Chủ Nhật, 24/11/2024
Hoạt động y tế
Thứ Sáu, 21/11/2014 15:11'(GMT+7)

Đà Nẵng: Chủ động phòng chống dịch bệnh khi thời tiết giao mùa

Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố Đà Nẵng cho biết, một số bệnh trong thời điểm giao mùa, đặc biệt là bệnh tay chân miệng đang có chiều hướng gia tăng trên địa bàn thành phố. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 71 trường hợp mắc bệnh chân tay miệng, tăng 37 trường hợp so với thời điểm trung tuần tháng 11, nâng tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay lên hơn 1.370 trường hợp. Đây là thời điểm thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh, nhất là các bệnh dịch lây truyền qua đường hô hấp như: Sởi, rubella, viêm não do mô cầu, các loại cúm và các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy do virút Rota, tay chân miệng, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ... 

Bác sỹ Nguyễn Tam Lãm, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và văc-xin sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng cho biết, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đã xây dựng kế hoạch, tăng cường giám sát các loại dịch bệnh. Số ca mắc các bệnh sởi, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, chân tay miệng giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, bệnh chân tay miệng đang có chiều hướng gia tăng theo tuần, chủ yếu ở trẻ em. 

Để chủ động phòng chống các bệnh khi thời tiết giao mùa, Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng khuyến cáo người dân cần rửa tay thường xuyên với xà phòng, làm sạch môi trường và các vật dụng, tránh tiếp xúc gần với trẻ em bị bệnh. Với những trẻ mắc bệnh, không cho trẻ đi mẫu giáo, nhà trẻ, trường học, đến nơi đông người cho tới khi khỏe hẳn; theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh và chăm sóc y tế kịp thời nếu trẻ sốt cao, li bì, mất tỉnh táo. 

Các sở, ngành, địa phương lên kế hoạch chủ động phòng chống dịch bệnh thời tiết giao mùa. Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tăng cường thanh tra, kiểm tra các thực phẩm có nguy cơ lây nhiễm các tác nhân gây bệnh đường hô hấp và tiêu hóa và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch ở động vật, đặc biệt là cúm ở gia cầm, xử lý triệt để các ổ dịch, không để lây lan sang người. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học vệ sinh lớp học thường xuyên, theo dõi sức khỏe học sinh nếu thấy biểu hiện xấu phải thông báo ngay cho ngành y tế để phối hợp thực hiện các biện pháp xử lý. Các Trung tâm Y tế dự phòng các quận, huyện thực hiện công tác tiêm chủng mở rộng thường xuyên, nhất là chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella, rà soát và bổ sung vật tư, trang thiết bị máy móc, thuốc, hóa chất...sẵn sàng đáp ứng khi có dịch xảy ra. 

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng ghi nhận 239 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, 316 trường hợp bị đau mắt đỏ và 1.373 trường hợp bị chân tay miệng. Tất cả trường hợp mắc bệnh đều được đưa đến cơ sở y tế kịp thời, không có trường hợp nào biến chứng nặng dẫn đến tử vong./. 


PV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất