(TG) - Thông qua những người có tín nhiệm trong cộng đồng, gần dân, nắm rõ phong tục địa phương, cơ quan chức năng đã phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động đối với đồng bào, từ thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, đến điều chỉnh hành vi, thay đổi những hủ tục, nếp sống lạc hậu, phát huy phong tục tập quán tốt đẹp, giữ gìn bản sắc văn hóa…
Với trên 60% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống chủ yếu tại 133 thôn, bản đặc biệt khó khăn, tuy nhiên, trong những năm qua, huyện Thanh Sơn (một trong 10 huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ) đã vươn lên dành được nhiều thành tích trong giữ vững an ninh, chính trị và phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh việc chú trọng phát triển kinh tế - xã hội, cấp ủy và chính quyền từ tỉnh đến huyện đã luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường quản lý trật tự xã hội trên địa bàn.
“Đến từng ngõ, gõ từng nhà”
Với tập quán canh tác lâu đời, trước đây đồng bào các dân tộc thiểu số ở Thanh Sơn thường có thói quen giữ súng ở trong nhà. Người dân dùng súng tự chế để xua đuổi muông thú, bảo vệ mùa màng, săn bắn cải thiện cuộc sống... Tuy nhiên, việc sử dụng vũ khí “nóng” luôn tiềm ẩn những nguy cơ đe dọa đến tính mạng con người và những tai nạn không lường trước được. Trước tình hình đó, cấp ủy, chính quyền huyện đã chỉ đạo lực lượng chức năng tập trung làm tốt công tác vận động, tuyên truyền đồng bào tự giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Theo đó, công an huyện đã cử cán bộ phụ trách có kinh nghiệm, thông thạo địa hình, am hiểu phong tục tập quán của đồng bào, phối hợp với chính quyền, ban, ngành đoàn thể cơ sở kiên trì “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thuyết phục bà con giao nộp súng và vật liệu nổ tự chế.
Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, lấy tuyên truyền, vận động, thuyết phục làm chính, đến nay, hầu hết các hộ gia đình và cá nhân có súng kíp và các loại súng hơi, vật liệu nổ tự chế đã tự nguyện giao nộp cơ quan chức năng. Kết quả này góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn, mang lại cuộc sống bình yên trong cộng đồng.
Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín
Trong cuộc sống, đồng bào các dân tộc thiểu số thường lấy yếu tố tình cảm làm “thước đo” cho cách hành xử và giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến cá nhân và cộng đồng. Cùng với những hạn chế về kiến thức pháp luật so với mặt bằng chung của xã hội, là nguyên nhân dẫn đến nhiều trường hợp vi phạm pháp luật đáng tiếc xảy ra.
Hiểu được vai trò quan trọng của già làng, trưởng bản và người có uy tín trong cộng đồng thôn, bản, làng, xã, các cấp chính quyền và cơ quan chức năng trên địa bàn huyên Thanh Sơn đã tích cực thực hiện cơ chế, chính sách phối hợp, phát huy vai trò của đội ngũ này.
Thông qua những người có tín nhiệm trong cộng đồng, có điều kiện gần dân, nắm rõ phong tục địa phương, được nhân dân tôn trọng, các cơ quan chức năng đã phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động đối với đồng bào, từ thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, đến điều chỉnh hành vi, thay đổi những hủ tục, nếp sống lạc hậu, phát huy phong tục tập quán tốt đẹp, giữ gìn bản sắc văn hóa…
Bên cạnh việc thường xuyên bổ trợ kiến thức, nâng cao phương pháp, kỹ năng tuyên truyền vận động gắn với đặc thù của mỗi địa phương, các cấp ủy đảng, chính quyền ở Thanh Sơn còn thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín. Qua đó phát huy vai trò nòng cốt của đội ngũ này trong cộng đồng dân cư, không chỉ là tuyên truyền, vận động đối với đồng bào mà còn tích cực gương mẫu, đi đầu trong các phong trào quần chúng như bảo vệ an ninh Tổ quốc, hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng, địa phương, tham gia xây dựng nông thôn mới...
Đời sống vật chất của đồng bào các dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện và nâng lên; an ninh chính trị, ổn định xã hội của mỗi bản, làng, thôn, xóm được được giữ vững; những tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan được thay bằng những bản sắc văn hóa tốt đẹp, văn minh, phù hợp với đời sống mới trên địa bàn Thanh Sơn hiện nay có một phần đóng góp của đội ngũ già làng, trưởng bản và người có uy tín trong cộng đồng.
Phối hợp thực hiện công tác trợ giúp pháp lý
Những năm qua, công tác tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nói chung và các chính sách dân tộc nói riêng, đã được các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương Thanh Sơn thường xuyên quan tâm, triển khai thực hiện. Công tác phổ biến pháp luật được triển khai tích cực qua nhiều kênh và bằng nhiều hình thức. Đáng chú ý là các đợt tổ chức tuyên truyền pháp luật do Phòng Tư pháp huyện phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh thực hiện thông qua hình thức lưu động.
Thông qua những buổi tư vấn, trợ giúp pháp lý lưu động, người dân đã hiểu hơn về kiến thức pháp luật, chấp hành pháp luật, sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt, chương trình trợ giúp pháp lý không chỉ là cầu nối đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống mà còn tạo cơ chế bảo đảm cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tiếp cận với các dịch vụ pháp lý như nhau.
Xác định công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành chính sách pháp luật cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng, thời gian tới, huyện Thanh Sơn tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác giáo dục pháp luật để góp phần tạo sự chuyển biến căn bản về ý thức tôn trọng pháp luật và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của nhân dân. Trong đó chú trọng nâng cao nhận thức của người dân trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tạo điều kiện để bà con được tiếp cận với các nguồn thông tin, nhất là các thông tin về pháp luật, về chấp hành pháp luật, về quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, nhằm góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội chung của toàn huyện./.
Bài, ảnh: Phùng Huyền Trang