Năm năm qua, các cấp ủy, chính quyền Hậu Giang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ngành chức năng tăng cường tuyên truyền về công tác dân số, nội dung tập trung vào các quan điểm về công tác dân số trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV; các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số; các nhiệm vụ giải pháp trong Chỉ thị số 17-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các chương trình, đề án thực hiện công tác dân số và phát triển của Ủy ban nhân dân tỉnh. Đặc biệt, tuyên truyền, giáo dục về tác động của mức sinh (hệ lụy của việc sinh ít con hoặc sinh nhiều con); vận động mỗi cặp vợ chồng hãy nên sinh đủ 2 con; thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh; kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; khám sức khỏe tiền hôn nhân; người cao tuổi tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình; khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi;…
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp tuyên truyền các quan điểm, đường lối chỉ đạo của Đảng, chủ trương, chính sách của nhà nước về công tác dân số; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh triển khai công tác dân số và phát triển cho thành viên Ban công tác Mặt trận các cấp, chức sắc tôn giáo trên địa bàn Tỉnh; Trường Chính trị tỉnh tổ chức phổ biến chính sách dân số cho học viên đang theo học các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tại Trường Chính trị tỉnh; xây dựng chuyên đề Dân số và Phát triển trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hậu Giang; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thành lập Câu lạc bộ “3 sinh, 2 không” trên địa bàn Tỉnh; Hội Nông dân tỉnh tổ chức nói chuyện chuyên đề cung cấp kiến thức, thông tin về dân số và phát triển Liên đoàn Lao động tỉnh lồng ghép tuyên truyền công tác dân số và phát triển cho lực lượng công nhân; Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức sinh hoạt ngoại khóa, cung cấp kiến thức về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh cho học sinh tại 24 trường trung học phổ thông; Trường Cao đẳng cộng đồng Hậu Giang tuyên truyền công tác dân số và phát triển cho sinh viên đang học; Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố tổ chức nói chuyện chuyên đề cho các cặp vợ chồng đăng ký thực hiện mô hình vận động sinh đủ 02 con, kiến thức dân số và phát triển, nâng cao chất lượng dân số...
Công tác truyền thông, giáo dục về dân số và phát triển được đổi mới về nội dung, phương thức. Theo đó, tập trung vào trọng tâm, trọng điểm. Cụ thể là:
Tập trung thông tin, truyền thông cao điểm trong các sự kiện như: Chiến dịch truyền thông dân số, hưởng ứng Ngày dân số thế giới (11/7), Ngày tránh thai thế giới (26/9), Ngày quốc tế người cao tuổi (1/10), Ngày quốc tế trẻ em gái (11/10), Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày dân số Việt Nam 26/12,… Tuyên truyền, vận động người dân thường xuyên tham gia luyện tập thể dục, thể thao, thực hành lối sống văn hóa, lành mạnh, quan tâm chế độ dinh dưỡng gia đình để nâng cao sức khoẻ, tầm vóc, thể lực của bản thân và gia đình; vận động, thuyết phục và phát huy vai trò của các chức sắc tôn giáo, trưởng ấp, khu vực, người có uy tín trong cộng đồng cùng tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện công tác dân số và phát triển.
Thay đổi khẩu hiệu truyền thông từ “Mỗi cặp vợ chồng sinh từ 1 đến 2 con” sang khẩu hiệu “Mỗi cặp vợ chồng hãy nên sinh đủ 2 con”. Phát động phong trào xây dựng mô hình ấp, xã sinh đủ 2 con trên địa bàn toàn tỉnh. Nhìn chung, các cấp ủy đảng, chính quyền đã thay đổi tư duy, nhận thức, cách làm về công tác dân số trong tình hình mới; người dân đã dần chấp thuận và thay đổi quan niệm sinh ít con sang sinh đủ 02 con. Cụ thể giai đoạn 2019 - 2022 số phụ nữ chưa có con hiện đã sinh 1 con hoặc đang mang thai lần thứ nhất đạt tỷ lệ 54,84%, số phụ nữ đã có 1 con thực hiện sinh con thứ 2 hoặc đang mang thai con thứ 2 đạt tỷ lệ 32,36%.
Đến nay 100% cấp xã đăng ký thực hiện; thành lập 40 câu lạc bộ “3 sinh, 2 không”, 75 câu lạc bộ “Khỏe mẹ, khỏe con, gia đình hạnh phúc” hướng đến vận động sinh đủ 02 con, nâng cao chất lượng dân số, kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh trong cộng đồng,…
|
Tuyên truyền, truyền thông về thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, thông qua các hoạt động tập huấn cho cộng tác viên dân số, công đoàn viên ngành y tế, nói chuyện chuyên đề cho người dân,… đã cung cấp thông tin, kiến thức, văn bản quy phạm pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh. Qua đó, các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm các quy định về nghiêm cấm công bố giới tính thai nhi dưới mọi hình thức; người dân dần chấp nhận việc sinh con trai hay con gái theo quy luật tự nhiên.
Tổ chức giáo dục truyền thông dân số, sức khỏe sinh sản trong và ngoài nhà trường cho học sinh thông qua các hoạt động ngoại khóa về giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, giới, bình đẳng giới và giới tính cho học sinh, hình thành kiến thức và kỹ năng đúng có hệ thống, phù hợp với từng cấp học, bậc học.
Phương pháp truyền thông, giáo dục được quan tâm đổi mới phù hợp với từng thời điểm, đối tượng tuyên truyền, trong đó vận dụng hiệu quả các phương pháp, biện pháp truyền thông như: truyền thông trực quan (băng rôn, áp phích, pano, tờ rơi, sổ tay); tổ chức các buổi truyền thông trực tiếp thông qua hoạt động nói chuyện chuyên đề nhằm cung cấp thông tin, kiến thức về từng nội dung của công tác dân số và phát triển cho phù hợp với từng nhóm đối tượng; truyền thông trực tiếp tận hộ gia đình, họp nhóm, sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt cộng đồng... truyền thông gián tiếp qua Báo, Đài Phát thanh và Truyền hình Hậu Giang, Đài truyền thanh cấp huyện và cấp xã, Internet, mạng xã hội (Zalo, Facebook…). Chỉ đạo Sở Y tế chủ trì phối hợp với các ban, sở, ngành, đơn vị, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội lồng ghép nội dung chuyên đề về dân số vào các hoạt động tuyên truyền của cơ quan, đơn vị, địa phương...
Có thể thấy, công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức cho các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh về tầm quan trọng của công tác dân số và phát triển; tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội để thực hiện có hiệu quả công tác dân số và phát triển tại địa phương. Nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc chuyển trọng tâm của chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, nhất là quan tâm đến quy mô, cơ cấu, phân bố dân số trong mối quan hệ với phát triển kinh tế - xã hội, duy trì mức sinh thay thế, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số và nâng cao chất lượng dân số...
Thanh Hương