cho biết: Công ty TNHH Jahwa Vina là doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc được thành lập, đi vào hoạt động từ năm 2007, chuyên sản xuất linh kiện điện tử cho hãng điện tử Samsung. Qua hơn 10 năm hoạt động, Jahwa Vina có gần 20 lần điều chỉnh tăng vốn đầu tư để mở rộng nhà xưởng, nhập khẩu máy móc, hướng đến mục tiêu sản xuất khoảng 300 tấn linh kiện điện tử/năm và 150 tấn linh kiện công nghệ thông tin/năm. Hiên Công ty đang tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 3.000 lao động, với mức lương bình quân từ 7-8 triệu đồng/người/tháng.

Theo anh Kim Anh, do số đơn đặt hàng vào dịp cuối năm nhiều và số lao động biến động nghỉ chế độ thai sản, ốm đau, nhảy việc nên Công ty rất khó để tuyển đủ 2.000 lao động. Ngoài dán biển tuyển lao động ở cổng và một số vị trí quanh khu vực thành phố Vĩnh Yên, thông tin trên các website, qua Sàn giao dịch việc làm, nhiều năm qua, Công ty đã phối hợp với chính quyền các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Giang...trong công tác tuyển dụng lao động. Tuy nhiên, rất khó tuyển đủ số lao động này vì nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử, may mặc đều đang có nhu cầu tuyển thêm lao động. “5 năm trở lại đây, để tuyển và giữ được chân người lao động, Jahwa vina luôn thực hiện tốt các chính sách tiền lương, thưởng cho người lao động. Đồng thời, luôn quan tâm, lắng nghe, nắm bắt nhu cầu của người lao động để cải thiện môi trường làm việc nhưng xem ra việc này chưa đủ. Điều đáng nói là những khó khăn trong công tác nhân sự đã khiến hoạt động của Công ty bị ảnh hưởng rất nhiều. ”- anh Kim Anh băn khoăn.

Cũng luôn đau đầu trong việc tuyển và giữ chân người lao động, ông Nguyễn Khắc Mẫn, Giám đốc Công ty cổ phần may Đáp Cầu, thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên cho biết: Công ty có tiền thân là xí nghiệp may Đáp Cầu, được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2011 với 5 dây chuyền sản xuất. Hiện 100% sản phẩm gia công của Công ty đều xuất khẩu sang Mỹ. Dự kiến năm 2018, Công ty gia công và kịp thời giao hơn 1,4 triệu sản phẩm cho đối tác, với doanh thu xấp xỉ đạt 2,5 triệu USD, tăng 18% năm 2017; tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 500 lao động, với mức lương bình quân từ 6,3-6,5 triệu đồng/người/tháng, tăng 1 triệu đồng/người/tháng so với năm 2017.

Để phát triển, nhất là ký được các hợp đồng gia công dài hạn với đối tác, 8 năm qua, ngoài đầu tư hệ thống trang thiết bị, máy mọc hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm thì yếu tố tạo nên thương hiệu và giữ được chữ tín của doanh nghiệp chính là người lao động. Thế nhưng trong bối cảnh Vĩnh Phúc là điểm dừng chân hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp và người lao động có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm nên việc tuyển, giữ được chân người lao động rất khó.

Theo ông Mẫn, thực tế trong quá trình sản xuất, nhiều thời điểm Công ty không cần phải tăng ca nhưng vẫn phải tổ chức tăng ca, bởi khi tổ chức làm thêm giờ, Công ty sẽ tốn thêm tiền điện, nước và trả lương gấp 1,5 lần nhưng năng suất không bằng ca chính. “Lương bình quân của người lao động trong lĩnh vực này chỉ từ 4-6 triệu đồng/tháng, thấp hơn từ 1-5 triệu đồng so với một số lĩnh vực khác. Biết lương cao, thưởng nhiều là yếu tố then chốt để tuyển và giữ chân người lao động nhưng với một doanh nghiệp gia công như may như Đáp Cầu, việc liên tục tăng lương, thưởng cho người lao động rất khó và không có nguồn vì Công ty thường ký đơn đặt hàng dài hạn với đối tác hoặc có những thời điểm rất ít đơn đặt hàng, Công ty phải hoạt động cầm chừng”- ông Mẫn chia sẻ.

Không chỉ các doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn, các cơ sở sản xuất ở các làng nghề trên địa bàn tỉnh cũng đang gặp khó trong việc tuyển lao động thời vụ dịp cuối năm. Ông Lê Văn Quyền, chủ cơ sở sản xuất đồ nội thất và đồ thờ Lê Văn Quyền ở làng mộc Lũng Hạ, xã Yên Phương, huyện Yên Lạc, cho biết: Mùa làm ăn của làng nghề mộc Lũng Hạ bắt đầu từ tháng 10 âm lịch hằng năm. Năm nay, kinh tế khởi sắc, nhu cầu mua án gian, sập thờ, hoành phi câu đối, ngai, đài...của người dân tăng nên từ tháng 9, cơ sở đã kín đơn đặt hàng đến Tết nguyên đán.

