PV: Trong công tác chuẩn bị Đại hội, Dự thảo văn kiện Đại hội được coi là một trong những nội dung quan trọng. Xin đồng chí cho biết những nét chính trong Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh mang tính quyết định đến sự phát triển của đời sống người dân Hà Nam?
Đồng chí Trần Quốc Hùng: Có thể khẳng định Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh.
Dự thảo đã đánh giá đúng những thành tựu cơ bản, nổi bật trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2010-2015. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, có thể thấy, kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn giữ được ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP bình quân từ năm 2011-2015 đạt trên 13%/năm. Cơ cấu chuyển dịch kinh tế chuyển dịch tích cực: tỷ trọng công nghiệp – xây dựng: 58%, dịch vụ: 29.4%, nông, lâm nghiệp giảm còn 12,6%. GDP bình quân đầu người đạt 42,33 triệu đồng/năm.
Nông nghiệp phát triển khá toàn diện với nhiều mô hình, tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi giá trị có hiệu quả; hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư, nâng cấp, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc. Đời sống của người dân được cải thiện. Đến 31/7/2015, toàn tỉnh đã làm được 1.803 km đường giao thông xóm, trên 814km trục đường chính nội đồng; kiên cố hóa 45,5km kênh mương; nâng cấp xây dựng mới 2.002 phòng học, 294 nhà văn hóa xón, 100% xã đạt chuẩn về nhà ở. 90% hộ dân có nước sạch và nước hợp vệ sinh. Phấn đấu đến hết 2015, toàn tỉnh có 25-28 xã đạt chuẩn nông thôn mới, khong còn xã đạt dưới 12 tiêu chí, thu nhập khu vực nông thôn đạt 29 triệu đồng/người, gấp 2,33 lần so với năm 2010.
Đẩy mạnh giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho người lao động. Chủ động phối hợp với các doanh nghiệp tuyển dụng lao động trong các khu, cụm công nghiệp. Trong 5 năm, đã giải quyết việc làm mới cho 81.181 lao động, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội.
Quan tâm bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em được phát triển. 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT và khám chữa bệnh miễn phí. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh là 70%.
Văn hóa thông tin, báo chí, văn học nghệ thuật, thể dục thể thao phát triển góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Năm 2015, có 85,89% thôn, làng, tổ dân phố có nhà văn hóa và nơi sinh hoạt cộng đồng. 100% xã phường thị trấn và 92% thôn, làng đã có quy hoạch đất dành cho sân tập thể dục thể thao.
Trong phương hướng, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2016-2020, Dự thảo văn kiện Đại hội cũng đã đề ra 3 khâu đột phá. Trong đó nhấn mạnh, đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, chuyển dịch mạnh lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, làm nền tảng để xây dựng Hà Nam phát triển nhanh, bền vững. Phấn đấu giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 4%/năm. Đến năm 2020, cơ cấu ngành nông nghiệp chiếm 9,1% trong tổng cơ cấu kinh tế của tỉnh, tỷ trọng chăn nuôi – thủy sản chiếm 54% trong giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Tăng cường hợp tác với Nhật Bản, Israel, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng trong lĩnh vực nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất, đầu tư thâm canh, phát triển cây trồng hàng hóa, mở rộng diện tích gieo trồng cây vụ Đông có hiệu quả kinh tế cao. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng lao động trong sản xuất nông nghiệp còn dưới 30% tổng số lao động, mỗi xã có ít nhất 1 mô hình cánh đồng sản xuất lớn hàng hóa giá trị kinh tế cao. Tập trung huy động, lồng ghếp các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, nhất là nguồn lực trong nhân dân và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng và phát triển con người Hà Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, tiếp tục hoàn thiện thiết chế văn hóa cơ sở, đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại. Phấn đấu hàng năm có trên 87% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 90-92% thôn, làng, tổ dân phố có nhà văn hóa và nơi sinh hoạt cộng đồng. Bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa, khôi phục, duy trì các lễ hội văn hóa, truyền thống của tỉnh, kết hợp với phát triển văn hóa với du lịch, duy trì thuần phong mỹ tục và nét đẹp văn hóa của người Hà Nam.
PV: Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh đã được công bố, lấy ý kiến rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Xin đồng chí cho biết kết quả lấy ý kiến hiện nay như thế nào?
Đồng chí Trần Quốc Hùng: Việc thảo luận, đóng góp ý kiến vào các văn kiện Đại hội là việc quan trọng và cần thiết để tranh thủ được trí tuệ của nhiều người, nhiều dối tượng xây dựng hoàn thiện văn kiện, nhất là mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện trong nhiệm kỳ mới để nghị quyết có ý nghĩa thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Nhận thức rõ điều đó, sau khi xây dựng xong dự thảo văn kiện, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã tổ chức xin ý kiến cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh.
Kết quả là, 576/576 tổ chức cơ sở đảng đều có báo cáo tổng hợp tham gia đóng góp ý kiến và có 37.568/48.023 đảng viên trong tỉnh trực tiếp thảo luận, đóng góp ý kiến về nội dung Dự thảo báo cáo (đạt tỷ lệ 78,2%).
