Ngay trong ngày làm việc đầu
tiên 20/10, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường tiến hành thảo
luận và biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết bầu Chủ tịch nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026 đối với đồng chí Lương
Cường. Sau khi được Quốc hội bầu, Chủ tịch nước Lương Cường đã tuyên thệ
nhậm chức theo quy định.
CÁC BỘ TRƯỞNG, TRƯỞNG NGÀNH VỚI TINH THẦN "NÓI ĐI ĐÔI VỚI LÀM VÀ LÀM NGAY"
Đáng chú ý, trong đợt 1, Phiên chất vấn đã thành công tốt đẹp. Ba nhóm
vấn đề được lựa chọn chất vấn gồm: Ngân hàng, Y tế, Thông tin và Truyền
thông. Các Bộ trưởng, Trưởng ngành đã thể hiện trách nhiệm cao, nắm chắc
chức năng, nhiệm vụ và thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, trả
lời nhiều vấn đề khó, phức tạp, thẳng thắn, không né tránh, giải trình
làm rõ nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội nêu; đồng thời đề ra nhiều giải
pháp khắc phục hạn chế trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá, các nội dung chất vấn đã đáp
ứng được yêu cầu thực tiễn, “đúng” và “trúng” những vấn đề cử tri, nhân
dân cả nước và các đại biểu Quốc hội quan tâm; tiếp tục khẳng định đây
là hình thức giám sát tối cao trực tiếp, hiệu quả của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Bộ trưởng, Trưởng ngành với tinh thần “nói
đi đôi với làm và làm ngay”, phát huy những kết quả đạt được, khẩn
trương khắc phục những hạn chế, vướng mắc, có giải pháp mới để thực hiện
hiệu quả hơn các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ THU CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Trong ngày 4/11 và sáng 5/11, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở hội
trường về những nội dung: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển
kinh tế - xã hội năm 2024; Dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
năm 2025; Tình hình thi hành Hiến pháp; Thi hành luật, nghị quyết của
Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ
trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030,
tầm nhìn đến năm 2050; Chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân
hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB).
Các đại biểu đã tham gia nhiều ý kiến quan trọng, tâm huyết về ngân
sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính của
các quỹ tài chính ngoài ngân sách, đảm bảo nguồn lực cho phát triển kinh
tế, xã hội.
Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Tài
chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cho biết, sắp tới, Chính phủ
sẽ có sự đổi mới về chi thường xuyên và chi đầu tư. Trong năm nay,
Chính phủ cũng đã trình là cả nước tiết kiệm được khoảng 7.000 tỷ đồng
chi thường xuyên. Thường trực Chính phủ đang chỉ đạo tiết kiệm chi trong
đầu tư công. Trước đây, trong những năm 2009 - 2011, Chính phủ đã thực
hiện việc này, đến nay, việc này được tái khởi động lại.
Về vấn đề thu ngân sách, Phó Thủ tướng cho biết: "4 năm qua chúng ta
đã thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, giảm thuế cho người dân và
doanh nghiệp; đồng thời tăng chi ngân sách để thúc đẩy phát triển kinh
tế". Bốn năm qua đã vượt thu ngân sách gần 1 triệu tỷ đồng để đầu tư làm
đường giao thông, sân bay, bến cảng, chi an sinh xã hội, đầu tư kết cấu
hạ tầng. Đồng thời với việc tăng thu, Quốc hội và Chính phủ cũng đã
thực hiện giảm thuế gần 800 nghìn tỷ để hỗ trợ người dân và doanh
nghiệp. Đây là những giải pháp điều hành tài khóa hiệu quả.
Năm 2025 là năm cuối của nhiệm kỳ kết quả thực hiện ngân sách, chính
sách tài khóa năm 2025 đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành các kế
hoạch 5 năm giai đoạn 2021 -2025, do đó các đại biểu đề nghị tiếp tục
hoàn thiện pháp luật về thu chi ngân sách nhà nước; cơ cấu lại ngân sách
theo hướng bền vững; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng
phí. Đặc biệt lưu ý thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí
thư về tăng cường công tác thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí,
tiêu cực...
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ
chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên
quan nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phát biểu của đại biểu để đưa vào
các nội dung quan trọng, cần thiết vào các nghị quyết của Quốc hội gửi
đại biểu cho ý kiến để trình Quốc hội xem xét, thông qua.
THẢO LUẬN NHỮNG VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG CỦA ĐẤT NƯỚC
Tại kỳ họp này, khối lượng các công việc giám sát và quyết định những
vấn đề quan trọng của đất nước cũng rất lớn, thực tiễn đang đặt ra, cử
tri đang mong chờ.
Nổi bật trong ngày cuối của đợt 1 - sáng 13/11, Quốc hội nghe tờ
trình và báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ
cao trên trục Bắc - Nam. Theo đó, Chính phủ kiến nghị xây dựng mới tuyến
đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h; khởi công dự án
vào năm 2027 và phấn đấu cơ bản hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035. Sơ
bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 1,7 triệu tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ
USD).
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, nhấn mạnh “làm sớm sẽ tốt hơn nhưng do
điều kiện chưa cho phép”, đại biểu Quản Minh Cường (Đồng Nai) cho rằng,
thời điểm này rất phù hợp cả về quy mô nền kinh tế cũng như trình độ
quản lý và các điều kiện khác. Hơn nữa, qua nghiên cứu báo cáo hồ sơ của
Chính phủ trình cũng như nhiều tài liệu khác, đại biểu nhận thấy, để
phát triển nền kinh tế thì cơ sở hạ tầng là đặc biệt quan trọng. Và
trong rất nhiều hạ tầng như giao thông, cấp thoát nước, thông tin, y tế,
giáo dục thì “giao thông quan trọng nhất”.
“Đó là mạch máu của cơ thể và đường sắt tốc độ cao là động mạch chính”,
đại biểu Quản Minh Cường nhấn mạnh và phân tích từ thực tiễn 22 quốc gia
có đường sắt cao tốc.
Cũng trong sáng cùng ngày, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết
về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025. Chiều cùng ngày, Quốc hội cũng
đã thông qua Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách Trung ương.
Thảo luận ở hội trường về Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu
quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030. Các ý kiến đại biểu cơ bản
tán thành với sự cần thiết đầu tư Chương trình nhằm cụ thể hóa thực hiện
chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cam kết
quốc tế về phòng, chống và kiểm soát ma túy; tập trung giải quyết những
vấn đề cấp bách, trọng tâm, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công
tác phòng, chống ma túy...
GIÁM SAT TRÚNG VÀ ĐÚNG; LẬP PHÁP LÀ TRỌNG TÂM
Chiều 28/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc
hội thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo
Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện
chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển
nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.
Phát biểu tại nghị trường, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đồng
tình với các ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu về những tồn tại trong
quản lý thị trường bất động sản, nhà ở xã hội, có tình trạng mất cân đối
cung cầu. Số lượng nhà ở xã hội còn thấp, có nơi đã xây dựng nhưng chưa
đưa vào sử dụng, nhiều nhà ở tái định cư đang để lãng phí, nhà ở thương
mại đang được tập trung đầu tư nhiều hơn
Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ mở rộng, tạo quỹ đất xây dựng nhà ở
xã hội, rà soát toàn bộ quỹ nhà tái định cư để chuyển sang nhà ở xã
hội, đẩy mạnh cải cách, rút gọn, tinh giản quy trình thủ tục hành chính,
mở rộng các đối tượng thụ hưởng, tăng khả năng tiếp cận nhà ở xã hội,
sử dụng phối hợp nhiều biện pháp để giữ giá nhà ở xã hội ở mức hợp lý để
đảm bảo nâng cao hiệu quả phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, bằng kinh nghiệm công tác của
mình, từ lắng nghe ý kiến của cử tri, của nhân dân, các đại biểu Quốc
hội đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng đối với việc thực hiện chính
sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở
xã hội.
Các ý kiến tập trung phân tích kết quả đạt được, bất cập, hạn chế nguyên
nhân, trách nhiệm, đồng thời đóng góp nhiều giải pháp để hoàn thiện
chính sách, pháp luật, khắc phục bất cập, hạn chế trong tổ chức thực
hiện với mục tiêu phát triển thị trường bất động sản, phát triển nhà ở
xã hội an toàn, lành mạnh, bền vững, cân đối cung cầu, đáp ứng nhu cầu
chỗ ở cho người dân, người lao động, đối tượng chính sách.
Trong phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 8, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh đến
việc đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp. Các quy định của pháp luật phải
mang tính ổn định, có giá trị lâu dài. Luật chỉ quy định những vấn đề
khung, những vấn đề có tính nguyên tắc, không cần quá dài. Những vấn đề
thực tiễn biến động thường xuyên thì giao cho Chính phủ, địa phương quy
định để đảm bảo linh hoạt trong điều hành. Tuyệt đối không hành chính
hóa hoạt động của Quốc hội, luật hóa các quy định của nghị định và thông
tư,
Có thể nói, công tác lập pháp là nội dung trọng tâm, chiếm phần lớn
thời gian của Kỳ họp thứ 8. Các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc
hội xem xét liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực mà thực tiễn đang đòi
hỏi cấp thiết và nhiều doanh nghiệp và cử tri, nhân dân cả nước rất quan
tâm. Trong đợt 1, các đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, trí tuệ,
chuyên nghiệp, khoa học, tập trung góp ý toàn diện cả về nội dung và kỹ
thuật lập pháp của các dự án luật.
Các đại biểu thảo luận, xem xét trên tinh thần Luật cần ngắn gọn, chỉ
quy định những vấn đề theo đúng thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa
các vấn đề thuộc thông tư, nghị định; không cầu toàn, không nóng vội;
không quy định cứng nhắc; chuyển tư duy quản lý sang khơi thông nguồn
lực, tăng cường phân cấp, phân quyền triệt để, thực chất, đảm bảo đủ khả
năng cho cá nhân, cơ quan được phân cấp, phân quyền có thể tổ chức thực
hiện công việc; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; kiểm soát
quyền lực, không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong các luật, nghị
quyết. Từ đó, góp phần đảm bảo khi các luật, nghị quyết được Quốc hội
biểu quyết thông qua trong đợt 2 sắp tới đạt chất lượng cao và tuổi thọ
lâu, tạo điều kiện thuận lợi và giao quyền chủ động, linh hoạt cho Chính
phủ trong quá trình tổ chức thực hiện luật, gắn việc xây dựng luật và
tổ chức thực thi luật đạt hiệu quả cao nhất…
Đánh giá về đợt 1 Kỳ hợp thứ 8 của Quốc hội, đại biểu Quản Minh Cường
(Đồng Nai) nhìn nhận, đây là một kỳ họp với nhiều đổi mới, các dự án
Luật trình tại Kỳ họp đều súc tích, ngắn gọn hơn, cô đọng hơn và đặt ra
vấn đề về nguyên tắc, đường lối. Bên cạnh đó là sự phân cấp, phân quyền
mạnh mẽ hơn.
Theo chương trình, đợt 2 của Kỳ họp thứ 8 sẽ bắt đầu từ ngày
20-30/11. Trong khoảng thời gian từ ngày 14-19/11, Quốc hội nghỉ để các
cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh
lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết.
Từ những kết quả của đợt 1 cho thấy, Quốc hội tiếp tục đổi mới mạnh
mẽ tổ chức và hoạt động theo tinh thần Nghị quyết 27 ngày 9/11/2022 của
Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục
xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong
giai đoạn mới./.
TTXVN