Theo ông Quyền, cơ sở đang tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động, với mức lương bình quân từ 7-8 triệu đồng/người/tháng. Năm nào cũng vậy, từ đầu tháng 10 cơ sở đã dán thông báo tuyển thêm từ 10 -15 lao động thời vụ nhưng đến nay mới tuyển được 4 lao động do làm mộc khá vất vả, thu nhập bấp bênh và phụ thuộc vào thị trường. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp ngày càng phát triển, người lao động có nhiều cơ hội để lựa chọn nghề nghiệp với mức lương cao và giới trẻ ngày càng ít chọn nghề mộc để khởi nghiệp. Để không “lỡ hẹn” với khách hàng, nhất là khi đây đều là những sản phẩm tâm linh, hơn 1 tháng qua, cả gia đình ông đã làm việc xuyên trưa, thậm chí còn vận hành máy móc, đục đẽo làm cả tối để có hàng giao cho khách trước Tết nguyên đán.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, toàn tỉnh có 9.750 doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó có 7.020 doanh nghiêp đang hoạt động. Các doanh nghiệp ổn định, tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lo động, trong đó, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tạo việc làm thu nhập cho khoảng 82.000 lao động. Riêng năm 2018, toàn tỉnh có xấp xỉ 24.890 lao động được giải quyết việc làm mới, vượt gần 2.000 lao động so với kế hoạch đề ra.

Theo tìm hiểu của phóng viên, để hoàn thành kế hoạch sản xuất năm và đáp ứng đủ đơn hàng cho đối tác dịp Tết nguyên đán, hầu hết các doanh nghiệp đã tăng ca sản xuất, nâng cao công suất hoạt và có nhu cầu  tuyển dụng thêm hàng ngàn lao động, nhất các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực linh kiện điện tử, may mặc. Đây cũng là 2 lĩnh vực khó tuyển, khó giữ chân người lao động nhất do số lượng cần tuyển lớn và công tác tuyển dụng không theo kế hoạch, hơn nữa chỉ tuyển lao động nữ, thời gian sử dụng lao động lại ngắn. Bên cạnh đó, thu nhập của lao động trong 2 lĩnh vực này thường thấp hơn so với các doanh nghiệp hoạt động cùng lĩnh vực ở các địa phương lân cận. Cụ thể, các doanh nghiệp sản xuất điện tử ở Bắc Ninh, Thái Nguyên đang trả mức lương bình quân cho người lao động từ 9-11 triệu đồng/người/tháng và có xe đưa đón tại Vĩnh Phúc, trong khi các doanh nghiệp điện tử trên địa bàn chỉ trả từ 6-8 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, một số doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách và việc chăm lo đời sống tinh thần cho lao động còn bị bỏ ngỏ nên họ chưa an tâm làm việc gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Để giải quyết tình trạng biến động lao động, thiếu lao động ở các khu công nghiệp, nhất là dịp cuối năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức rà soát, nắm bắt thực trạng nhu cầu, yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, tâm tư nguyện vọng của người lao động. Từ đó, định hướng đào tạo nghề, kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển dụng, đồng thời liên kết giữa các trường nghề với doanh nghiệp để tổ chức đào tạo theo yêu cầu. Đặc biệt, trước các kiến nghị của người lao động tại buổi gặp gỡ, đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo tỉnh với hơn 500 công nhân đầu tháng 6/2018, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu, mở thêm và điều chỉnh nhiều tuyến, điểm xe bus phù hợp với giờ làm việc, tan ca của công nhân. Tỉnh cũng đã quy hoạch và dành gần 158 ha đất tại 9 khu vực để đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân. Dự kiến trước Tết nguyên đán Kỷ Hợi, Vĩnh Phúc sẽ khởi công xây dựng khu nhà ở công nhân gần khu công nghiệp Bá Thiện, huyện Bình Xuyên; đến năm 2020, tỉnh sẽ cùng với các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hơn 6.400 căn nhà đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho hơn 51.000 lao động. Đồng thời, quan tâm đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, đáp ứng tốt nhu cầu của người lao động.

Riêng đối với các doanh nghiệp sản xuất điện tử, may mặc, để tuyển và giữ được chân người lao động, trước hết, các doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch tuyển dụng cụ thể để địa phương, các ngành chức năng nắm được và chỉ đạo, định hướng đào tạo, tư vấn phù hợp. Cùng với đó, cần tăng tỷ lệ sử dụng lao động nam, thời gian sử dụng lao động và có những cơ chế chính sách đãi ngộ tốt để người lao động yên tâm sản xuất, gắn bó lâu dài./.

Thanh Nga/Theo Vinhphuc.gov.vn

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất