Chiều ngày 24/5/2017, tại Hà Nội, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV nhiệm kỳ 2017 - 2022.
Tới dự Đại hội có đồng chí Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ TT&TT; đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; đồng chí Phạm Văn Linh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT, cùng 205 đại biểu đại diện 174 chi hội, hội viên cá nhân trong cả nước của Hội Xuất bản Việt Nam.
Phát biểu tại Đại hội, ông Đỗ Quý Doãn, Chủ tịch Hội Xuất bản khóa III, cho biết, 5 năm qua, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn nhưng Hội đã vượt qua thách thức, hoàn thành nhiệm vụ đặt ra. Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ thì vẫn còn nhiều việc chưa làm được.
Theo báo cáo kết quả hoạt động của Hội Xuất bản Việt Nam nhiệm kỳ 2011 – 2016, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 42 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, dù có nhiều chuyển biến tích cực, giữ được định hướng chính trị, thích ứng với cơ chế thị trường, nhưng ngành xuất bản và thị trường tiêu thụ xuất bản phẩm cho thấy quy mô vẫn còn nhỏ bé, chưa phát triển đúng tầm.
Trong 5 năm qua, Ban chấp hành Hội Xuất bản Việt Nam, cùng với các hội viên đã khắc phục khó khăn triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 3 Hội Xuất bản Việt Nam nhiệm kỳ 3. Với các nhiệm vụ đề ra, hội và các chi hội đã quan tâm, thực hiện tốt các hoạt động của ngành xuất bản. Tập trung giải quyết những vướng mắc, tồn tại và đề xuất chủ trương, giải pháp nhằm phát triển ngành xuất bản.
Tuy nhiên, ngành xuất bản cũng còn nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng, còn thụ động, chưa phát triển tương xứng, đúng tầm, số tác phẩm có giá trị chiếm tỉ lệ chưa cao. Đáng chú ý là chưa bảo vệ được quyền lợi chính đáng của hội viên như đề xuất ban hành văn bản về cơ chế, chính sách đặc thù đối với lĩnh vực xuất bản, chống nạn in lậu và vi phạm bản quyền; Chưa tổ chức được nhiều hoạt động để hội viên trao đổi thông tin nghề nghiệp, lắng nghe những khó khăn của hội viên để phản ánh với các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước. Với một số nhiệm vụ, phương hướng mới Đại hội lần này, Hội cũng sẽ bầu ra Ban chấp hành mới và giải quyết những những vấn đề còn tồn tại hiện nay.
|
Ra mắt các thành viên trong Ban chấp hành Hội xuất bản Việt Nam
nhiệm kỳ 2017-2022. (Ảnh DP) |
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, đồng chí Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT đánh giá cao vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc giúp ngành Xuất bản Việt Nam dần khẳng định vị thế của mình trong khu vực châu Á, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển một thị trường xuất bản phẩm lành mạnh, một nền “văn hóa đọc” phong phú, đa dạng.
Đồng chí Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: “Trong những năm gần đây hoạt động xuất bản có nhiều phát triển. Hội Xuất bản đã đóng góp cho sự phát triển vị thế của ngành, của nền văn hóa đọc phong phú và đa dạng. Toàn ngành đã có thay đổi đáng kể về nhân lực, có sở vật chất, chất lượng sách được cải tiến so với các năm. Ngành xuất bản Việt Nam dần khẳng định được vị thế của mình trong khu vực và tại Châu Á”.
Đồng chí Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: Các nhiệm vụ trọng tâm của Hội Xuất bản trong nhiệm kỳ mới như nâng cao văn hóa đọc; xây dựng đề án Giải thưởng Sách Quốc gia; phát triển hội viên. Đặc biệt là đề ra những nhiệm vụ và nội dung hoạt động đúng chức năng và sát với đời sống của ngành Xuất bản, làm cơ sở định hướng cho toàn bộ hoạt động của Hội; Phối hợp với Bộ TT&TT đề xuất với Chính phủ có những cơ chế, chính sách ưu đãi cho hoạt động xuất bản nhằm thúc đẩy hoạt động xuất bản phát triển; Khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án Giải thưởng Sách Quốc gia, kế tiếp Giải thưởng Sách Việt Nam;
Chăm lo quyền lợi, bảo vệ và phát triển hội viên, tổ chức nhiều hoạt động để hội viên trao đổi thông tin nghề nghiệp, phối hợp với các cơ quan liên quan bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho hội viên; Vận động các đơn vị trong ngành Xuất bản tại các địa phương thực hiện việc nâng cao văn hóa đọc; Mở rộng các kênh thông tin giới thiệu sách đến các đối tượng khác nhau; Tích cực tham gia các hoạt động thường niên của Hiệp hội Xuất bản Châu Á – Thái Bình Dương (APPA) và Hiệp hội Xuất bản các nước Đông Nam Á (ABPA), chuẩn bị mọi mặt để đảm nhận vai trò Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản ASEAN trong năm 2018.
Phát biểu nhận nhiệm vụ, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Tân Chủ tịch Hội Xuất bản cho biết đây là vinh dự đồng thời cũng là trọng trách mà Đại hội trao cho. Đồng thời đồng chí cũng nhận thức sâu sắc rằng để làm tròn trách nhiệm của mình, ngoài sự nỗ lực của mỗi cá nhân và tập thể Ban Chấp hành thì sự phối hợp công tác của các hội viên trong cả nước là hết sức quan trọng. Bởi sự tín nhiệm của các đại biểu, theo tôi, cũng chính là sự cam kết, cộng đồng trách nhiệm với Ban Chấp hành khóa mới về sự phát triển của Hội xuất bản nói riêng và ngành xuất bản nói chung.
Thay mặt cho Ban Chấp hành khóa mới, ông Hoàng Vĩnh Bảo gửi lời cám ơn và bày tỏ sự trân trọng sâu sắc đối với những đóng góp to lớn của ông Đỗ Quý Doãn, Chủ tịch Hội nhiệm kỳ 2011-2016 và tập thể Ban thường vụ, Ban Chấp hành khóa III./.
Duy Phong