Với giải thưởng Trường Đại học xuất sắc, Đại học FPT trở thành trường
đại học thứ hai tại Việt Nam nhận được giải thưởng này. Trước đó, vào
năm 2017, hạng mục giải thưởng Trường đại học xuất sắc được trao cho Đại
học RMIT Việt Nam.
Tối 20/11, Tổ chức Thương hiệu châu Á-Thái Bình Dương (Asia Pacific
Brands Foundation) đã tổ chức Lễ trao giải Thương hiệu xuất sắc thế giới
BrandLaureate 2018, tại Hà Nội. Tổ chức Giáo dục FPT (FPT Edu) được
trao hai giải: hạng mục Thương hiệu tổ chức giáo dục xuất sắc dành cho
FPT Edu và hạng mục Trường Đại học xuất sắc dành cho Đại học FPT.
Với giải thưởng Trường Đại học xuất sắc, Đại học FPT trở thành trường
đại học thứ hai tại Việt Nam nhận được giải thưởng này. Trước đó, vào
năm 2017, hạng mục giải thưởng Trường đại học xuất sắc được trao cho Đại
học RMIT Việt Nam.
Ủy ban Thương hiệu của Tổ chức Thương hiệu châu Á-Thái Bình Dương thực
hiện đánh giá và lựa chọn trao giải dựa trên bộ các tiêu chí về uy tín,
mức độ ảnh hưởng và chất lượng đào tạo của thương hiệu trong lĩnh vực
giáo dục.
Tổ chức giáo dục FPT là một trong những đơn vị giáo dục có quy mô lớn
tại Việt Nam với 33.000 học sinh, sinh viên, từ bậc tiểu học đến sau đại
học. Đơn vị này đào tạo nhiều ngành nghề, từ công nghệ, kinh tế, ngôn
ngữ, mỹ thuật và có cơ sở ở 5 thành phố lớn Hà Nội, Đà Nẵng, Tây Nguyên,
Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh. FPT Edu cũng được đánh giá khá cao
trên nhiều bảng phân tầng - xếp hạng giáo dục thế giới như QS Star,
Eduniversal, hay trong vai trò là thành viên của các tổ chức giáo dục uy
tín quốc tế như CDIO, ACBSP, AACSB, AUN.
Chia sẻ về giải thưởng này, TS. Lê Trường Tùng, Giám đốc Tổ chức
Giáo dục FPT cho rằng việc phân tầng - xếp hạng giáo dục hay đánh giá
thương hiệu giáo dục là điều mới mẻ ở Việt Nam, nhưng là căn cứ hết sức
quen thuộc đã được thế giới triển khai từ nhiều năm trước.
“Ở mức từng đơn vị giáo dục, FPT Edu nỗ lực khẳng định mình ở những bảng
phân tầng xếp hạng quốc tế uy tín. Tuy nhiên, để giáo dục Việt Nam nói
chung có vị trí tốt trên bản đồ giáo dục thế giới, cần tới chính sách và
chiến lược ở tầm quốc gia như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn
Quốc đã làm, và cần sự hợp sức của nhiều trường. Tôi hy vọng các năm
tới, những đơn vị giáo dục của Việt Nam sẽ tham gia nhiều bảng phân tầng
xếp hạng giáo dục hơn nữa, vì đây là những thước đo và cách thức để mỗi
trường tự nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, đưa chất lượng đào tạo
tiệm cận với chất lượng đào tạo của khu vực và thế giới”, TS. Lê Trường Tùng
nói./.
(Vietnam+)