Muốn việc cải cách bộ máy hành chính Nhà nước được thực hiện thực chất thì cần một quyết tâm rất lớn và phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ và triệt để. Rất nhiều luật sẽ phải được xem xét, sửa đổi, đó là nhóm luật liên quan đến tổ chức, rồi ngay cả luật của các ngành có đề cập tới tổ chức biên chế, đơn vị sự nghiệp công thực thi luật...
Ngày 30/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về thực hiện chính sách, pháp luật cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016. Toàn bộ nội dung thảo luận của Quốc hội được truyền hình, phát thanh trực tiếp.
Việc thảo luận của Quốc hội là một bước tiến tới thể chế hóa các nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII của Đảng. Đại hội XII của Đảng đã xác định xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị, trong đó có bộ máy hành chính Nhà nước, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ này.
Những năm qua, bộ máy hành chính Nhà nước từng bước được sắp xếp lại để tinh gọn hơn, hoạt động hiệu quả hơn. Cơ cấu tổ chức của Chính phủ đã được sắp xếp theo hướng thu gọn đầu mối. Các đơn vị sự nghiệp công lập được giảm dần đầu mối, bước đầu triển khai thực hiện cơ chế tự chủ ở một số lĩnh vực.
Tuy nhiên, hiện nay, tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước vẫn khá cồng kềnh, hoạt động chồng chéo thiếu thống nhất. Tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ còn nặng nề; số đơn vị trực thuộc tăng với nhiều đơn vị có tư cách pháp nhân, dẫn đến tình trạng “bộ trong bộ". Việc phân loại địa phương thiếu phù hợp, chậm đổi mới nên cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện chưa được hoàn thiện theo hướng phát huy vai trò chủ động, sáng tạo và phù hợp với đặc điểm của địa phương mà cơ bản vẫn được tổ chức đồng nhất như nhau. Công tác quản lý biên chế công chức tại một số bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm; cơ cấu công chức chưa hợp lý, còn mất cân đối giữa người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý với số công chức tham mưu, “lạm phát” các cán bộ cấp “hàm”...
Cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước là việc không thể không thực hiện. Trong cạnh tranh kinh tế toàn cầu, nhất là với các quốc gia đang phát triển, thì quốc gia nào linh hoạt, khoa học, hiệu quả hơn trong quản trị quốc gia thì mới có thể vượt lên. Thế mà hiện nay, các chỉ số về cạnh tranh, về hành chính, về hiệu quả sản xuất, kinh doanh của Việt Nam phần lớn đều ở nửa sau của các bảng xếp hạng. Ngay trong khu vực ASEAN, Việt Nam cũng phải rất nỗ lực để đạt tiêu chuẩn của 6 quốc gia có nền kinh tế cạnh tranh nhất khu vực. Bộ máy hành chính có tinh gọn thì mới tạo cơ sở để tăng lương, rồi nâng cao năng suất lao động.
Nói đến cải cách là nói đến một sự thay đổi rất lớn. Hơn nữa, vấn đề cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước là một vấn đề rất nhạy cảm. Bởi vì, cải cách “bộ máy”, nhưng thực chất là có thể chạm tới từng con người trong “bộ máy” ấy. Mà chạm tới con người là chạm tới quyền lợi. Không hề đơn giản.
Muốn việc cải cách bộ máy hành chính Nhà nước được thực hiện thực chất thì cần một quyết tâm rất lớn và phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ và triệt để. Rất nhiều luật sẽ phải được xem xét, sửa đổi, đó là nhóm luật liên quan đến tổ chức, rồi ngay cả luật của các ngành có đề cập tới tổ chức biên chế, đơn vị sự nghiệp công thực thi luật...
Sau phần thảo luận ngày hôm nay, theo dự kiến đến cuối kỳ họp, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách bộ máy hành chính Nhà nước. Nội dung, chất lượng của nghị quyết nói trên chính là cơ sở để xem xét thay đổi các chính sách, các luật có liên quan. Do đó, cử tri và nhân dân cả nước mong muốn đại biểu Quốc hội phát huy trí tuệ, thể hiện tinh thần đóng góp thẳng thắn, chỉ ra những mặt còn hạn chế trong chính sách, pháp luật liên quan đến tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, từ đó góp phần thực hiện quyết liệt, triệt để việc cải cách bộ máy hành chính, góp phần xây dựng một nền quản trị quốc gia hiệu quả hơn nữa./.
Hồ Quang Phương (Báo QĐND)