Thứ Năm, 14/11/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 27/9/2009 15:44'(GMT+7)

Cương lĩnh cũ cho cuộc đua mới

Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) và Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) và Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier.

Có nhiều đảng tham gia tranh cử, nhưng thực chất đây chỉ là cuộc đua giữa một bên là đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của đương kim nữ Thủ tướng An-giê-la Méc-ken (Angela Merkel) với một bên là đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trung tả của đương kim Ngoại trưởng Phrăng Van-tơ Xtai-mai-ơ (Frank-Walter Steinmeier). Để tăng thêm khả năng giành thắng lợi trong cuộc đua này, CDU đã quyết định liên minh với đảng Liên minh xã hội Cơ đốc giáo (CSU), một chính đảng được coi là “chị em sinh đôi” của CDU, thành liên minh tranh cử CDU/CSU. Ngoài ra, bà Méc-ken còn liên kết với đảng Dân chủ Tự do (FDP), đảng đối lập theo đường lối thúc đẩy kinh tế, nhằm mục đích đưa nền kinh tế lớn nhất châu Âu này phát triển và tạo thêm nhiều việc làm sau khi Đức thoát khỏi suy thoái.

Quả thực, khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng đang là mối quan tâm của nhiều chính trị gia thế giới và cả nước Đức. Đối với người Đức, bốn năm cầm quyền vừa qua đã chứng tỏ năng lực lãnh đạo đất nước của bà Méc-ken. Mặc dù vấp phải những khó khăn và thách thức lớn do nhiều nguyên nhân, nhưng Đức vẫn đạt được chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, giảm tỉ lệ thất nghiệp. Đức vẫn tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu trong nền kinh tế của châu Âu.

Bước vào chiến dịch tranh cử với cương lĩnh “Không cần thử nghiệm”, khẩu hiệu đã từng đưa CDU tới thắng lợi trong những năm qua, bà Méc-ken tập trung vào việc khôi phục kinh tế, cắt giảm thuế, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Đức là một trong những nước ở châu Âu ít bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là khủng hoảng không gây khó khăn cho nước Đức. Từng là quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới, Đức đã tạm thời nhường lại “ngôi vị” này cho Trung Quốc khi các thị trường nhập khẩu hàng Đức bị co lại do cơn khủng hoảng. Xuất khẩu của Đức trong sáu tháng đầu năm 2009 đạt 521,6 tỉ USD, thấp hơn xuất khẩu của Trung Quốc (521,7 tỉ USD). Chính vì vậy, bà Méc-ken đặt mục tiêu bảo vệ vị trí số một về xuất khẩu của mình trong nhiệm kỳ tiếp theo nếu trúng cử.

Cử tri Đức có vẻ hài lòng trước cam kết trong cương lĩnh tranh cử của bà Méc-ken khi bà tuyên bố sẽ cắt giảm thuế cho người dân. Ở Đức, một cá nhân có mức thu nhập trung bình phải trả thuế thu nhập với các khoản đóng góp an sinh xã hội nhiều hơn bất cứ nơi nào trên thế giới. Việc giảm thuế đồng nghĩa với việc người dân sẽ giảm bớt một phần âu lo trong cuộc sống. Tuy nhiên, đối thủ Xtai-mai-ơ gọi “mục tiêu giảm thuế xuống còn 15 tỉ ơ-rô” của bà Méc-ken là điều viễn tưởng. Ông Xtai-mai-ơ cho rằng, việc giảm thuế chỉ làm giàu thêm cho những ai vốn đã giàu có. Điều đó đồng nghĩa với việc tăng mức chênh lệch giàu-nghèo trong xã hội Đức mà thôi.

Cam kết nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, củng cố vị thế của Đức trên bàn cờ chính trị châu Âu và thế giới cũng là mục tiêu chung của bà Méc-ken và ông Xtai-mai-ơ. Bà Méc-ken cho rằng, việc Đức đưa quân tham gia hoạt động tái thiết và nhân đạo ở Áp-ga-ni-xtan là thể hiện vai trò của một thành viên của NATO cũng như EU. Tuy nhiên, cả bà Méc-ken và ông Xtai-mai-ơ chưa đưa ra được cam kết cụ thể về lộ trình rút quân khỏi đất nước Nam Á này.

Đây thực sự là một cuộc đua gay cấn giữa CDU/CSU và SPD. Xét về tương quan lực lượng, Thủ tướng Méc-ken đang có ưu thế hơn. Các cuộc thăm dò trước thềm bầu cử cho thấy, Liên minh của Thủ tướng Méc-ken giành được sự ủng hộ của 48% số cử tri, hơn đảng SPD của ông Xtai-mai-ơ chỉ có 2%. Tuy nhiên, điều này chưa thể khẳng định chiến thắng sẽ thuộc về bà Méc-ken. Cuộc bầu cử “thử nghiệm” tại hai bang Thuya-rinh-gen (Thueringen) và Xa-lan (Saarland) ngày 30-8 đã cho thấy, đảng của bà Méc-ken bị mất điểm nghiêm trọng, trong khi đảng của ông Xtai-mai-ơ lại tăng hai điểm. Sau đó CDU đã buộc phải điều chỉnh lại đường lối tranh cử. Ngay trước cuộc bầu cử, cái bắt tay giữa bà Méc-ken và Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Pít-xbớc (Mỹ) đã phần nào “lôi kéo” thêm sự ủng hộ của giới trẻ Đức. Đó cũng là tín hiệu cho thấy, cơ hội tái cử nhiệm kỳ hai đang mở ra đối với Thủ tướng Méc-ken./.

(Theo: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất