Thứ Tư, 2/10/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 4/8/2012 15:47'(GMT+7)

Đặc phái viên Annan từ nhiệm, tương lai nào cho Syria?

Cảnh tượng đổ nát sau vụ đánh bom tại thành phố Aleppo của Syria. (Ảnh: EPA)

Cảnh tượng đổ nát sau vụ đánh bom tại thành phố Aleppo của Syria. (Ảnh: EPA)

Quyết định bất ngờ này diễn ra trong bối cảnh cuộc nội chiến ở Syria tiếp tục leo thang, với những lo ngại cuộc chiến đang ngày càng vượt khỏi tầm kiểm soát.

Vấn đề mà cộng đồng quốc tế quan tâm hiện nay không phải là khi nào chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Al Assad sẽ sụp đổ mà là tương lai của Syria sẽ đi về đâu khi bạo lực, xung đột giữa các phe phái ngày càng rõ nét.

Một số cường quốc trong khu vực Trung Đông và trên thế giới nhận định, sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar Al Assad là điều không thể tránh khỏi và đến lúc bắt đầu bàn về thời kỳ hậu Tổng thống Bashar Al Assad. Tuy nhiên, những nước này cũng không che giấu sự lo ngại về sự lan rộng của Chủ nghĩa cực đoan.

Chủ nghĩa cực đoan sẽ lan rộng tại Syria

Nhiều quan sát viên cho rằng, Mỹ đang cân nhắc can thiệp để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria do lo ngại tổ chức khủng bố al-Qaeda có thể đang nắm giữ quyền lực tại Syria. Điều này có thể đặt an ninh và sự ổn định của Israel- đồng minh của Mỹ vào thế nguy hiểm.

Nếu thực sự tổ chức khủng bố al-Qaeda đang tồn tại ở Syria thì một số nước lớn trong khu vực Trung Đông cũng không thể chấp nhận mạng lưới này sẽ thay thế cho chế độ Syria hiện nay.

Ngoài ra, các nhà phân tích cũng đề cập đến vấn đề quan tâm hiện nay là sự mâu thuẫn giữa nhóm Hồi giáo dòng Sunni và những người trung thành với Chính phủ Syria, hầu hết là người từ giáo phái Alawite - một nhánh của dòng Hồi giáo Shiite.

Một số khu vực bất ổn ở miền Bắc và miền Trung Syria đã chứng kiến một  cuộc chiến tranh bè phái với lời kêu gọi hai bên giáo phái Sunni và Alawite kiềm chế, sau khi dấy lên một số cuộc xung đột giữa những người thuộc hai giáo phái này.

Các nhà quan sát cũng cho rằng, cuộc chiến tranh giáo phái ở Syria sẽ biến thành một chiến tranh du kích, sau khi chế độ của Tổng thống Bashar Al Assad sụp đổ.

Ngoài ra, những quan sát viên đang giám sát việc thực hiện Kế hoạch 6 điểm của ông Kofi Annan gần đây xác nhận rằng, các nhóm đối lập ở Syria đang sử dụng vũ khí hạng nặng để chống lại chính phủ Syria.

Đấu trường tranh giành lợi ích của các nước lớn

Cuộc khủng hoảng tại Syria cũng đang khiến người ta liên tưởng đến nước này sẽ trở thành đấu trường tranh giành lợi ích giữa một số cường quốc trong khu vực và thế giới.

Các quan sát viên nhận định rằng, Saudi Arabia và Qatar đang cố gắng đẩy mạnh mô hình lãnh đạo của chế độ dòng giáo phái Sunni nhằm phá vỡ mối quan hệ đồng minh thân thiết giữa Syria và Iran hay nhóm Hezbollah ở Lebanon.

Ngay cả một số nước siêu cường như Nga cũng được cho là đang cố gắng để có một chỗ đứng vững chắc như Mỹ trong khu vực Trung Đông, thông qua sự ủng hộ của họ đối với Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ- nước láng giềng ở phía Bắc Syria luôn phê phán chế độ của Chính phủ Syria, đã cho phép phe nổi dậy Syria được hoạt động tự do bên phần biên giới trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, cũng có kế hoạch phục vụ cho lợi ích riêng của mình.

Theo nhiều báo cáo, cộng đồng người Kurd đang kiểm soát một số khu vực ở Syria. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu trong chuyến thăm thành phố Erbil của người Kurd đã yêu cầu lãnh đạo nhóm người Kurd là Masoud Barzani không ủng hộ quyền tự trị của người Kurd tại Syria.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Davutoglu nói rằng, sau khi tạo ra một cấu trúc nhà nước "đáng tin cậy" ở Syria, Ankara sẽ hỗ trợ người Kurd tại Syria nhận được tất cả các quyền hiến pháp của nước đó", chủ yếu là để đạt được một lợi ích liên bang ở Syria.

Tương lai nào cho Syria?

Cuộc khủng hoảng tại Syria đang ngày càng nghiêm trọng khi mà Chính phủ Syria không ngừng tiến hành các vụ tấn công, còn lực lượng chống đối cũng gia tăng các hoạt động bạo lực. Hội đồng Bảo an LHQ vẫn chia rẽ đối với sứ mệnh hòa bình hết sức khó khăn của Đặc phái viên LHQ và Liên đoàn Arab Kofi Annan.

Sự việc ông Kofi Annan từ nhiệm cũng có thể cho thấy, kế hoạch hòa bình gồm 6 điểm do Đặc phái viên này đưa ra nhằm chấm dứt bạo lực tại Syria đang đi vào ngõ cụt. Ông Annan từ nhiệm thì sẽ có người được Hội đồng Bảo an LHQ bầu chọn thay thế và có thể sẽ đưa ra những quan điểm mới để giải cuộc khủng hoảng Syria. Tuy nhiên, liệu cuộc khủng hoảng tại nước này có được giải quyết một cách toàn diện hay không khi mà ngay cả nội bộ tổ chức này vẫn còn có những quan điểm trái chiều nhau trong vấn đề Syria.

Ngoài ra, điều mà dư luận quốc tế đang quan tâm là, khi chế độ của Tổng thống Bashar Al Assad sụp đổ thì Syria có được bình yên hay không khi mà bạo lực, xung đột giữa các phe phái đang ngày càng căng thẳng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từng cảnh báo về một cuộc nội chiến ở Syria nếu Tổng thống Bashar al-Assad bị phe nổi dậy tước bỏ quyền lực một cách “vi hiến”.

Hãng tin Interfax dẫn lời Tổng thống Nga Putin ngày 23/7 nhấn mạnh: “Nếu ban lãnh đạo đương nhiệm của Syria bị tước bỏ quyền lực một cách vi hiến, thì phe đối lập và ban lãnh đạo hiện nay ở Syria có thể sẽ chỉ đơn giản là hoán đổi vị trí. Một bên trở thành ban lãnh đạo (mới) và bên kia lại thành phe đối lập. Trong trường hợp đó,  một cuộc nội chiến sẽ kéo dài không biết đến bao giờ”.

Những vấn đề trên cho thấy, cuộc khủng hoảng tại Syria khó có hướng giải quyết và còn diễn biến khó lường./.

(Theo: Bích Lan/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất