Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên ở Việt Nam sẽ chạm ngưỡng 10% tổng dân số vào năm 2017, tức là dân số Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn "già hóa" từ năm 2017.
Ðây là một thách thức khá lớn vì dân số già sẽ đi đôi với việc chi tiêu nhiều hơn cho chăm sóc sức khỏe, hưu trí, trợ cấp...
Theo TS Dương Quốc Trọng, Tổng Cục trưởng Dân số (Bộ Y tế), với hơn 80 triệu dân, hiện nay nước ta mới bước vào thời kỳ "cơ cấu dân số vàng" nhưng theo một số chuyên gia, chúng ta đang phải đối mặt với việc già hóa dân số, đó là điều hoàn toàn bình thường. "Cơ cấu dân số vàng", nói một cách nôm na, là cứ có hai người trong độ tuổi lao động thì chỉ có một người trong độ tuổi phụ thuộc. "Già hóa dân số" hay còn gọi là giai đoạn "dân số đang già", khi tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 7% tổng số dân trở lên; hoặc khi tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm từ 10% tổng số dân trở lên. Giai đoạn "dân số già" còn gọi là giai đoạn "dân số đã già": Khi dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 14% tổng số dân trở lên. Ở nước ta, từ năm 2007, số người trong độ tuổi lao động đã gấp đôi số người trong độ tuổi phụ thuộc, như vậy, chúng ta đã chính thức bước vào giai đoạn dân số vàng. Theo tính toán của các nhà khoa học, giai đoạn dân số vàng kéo dài khoảng 30 năm. Trên thế giới, tùy vào mức sinh, mức chết mà giai đoạn này có thể rút ngắn còn 25 năm hoặc kéo dài tới 50 năm, nhưng ở nước ta, các nhà khoa học dự báo kéo dài từ 30 đến 35 năm.
Tuổi thọ trung bình thế giới là 47 tuổi (năm 1960) và đến 2010 là 68 tuổi. Tại Việt Nam, năm 1960 tuổi thọ bình quân chỉ đạt 40 tuổi nhưng tới 2010 lên đến 73 tuổi. Do đó, có thể khẳng định sự già hóa dân số là thành quả của sự phát triển kinh tế - xã hội, mà trực tiếp là y tế, chăm sóc sức khỏe người dân, công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình...
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Thanh Long, Phó Viện trưởng Chính sách công và quản lý (Trường đại học Kinh tế quốc dân), già hóa dân số, ngoài những thành tựu cũng đặt ra thách thức lớn. Thứ nhất, như phương tiện thông tin đại chúng đã nói, cơ cấu sắp xếp cuộc sống hộ gia đình người cao tuổi thay đổi rất nhiều, trước đây 80% số người cao tuổi sống với con cái, nhưng hiện nay do thay đổi về đời sống kinh tế - xã hội, chỉ có 60% số người cao tuổi sống với con cái, rõ ràng đây là chỗ dựa rất quan trọng cho người cao tuổi. Với sự biến đổi về sắp xếp cuộc sống gia đình như vậy tạo ra thách thức lớn trong chăm sóc người cao tuổi và làm thế nào để xây dựng chính sách chăm sóc người cao tuổi dựa trên cộng đồng và các nhân tố khác thay vì gia đình.
Thứ hai, theo một số báo cáo gần đây, ở người cao tuổi Việt Nam tỷ lệ khỏe mạnh còn thấp. Họ đang chịu xu hướng bệnh tật kép do tuổi già (liên quan đến lão khoa) và thay đổi cuộc sống mới, làm cho chuyển hướng xu hướng bệnh tật từ bệnh lây nhiễm sang không lây nhiễm và mãn tính, dẫn tới chi phí chăm sóc cao.
Thứ ba, hiện đời sống kinh tế người cao tuổi đã thay đổi, cải thiện nhiều so với 20 năm trước, tuy nhiên so với mặt bằng chung, đời sống người cao tuổi vẫn chưa cao và thực tế, một trong những nguồn thu nhập tạo ra cuộc sống ổn định cho người cao tuổi là hưu trí và trợ cấp thì vẫn chiếm tỷ lệ thấp trong chi tiêu chung của hộ gia đình. Trong thực tế, chỉ 20% số người cao tuổi tiếp cận hệ thống hưu trí. Ðây cũng là thách thức lớn, Việt Nam có thể già trước khi giàu do tốc độ già hóa cao, trong khi tốc độ thay đổi thu nhập chậm. Ngoài ra, chính sách của chúng ta đã thay đổi hướng tới phục vụ dân số già tốt hơn, nhưng thực tế, do một vài hạn chế về tài chính, nguồn nhân lực, dường như thay đổi về mặt chính sách vẫn chậm hơn so với yêu cầu thực tế.
Già hóa dân số là thành tựu, nhưng do chúng ta bước vào giai đoạn này quá sớm so với dự báo, cho nên xuất hiện nhiều thách thức và chúng ta phải chủ động đối phó bằng những giải pháp khác nhau. Cần sớm thiết lập hệ thống dịch vụ an sinh xã hội và chăm sóc người già rộng khắp từ thành thị tới nông thôn. Huy động phần lớn người dân tham gia đóng bảo hiểm xã hội khi đang làm việc và được hưởng lương hưu đủ sống khi về già. Nhà nước cần có chính sách cụ thể đối với những trường hợp không có con hoặc con không có điều kiện chăm sóc người thân, thì hệ thống dịch vụ xã hội lãnh trách nhiệm chăm sóc khi họ về già. Chuẩn bị đầy đủ các yêu cầu về dịch vụ y tế, văn hóa; môi trường vật chất, tinh thần... "đón trước" khi tỷ lệ người cao tuổi tăng cao, bảo đảm đủ sức cung cấp dịch vụ phù hợp với yêu cầu thực tế đặt ra: Tránh "cú sốc" cho người cao tuổi. Ðối với người trẻ, hãy "chủ động" chuẩn bị cho giai đoạn "già" của mình bằng cách lao động làm giàu, tích lũy cho tuổi già. Trường hợp đã bước vào tuổi già, vẫn có thể chủ động phát huy những khả năng, vai trò của mình trong gia đình, xã hội và cho chính bản thân mình...
Theo Nhân dân