Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 18/5/2017 20:11'(GMT+7)

Phát huy hơn nữa chất lượng của trang thông tin điện tử

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Những năm gần đây, hầu hết các cơ quan, đơn vị đều xây dựng trang thông tin điện tử với kinh phí đầu tư khá lớn. Nhìn chung, những thông tin được cập nhật trên các website đã mang lại nhiều thuận lợi cho người dân, tổ chức và cả cán bộ, công chức của cơ quan, đơn vị trong quá trình giao dịch, công tác...

Tuy nhiên, việc duy trì hoạt động trang thông tin điện tử của không ít cơ quan, đơn vị ở địa phương chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức, khiến cho hiệu quả hoạt động và chất lượng của các website này còn hạn chế, gây lãng phí, tốn kém.

Biểu hiện rõ nhất là việc cập nhật thông tin liên quan đến những lĩnh vực công tác thuộc chức năng của cơ quan, đơn vị còn hạn chế như: thông tin sơ sài, chưa đầy đủ; còn nhiều thông tin quá cũ, không mang tính thời sự... Trong đó đáng chú ý là những thông tin liên quan đến chế độ, chính sách, tuyển dụng, nâng ngạch, đấu giá... vì không được cập nhật kịp thời nên ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, tổ chức và ngay cả cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị đó.

Trong số những nguyên nhân của hạn chế nêu trên, có nguyên nhân liên quan đến thực trạng: một số cơ quan giao hẳn việc cập nhật thông tin cho cán bộ phụ trách nhưng không thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra; chưa có chế độ bồi dưỡng thỏa đáng cho đội ngũ làm công tác công nghệ thông tin... dẫn đến tình trạng tùy tiện, theo kiểu “muốn đưa thì đưa”, “không đưa cũng chẳng sao”.

Có thể khẳng định rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước đã mang lại hiệu quả tích cực, thiết thực. Chất lượng, hiệu quả công việc được nâng lên, giải quyết nhanh chóng, chính xác, thuận tiện, giảm bớt văn bản, giấy tờ cũng như thời gian đi lại của công dân, tổ chức.

Việc đưa các thông tin hoạt động, nhất là thông tin liên quan đến công dân, tổ chức lên trang điện tử của các cơ quan, đơn vị là rất quan trọng, vì chỉ cần ngồi nhà là người dân biết được hồ sơ công việc của mình đã có kết quả hay chưa hoặc cán bộ, công chức có thể biết được tình hình hoạt động của cơ quan, đơn vị nếu đi công tác xa... Điều này giúp cho người dân, tổ chức và cán bộ, công chức có thể nắm bắt kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để triển khai thực hiện hiệu quả. Đặc biệt những thông tin liên quan đến đại bộ phận nhân dân, giúp họ có thể nắm bắt kịp thời các quy định, chủ trương mới nhằm điều chỉnh kịp thời trong đời sống, sinh hoạt và công việc.

Do đó, theo chúng tôi cơ quan có thẩm quyền cần ban hành quy định bắt buộc các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị phải đưa tất cả các hoạt động của đơn vị, địa phương (trừ trường hợp thông tin thuộc bí mật nhà nước) lên cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử. Đây không chỉ là cách thức để công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, đơn vị mà còn tạo điều kiện cho người dân nắm bắt tình hình hoạt động, quy định pháp luật, chủ trương, chính sách để thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ của mình, đồng thời thông qua đó có thể giám sát các hoạt động của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức./.

Vĩnh Linh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất