Thứ Năm, 28/11/2024
Pháp luật
Thứ Sáu, 10/4/2009 19:53'(GMT+7)

Cựu chiến binh chống giặc “nội xâm”

Ông Vượng (bên trái) cùng ông Hoàng Cường kể lại câu chuyện đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực ở phường Võng Thị

Ông Vượng (bên trái) cùng ông Hoàng Cường kể lại câu chuyện đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực ở phường Võng Thị

Để làm rõ hơn chiến công của hai cựu chiến binh trong chống “giặc nội xâm”, chúng tôi đến tìm hiểu và nhận thấy ở họ nhiều điều đáng nói.

Tham gia Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội (19-8-1945); từ chiến sĩ quyết tử 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông Nguyễn Văn Vượng đã có 44 năm tuổi quân và 52 năm tuổi Đảng, về hưu với quân hàm Đại tá. Ông Hoàng Cường, Trung tá, cán bộ công tác tại Cục Quy hoạch, Bộ Tổng tham mưu, sau chuyển ngành sang Tổng cục Hàng không rồi nghỉ hưu. Năm nay, ông Cường đã 74 tuổi đời, 40 năm tuổi Đảng.

Tuổi hai ông ngày một cao, sức khỏe ngày một giảm. Ông Cường hiện đang bị khá nhiều bệnh như: gút, tiểu đường, huyết áp cao, sỏi thận phì đại tâm thất. Còn ông Vượng thì bị di chứng bại nửa người, tai biến mạch máu não, động mạch cánh lên não hẹp 40%, năm nào ông cũng phải đi viện cấp cứu. Kỷ niệm chiến tranh còn một mảnh đạn trong người, tim bị hở van 2 lá, hở van động mạch chủ, mắt bị teo dây thần kinh thị giác... Mang nhiều chứng bệnh như vậy nhưng khi tiếp chúng tôi, giọng nói của ông Vượng vẫn sang sảng. Ông kể chuyện chiến đấu chống giặc ngoại xâm, rồi mới say sưa kể với chúng tôi về cuộc chiến chống giặc “nội xâm” của mình và đồng đội.

Cuộc đấu tranh kiên trì và bền bỉ

Năm 2001, từ phường Khương Thượng, vợ chồng ông Nguyễn Văn Vượng cùng con cháu về định cư tại khu dân cư Võng Thị, phường Bưởi - một phường ven đô thuộc quận Tây Hồ. Qua tham gia sinh hoạt Đảng đều đặn và tích cực hưởng ứng công tác xã hội ở phường, ông Vượng nhận ra rằng, nơi mình ở rất phức tạp, đất công bị lấn chiếm ngang nhiên, tệ nạn xã hội xâm phạm vào cả nơi đình chùa… vì có sự bao che, dính líu của một số cán bộ địa phương. Khi họp hành ở khu phố và phường, ông đưa những vấn đề băn khoăn trong nhân dân ra bàn bạc thì nhận được sự trấn áp của một số cán bộ địa phương. Không để tiêu cực hoành hành, ông quyết tâm “xắn tay” vào cuộc.

Ông Vượng âm thầm lên kế hoạch “tác chiến”. Bắt đầu là việc ông đưa những sai trái ra đấu tranh tại Chi bộ khu phố 9, nhưng thấy hầu hết đảng viên đều “mũ ni che tai”. Bởi lẽ, nhiều đảng viên sinh hoạt ở làng Võng Thị lúc ấy rất giữ ý quan hệ anh em, bà con, biết tiêu cực nhưng tránh né; thậm chí họ còn coi người đấu tranh như cái gai trong mắt, rồi tìm cách bôi nhọ... Ông Vượng suy nghĩ rất nhiều về hiện tượng này. Ông đặt câu hỏi: Cán bộ, đảng viên ai cũng mũ ni che tai thì dân chúng biết trông cậy vào ai? Nhìn thấy cái khó, sự phức tạp của “cuộc chiến” nên ông tự động viên mình: Không được nản chí, cuộc đấu tranh này phải kiên trì, bền bỉ, phải áp dụng “chiến thuật mưa dầm thấm lâu”. Từ đó, người ta thấy buổi họp nào ông Vượng cũng phát biểu phân tích, nói rõ những tác hại của việc thờ ơ, không đấu tranh chống tham nhũng… Có 4 đảng viên trong chi bộ đồng thuận và bắt đầu sát cánh bên ông để đấu tranh. Thấy các đảng viên lão thành hăng hái vào cuộc, đặc biệt là có thêm ông Hoàng Cường - bạn chiến đấu của ông Vượng, bà con khu Võng Thị thêm vững tin. Sau hơn bốn năm thu thập chứng cứ, tài liệu, ông Vượng quyết định mở màn “cuộc chiến”. Phát “điểm hỏa” đầu tiên cho cuộc đấu tranh của ông Vượng, ông Cường là lên án vụ tiêu cực ở quán Trà Hoa Viên trong khuôn viên đình Võng Thị, được cán bộ địa phương giao trái phép hơn 2.041m2 đất công làm tụ điểm kinh doanh văn hóa không lành mạnh. Sau đó là trường hợp bà Dịch không có giấy tờ sở hữu hợp pháp, bán hàng trăm mét vuông đất trái phép thu lợi bất chính. Ông Vượng có trong tay chúc thư của cả người bác của bà Dịch để lại, cung cấp cho đoàn thanh tra.

Khi đưa những vụ tiêu cực ra ánh sáng, ông và đồng đội phải đối mặt với nhiều lời dụ dỗ, thậm chí đe dọa tính mạng của bản thân và gia đình, nhưng ông không lùi bước. Ông Vượng bảo: Trong đấu tranh chống tham nhũng, điều tối kỵ là khiếu kiện đông người, vượt cấp. Những sai phạm của cán bộ chỉ được nêu trong hội nghị và phải có chứng cứ rõ ràng, không bàn tán ra bên ngoài.

Ông Vượng nhớ lại: Khi tôi đưa vụ Trà Hoa Viên ra ánh sáng, cả Đoàn chủ tịch điều hành hội nghị đều bác bỏ, nhưng tôi đã nêu những lập luận sắc bén, chứng cứ rõ ràng, cuối cùng cả hội nghị đều phải thừa nhận là… có sai phạm. Thừa nhận rồi nhưng lại không xử lý đến nơi đến chốn, khi đó tôi mới bắt đầu khiếu nại lên quận. UBND quận cho thanh tra về và thanh tra lại bao che, dung túng. Tôi tiếp tục khiếu nại lên cấp thành phố...

Bảo vệ lẽ phải không đơn độc

Ông Nguyễn Văn Vượng và ông Hoàng Cường cùng một số đảng viên đã đưa ra ánh sáng 5 vụ tiêu cực tại phường Bưởi gồm: Vụ giao 2.041m2 đất công trái phép cho bà Nguyễn Thị Thanh Thủy – chủ quán Trà Hoa Viên; Việc chiếm đoạt 473m2 đất đình chùa để xây nhà của bà Trần Thị Nga và ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng ban quản lý di tích đình chùa Võng Thị; Việc sử dụng 339m2 đất công làm sân vườn của ba hộ thuộc khu tập thể Công đoàn; Việc lấn chiếm 120m2 hè đường làm tường bao của bảy hộ thuộc khu tập thể Ca múa nhạc và vụ bà Nguyễn Thị Dịch, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Tây Hồ sử dụng 1.082m2 đất trái phép tại ngõ 45A Võng Thị.

Ròng rã hơn sáu năm trời đấu tranh kiên quyết, nhiều lúc ông Vượng cũng mệt mỏi, bệnh cũ tái phát. Thấy vậy, không ít kẻ hí hửng mừng thầm, mong ông “ra đi” để vụ việc rơi vào quên lãng. Họ tung tin ông Vượng là lão già lẩm cẩm, ăn nói lung tung, là kẻ gây rối, chuyên “chọc ngoáy” ở làng Võng Thị. Nhưng họ nhầm, ông Vượng đã có vợ là bà Nguyễn Thị Ngọc Bích tiếp sức. Năm nay, bà Ngọc Bích vừa tròn 80 tuổi, từng là nữ quân y hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Bà Bích làm trợ thủ đắc lực, cặm cụi đọc tài liệu, làm “thư ký” chuyên ghi chép đơn thư cho ông Vượng. “Mỗi ngày một giờ, buổi sáng 30 phút và buổi chiều 30 phút, chúng tôi dành cho việc tập hợp, soạn thảo tài liệu, chuẩn bị nội dung đơn thư” – bà Ngọc Bích nói. Còn ông Vượng thì nói như khẳng định: “Trong những lúc khó khăn ấy, gia đình là điểm tựa để tôi vượt qua”. Các con của ông bà đều ủng hộ “cuộc chiến” chống tham nhũng, còn bà Bích hằng ngày vừa chăm sóc sức khỏe, vừa động viên ông Vượng đi đến tận cùng sự thật. Cả chi bộ và người dân khu Võng Thị trông đợi ở ông, vì lúc này đa phần mọi người đã nghĩ, việc ông tham gia đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực là vì lợi ích chung chứ không mưu cầu lợi ích riêng. Ông Vượng cũng không thù ghét ai, không mong muốn “hạ bệ”, hay bắt ai phải đi tù, mà chỉ mong muốn những cán bộ có sai phạm phải tự biết sửa chữa, khắc phục kịp thời, để lấy lại lòng tin nơi nhân dân.

Đấu tranh để bảo đảm kết quả thanh tra

Nhận được thông tin về tình hình tiêu cực, tham nhũng từ ông Vượng cấp trên cử các đoàn về thanh tra. Quá trình làm việc, ông Vượng đã bám sát các thành viên đoàn thanh tra liên ngành. Ông thấy chỉ trưởng đoàn và phó trưởng đoàn thanh tra nắm toàn bộ vụ việc, còn từng ủy viên được phân công tiếp người này, người nọ. Ông Vượng đã cùng một số đảng viên cung cấp đầy đủ hồ sơ, chứng cứ cho từng thành viên đoàn thanh tra và khai thác thông tin thăm dò ý kiến của từng ủy viên... Khi thấy kết luận của thanh tra và quyết định của UBND quận Tây Hồ xử lý đơn tố cáo của công dân không được khả quan, ông Vượng và bà con làm đơn phản đối, bác bỏ, khẳng định: “Quyết định của UBND quận Tây Hồ là “bao che, dung túng, tiếp tay” cho “giặc nội xâm” yêu cầu phải tổ chức thanh tra lạ”. Dự kiến, kết luận thanh tra lần 2 cũng không đạt yêu cầu, chỉ sửa đổi một vài từ ngữ lấy lệ nên ông Vượng và đại diện bà con khu Võng Thị đã lên làm việc với Chủ tịch UBND quận, vạch trần những điểm tiêu cực trong dự thảo kết luận thanh tra lần 2. Chủ tịch UBND quận trực tiếp chỉ đạo Đoàn Thanh tra làm lại bản dự thảo kết luận thanh tra lần 2 và Quyết định 471 theo đúng yêu cầu của nhân dân khu Võng Thị...

Cuối cùng, công lý đã “mỉm cười” với ông Vượng và bà con. Năm 2007, thay mặt Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã chỉ đạo UBND quận Tây Hồ làm rõ sự việc và kết luận cuối cùng sau hai lần thanh tra. Tất cả những khiếu nại, tố cáo của bà con khu Võng Thị đã được giải quyết thỏa đáng. Quán Trà Hoa Viên đã phải trả lại đất đình chùa, truy thu tiền chưa nộp thuế; yêu cầu phá dỡ tường rào lấn chiếm đất công của một số hộ dân; giao cơ quan điều tra làm rõ vụ việc một cá nhân nguyên là cán bộ cấp quận bán 791m2 đất công...

Trò chuyện với chúng tôi, ông Vượng tỏ ra rất tự hào vì từ năm 2007 đến nay, Đảng bộ phường Bưởi - nơi ông sinh hoạt đều đạt tiêu chuẩn TSVM, bà con nhân dân sống hòa thuận vui vẻ, đầm ấm. Niềm tin của nhân dân vào đảng viên, vào chi bộ đã trở lại... Ở tuổi 80 nhưng hiện nay, ông Vượng và bà Bích mỗi ngày vẫn dành ra một giờ (sáng 30 phút và chiều 30 phút), ông đọc cho bà viết cuốn sách với nhan đề: “Kể chuyện trận mạc” nói về cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực ở phường Bưởi./.
 
(Theo: Phan Ngọc Anh/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất