Thứ Ba, 1/10/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 25/8/2012 22:12'(GMT+7)

Đặc phái viên chung LHQ và AL cam kết đặt lợi ích của nhân dân Xyri lên hàng đầu

Người dân Syria trong một cuộc biểu tình

Người dân Syria trong một cuộc biểu tình


Ông Brahimi sẽ chính thức thay thế cựu Đặc phái viên Côphi Annan (Kofi Annan) từ ngày 1/9 tới sau khi ông này quyết định từ chức vì bạo lực không ngừng leo thang sau 4 tháng nỗ lực làm trung gian hòa giải. Tân đặc phái viên cho biết nhiệm vụ mới khiến ông "vừa vinh dự, tự hào, vừa lo ngại". Ông cam kết sẽ nỗ lực hết mình để giúp đỡ nhân dân Xyri.

Về phần mình, TTK Ban Ki Mun đã nhắc lại sự ủng hộ dành cho Đặc phái viên Brahimi. TTK cho biết ông Brahimi có một nhiệm vụ quan trọng và có ý nghĩa sống còn là chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 17 tháng nay, mang lại hòa bình và ổn định cho Xyri. TTK cũng ca ngợi tài năng và kinh nghiệm của ông trong việc giải quyết các vấn đề khu vực. Ông Brahimi là một nhà ngoại giao kỳ cựu, từng giữ nhiều vị trí khác nhau tại LHQ trong hai thập kỷ qua, trong đó có Trưởng Phái bộ Hỗ trợ LHQ tại Ápganixtan (UNAMA), Chủ tịch một ủy ban độc lập về các hoạt động gìn giữ hòa bình. Ông cũng từng làm việc cho AL từ năm 1984 - 1991.

Dự kiến, ông Brahimi sẽ ở lại Niu Yoóc một tuần để tham dự những cuộc họp với các quan chức phụ trách chính trị và nhân đạo của LHQ để thảo luận các kế hoạch thực hiện sứ mệnh mới của mình nhằm tìm một giải pháp mới cho cuộc xung đột tại Xyri, nơi hơn 18.000 người đã thiệt mạng vì bạo lực trong 17 tháng qua.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Xécgây Lavrốp (Sergei Lavrov) đã có cuộc điện đàm với ông Brahimi, bày tỏ ủng hộ giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng dai dẳng tại Xyri, đồng thời kêu gọi một cuộc đối thoại chính trị giữa Chính phủ Xyri và phe đối lập. Ông Lavrốp nhấn mạnh: "Nga ủng hộ ngừng bắn ngay lập tức tại Xyri và sớm bắt đầu một cuộc đối thoại chính trị giữa các bên". Ngoại trưởng Nga cũng kêu gọi các bên tại Xyri tuân thủ "lộ trình" dựa trên kế hoạch hòa bình sáu điểm của cựu Đặc phái viên Annan, Thỏa thuận Giơnevơ (Geneva) của Nhóm Hành động vì Xyri ký hôm 30/6, cũng như các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an LHQ. Về phần mình, ông Brahimi nhất trí và bày tỏ ý định "phối hợp với tất cả các bên tại Xyri và tất cả các nước" có thể gây ảnh hưởng tới tình hình tại Xyri, và tạo điều kiện tổ chức một cuộc đối thoại nội bộ Xyri.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Ali Ácba Xalêhi (Ali Akbar Salehi) cho biết Iran sẽ trình một đề xuất "chấp nhận được và hợp lý" nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại Xyri lên Hội nghị thượng đỉnh Phong trào Không liên kết (NAM) sắp tới Têhêran vào ngày 30 - 31/8. Theo ông Xalêhi, đề xuất trên sẽ nhắc tới vai trò của tất cả các bên tại Xyri trong việc giải quyết khủng hoảng. Ông cho biết thêm Iran đã tiếp xúc với nhiều nước, cũng như phe đối lập tại Xyri ngay khi bùng phát khủng hoảng.

Ngoại trưởng Iran cũng nhấn mạnh đến đề xuất của nước này tổ chức các cuộc đàm phán giữa Chính phủ và phe đối lập ở Xyri nhằm chấm dứt bạo lực, và bày tỏ hy vọng Têhêran đăng cai các cuộc gặp này sau hội nghị thượng đỉnh NAM. Ông cho biết hầu hết các lực lượng đối lập đã bày tỏ sẵn sàng tham gia cuộc đàm phán như thế.

Tại cuộc đối thoại chính trị cấp bộ trưởng giữa Liên minh châu Âu (EU) và Nam Phi ở Prêtôria sáng cùng ngày, hai bên kêu gọi chấm dứt lập tức bạo lực tại Xyri. Phát biểu trong họp báo sau cuộc đối thoại, Bộ trưởng Quan hệ và Hợp tác Quốc tế Nam Phi Maitê Nơcôana Masabanê (Maite Nkoana Mashabane) cho biết Nam Phi và EU nhất trí rằng các diễn biến hiện nay tại Xyri là rất nghiêm trọng và cần được cộng đồng quốc tế tham gia giải quyết, bất chấp những bất đồng giữa các thành viên HĐBA LHQ về cách giải quyết vấn đề./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất