Dự thảo Kế hoạch hành động của Chính phủ đến năm 2015 về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã được chỉnh sửa nhiều lần và sắp hoàn thiện. Theo kế hoạch, đến cuối tháng 3 sẽ chính thức trình lên Chính phủ. Trong thời gian này, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ban, ngành tiếp tục lấy ý kiến bổ sung, hoàn thiện; trong đó những ý kiến đóng góp tại cuộc hội thảo này là rất thiết thực, cần nghiên cứu.
Ngày 9/3, tại Vĩnh Phúc, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo "Kế hoạch hành động về Chiến lược xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước", với sự tham dự của đại diện nhiều bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Kết thúc hội thảo, ông Hoa Hữu Văn, Phó vụ trưởng Vụ Gia đình kết luận: Dự thảo Kế hoạch hành động của Chính phủ đến năm 2015 về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã được chỉnh sửa nhiều lần và sắp hoàn thiện. Theo kế hoạch, đến cuối tháng 3 sẽ chính thức trình lên Chính phủ. Trong thời gian này, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ban, ngành tiếp tục lấy ý kiến bổ sung, hoàn thiện; trong đó những ý kiến đóng góp tại cuộc hội thảo này là rất thiết thực, cần nghiên cứu.
Hội thảo đã tập trung thảo luận cho ý kiến đóng góp vào Dự thảo chiến lược phát triển gia đình trong tình hình mới, trong đó tập trung vào 7 nhiệm vụ và 13 đề án. Đa số đại biểu đánh giá, đây là một lĩnh vực rất quan trọng, nhưng mục tiêu, giải pháp và kế hoạch hành động thì vẫn còn chung chung và đề nghị cần xây dựng một lộ trình cụ thể, sát thực và khả thi.
Theo ông Phan Văn Thế, Đại diện Văn phòng Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi, nếu mục tiêu không cụ thể dẫn tới việc thực hiện gặp nhiều khó khăn, bối rối, nhất là tại các địa phương. Thực tế, đến cuối năm 2013 mới có thể xây dựng xong các đề án, nhưng đến năm 2014 các địa phương chưa chắc đã đánh giá được việc thực hiện công tác này trong thời gian qua.
Vì vậy, để tạo điều kiện cho các địa phương, chúng ta nên đưa ra từ 2 đến 3 mục tiêu chung với khoảng 4 đến 5 chỉ tiêu cụ thể. Việc quy định như thế sẽ tạo được sự thống nhất, lúc triển khai không chồng chéo giữa các địa phương và cũng giúp họ có một hướng đi sát thực, cụ thể - ông Nguyễn Thanh Hảo, đại diện Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đề nghị.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, đặt ra 13 đề án thực hiện e rằng quá nhiều, dẫn tới khi thực hiện, các cơ quan chuyên môn không biết nên chọn cái nào trước, cái nào sau. Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, đại diện Bộ Tài chính đề xuất: tương ứng với mỗi nhóm nguyên nhân cần có những nhóm nhiệm vụ tương ứng và các đề án phải tập trung giải quyết những nhóm nhiệm vụ ấy. Bên cạnh đó, cũng nên sắp xếp các đề án theo hướng lồng ghép vào từng nhóm, sau đó mới bàn đến chuyện thực hiện đề án.
Ông Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam cho rằng, các nhiệm vụ nên được gộp lại theo trật tự logic, trong đó có thể chia thành các nhóm như: "Nâng cao nhận thức", "Vấn đề về quản lý nhà nước", "Hỗ trợ thực hiện"...
Cùng chung quan điểm trên, bà Hoàng Thanh Hà, đại diện TW Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đưa ra ý kiến: kế hoạch này nên bổ sung phần "tuyên truyền thực hiện". Cụ thể, nên có thêm một đề án nghiên cứu về cách thức tuyên truyền tới người dân, các hộ gia đình, do Bộ Thông tin Truyền thông chủ trì./.
TTXVN