Thảo
luận về các Dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ
XII của Đảng, Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (đoàn Hà Nội) cho rằng, điểm
quan trọng trong đường lối chính sách của Đảng chính là việc xác định
thị trường là vấn đề cơ bản, nhà nước điều tiết mọi hoạt động kinh tế
trên cơ sở thị trường.
Theo Đại biểu Nguyễn
Quốc Bình, đây là điểm đổi mới hẳn so với Nghị quyết 11. Báo cáo lần này
xác định nhà nước lấy mục tiêu thị trường và lấy thị trường làm gốc để
điều hành, phân bổ nguồn lực và điều hành phát triển kinh tế. Thị trường
sẽ đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ nguồn lực hiệu quả
các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất
các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược quy hoạch, kế hoạch
và phù hợp với cơ chế thị trường.
Báo cáo lần này cũng
chỉ rõ, Nhà nước xác định vai trò kinh tế tư nhân là một động lực quan
trọng của nền kinh tế. Trong đó hoàn thiện cơ chế chính sách, khuyến
khích tạo thuận lợi, phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các lĩnh
vực kinh tế. Đại biểu Nguyễn Quốc Bình nhận định, đổi mới này sẽ tạo
nền tảng để chúng ta phát triển kinh tế theo định hướng thị trường và
huy động được nguồn lực mạnh mẽ của toàn xã hội.
|
Kinh tế tư nhân tập trong tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ sé trở thành động lực phát triển nền kinh tế đất nước. (Ảnh: KT) |
Điểm
đặc biệt hơn theo Đại biểu Nguyễn Quốc Bình đó chính là việc Nhà nước
xác định doanh nghiệp là thành phần kinh tế chủ đạo của sự nghiệp công
nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhà nước tạo lập chính sách, thúc đẩy phát
triển các doanh nghiệp Việt Nam thực sự trở thành lực lượng nòng cốt
trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đánh giá vai trò của
các mối liên kết kinh tế, Đại biểu Nguyễn Quốc Bình cho rằng, báo cáo
lần này đã nêu rõ về phát triển kinh tế vùng, liên vùng, đặc biệt nhấn
mạnh vai trò liên kết giữa các thành phần kinh tế và giữa các chủ thể là
doanh nghiệp.
"Điều này rất quan
trọng vì một trong những phương pháp quan trọng của kinh tế là phải có
sự liên kết. Báo cáo đã xác định mục tiêu rõ ràng, trong liên kết giữa
các thành phần kinh tế và liên kết giữa các doanh nghiệp của chúng ta là
điểm yếu vì nguồn lực, tiềm lực của các doanh nghiệp của chúng ta còn
hạn chế, nếu không liên kết khi hội nhập doanh nghiệp sẽ thua ngay trên
sân nhà", Đại biểu Nguyễn Quốc Bình cho biết.
Cùng đề cao vai trò của
thành phần kinh tế tư nhân, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) cho
rằng, văn kiện lần này có điểm nhấn cơ bản đó chính là việc nâng cao vai
trò của kinh tế tư nhân, tập trung phần lớn vào các doanh nghiệp nhỏ và
vừa. Việc khẳng định như trong dự thảo văn kiện rất đúng hướng, vấn đề
chính phải là cụ thể hóa trong các văn bản cũng như thể chế, nhằm hoàn
thiện nền kinh tế thị trường, qua đó tạo ra sự cạnh tranh công bằng giữa
các loại hình doanh nghiệp.
“Khi doanh nghiệp nhà
nước muốn thoái vốn, cổ phần hóa, muốn thu hẹp lại thì lực lượng thay
thế sẽ là ai? Sẽ không phải là các thành phần kinh tế nước ngoài mà
chính là thành phần kinh tế tư nhân trong nước. Trên địa bàn TP HCM,
thành phần kinh tế tư nhân đang đóng góp trên 60% GDP của thành phố, đây
là khu vực có sức phát triển và còn nhiều tiềm năng”, Đại biểu Trần
Hoàng Ngân nhìn nhận.
Để đóng góp vào sự thúc
đẩy và phát triển của thành phần kinh tế tư nhân, theo đại biểu Trần
Hoàng Ngân, chúng ta cần làm tốt hơn dịch vụ hành chính công đối với các
doanh nghiệp, phục vụ hỗ trợ các doanh nghiệp và nhất là thành phần
kinh tế tư nhân.
Đại biểu Trần Hoàng
Ngân lấy ví dụ, vừa qua tại TP HCM đã có chỉ thị 34 của Ban thường vụ
Thành ủy hướng đến việc cải cách hành chính, tạo điều kiện để bộ phận
hành chính dịch vụ công hỗ trợ, đáp ứng các nhu cầu của doanh nghiệp
(trong đó có thành phần kinh tế tư nhân) trong việc hỗ trợ Xúc tiến
thương mại và thủ tục hành chính - việc mà lâu nay được coi là lực cản
đối với các doanh nghiệp khi đến làm thủ tục.
“Việc này cần nhân rộng
và lan tỏa đến các tỉnh thành khác nhằm thúc đẩy cải cách hành chính
cũng như con người hành chính, làm sao gắn bộ máy hành chính với hiệu
quả công việc. Ở một số nước, khi doanh nghiệp cần các thủ tục hành
chính thì họ chỉ cần nhờ một bộ phận của nhà nước, một dịch vụ hỗ trợ
doanh nghiệp và bộ phận đó đứng ra để lo các thủ tục hành chính, trong
khi doanh nhân chỉ lo các phương án tổ chức sản xuất kinh doanh mà
thôi”, Đại biểu Trần Hoàng Ngân dẫn chứng.
Hiện nay, mối liên kết
giữa các thành phần kinh tế hiện còn khá lỏng lẻo, nhất là trong bối
cảnh hội nhập, do vậy liên kết trở thành vấn đề bức xúc và cấp thiết của
bản thân mỗi doanh nghiệp. Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, các doanh
nghiệp cần phải tự biết được thế mạnh của mình, tạo ra được chuỗi liên
kết, không nên tự mình cạnh tranh gây tổn hại lẫn nhau.
Về
mặt chính sách cũng cần đặt ra vấn đề liên kết vùng và phải làm tốt
công tác quy hoạch về kinh tế ở từng thành tỉnh, thành phố, tránh tình
trạng cùng nhau đổ xô hình thành các khu công nghiệp dẫn đến khủng hoảng
thừa. Do đó phải có quy hoạch vùng, trong đó phân chia ra thế mạnh của
từng địa phương để có thể phát triển đúng hướng và tạo ra sức mạnh tổng
hợp trong việc sử dụng các nguồn lực./.
Theo VOVnews