Đa số các ý kiến cho rằng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chuẩn bị văn kiện trình Đại hội một cách công phu và nghiêm túc, đúng theo tinh thần Chỉ thị 36 và nội dung tổng kết thực tiễn đã thể hiện một cách sâu sắc quan điểm đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, tinh thần cầu thị và quyết tâm chính trị cao; phù hợp với định hướng của trung ương và với thực tiễn của tỉnh. Nội dung, kết cấu phù hợp, sáng rõ; số liệu cụ thể và Dự thảo báo cáo cũng đảm bảo được tính khái quát, toàn diện. Đặc biệt Dự thảo có điểm mới là xác định rõ ba khâu đột phá bên cạnh các nhiệm vụ trọng tâm giúp các cấp ủy, chính quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tập trung nguồn lực cho các khâu đột phá. Hầu hết ý kiến đồng tình với số lượng và nội dung các chỉ tiêu chủ yếu nêu trong Dự thảo và cho rằng Dự thảo đã thể hiện khá đầy đủ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Tôi cho rằng cần phải tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ ý nghĩa của việc xin ý kiến để mọi người nâng cao tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu một cách toàn diện, có hệ thống những chủ trương, đường lối, mục tiêu được xác định từ các nhiệm kỳ trước, để đóng góp ý kiến chất lượng, sát đúng yêu cầu; gửi dự thảo đến các đối tượng xin ý kiến và giành thời gian hợp lý để nghiên cứu góp ý; xác định rõ nội dung trọng tâm cần xin ý kiến để gợi ý tránh mất thời gian, ý kiến không tập trung; tổ chức thảo luận nghiêm túc tránh qua loa, hình thức.
PV: Thưa đồng chí, bên cạnh nội dung dự thảo văn kiện Đại hội, để bảo đảm yêu cầu của Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị về công tác nhân sự, Hà Nam đã chuẩn bị công tác này như thế nào, đặc biệt về cơ cấu cán bộ trẻ, cán bộ nữ?
Đồng chí Trần Quốc Hùng: Theo tôi, có đạt được các mục tiêu đề ra hay không, nhân tố quyết định vẫn là con người. Vì vậy, công tác nhân sự Đại hội Đảng bộ Hà Nam lần thứ XIX luôn được quan tâm, chú trọng.
Sau khi có Chỉ thị 36-CT/TW của Bộ Chính trị, ngày 15/09/2014 Tỉnh ủy đã ban hành Hướng dẫn số 19-HD/TU về công tác nhân sự cấp ủy tại Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Hướng dẫn nêu rõ: "Công tác nhân sự cấp ủy phải tiến hành đúng nguyên tắc, quy chế của Đảng, bảo đảm phát huy dân chủ, trí tuệ; công tâm, khách quan trong lựa chọn, giới thiệu nhân sự; chống tư tưởng cá nhân, cục bộ, thiếu tính xây dựng hoặc nể nang, né tránh, ngại va chạm. Về cơ bản phải thực hiện theo quy hoạch cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020 và những nhiệm kỳ tiếp theo". Việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự cấp ủy khóa mới căn cứ vào tiêu chuẩn chung của cán bộ được quy định tại Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa VIII). Đặc biệt là tiêu chuẩn về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, tầm nhìn, trí tuệ, năng lực thực tiễn; khả năng đoàn kết, quy tụ, phát huy được đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực, địa bàn được phân công.
Tính đến thời điểm hiện tại, công tác nhân sự Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần này được tiến hành nghiêm túc, đúng quy trình, đảm bảo nguyên tắc và phát huy dân chủ.
Sau khi bỏ phiếu tín nhiệm, danh sách nhân sự tham gia cấp ủy Khóa XIX để giới thiệu với Đại hội là 58 đồng chí. Trong đó, số dư là 07 đồng chí (13,7%); nữ là 10 đồng chí (17,24%); dưới 40 tuổi là 06 đồng chí (10,35%). Số lượng Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh bầu là 50 đồng chí (không tính 01 đồng chí TW luân chuyển. Số lượng Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ bầu là 15 đồng chí. Số đại biểu đi dự Đại hội cấp trên là 18 đồng chí (trong đó 01 đồng chí là đại biểu đương nhiên).
Có thể thấy, cơ cấu giới tính, độ tuổi đảm bảo đúng định hướng đề ra, có tính kế thừa và phát triển và đảm bảo không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn cấp ủy viên làm giảm chất lượng của cấp ủy.
PV: Xin đồng chí cho biết, ngoài công tác chuẩn bị về nội dung văn kiện và nhân sự, các cấp ủy đảng ở Hà Nam cần tiếp tục quan tâm đến nội dung gì để Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XIX đạt kết quả cao nhất?
Đồng chí Trần Quốc Hùng: Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XIX sẽ diễn ra từ ngày 22-24/9/2015 tại Nhà Văn hoá Trung tâm tỉnh. Đây là sự kiện chính trị trọng đại, có ý nghĩa quan trọng với toàn đảng bộ và nhân dân trong tỉnh. Công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XIX đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo sát sao, đúng quy trình. Bắt đầu từ tháng 12/2014, Hà Nam đã thành lập thành lập các Tiểu ban phục vụ Đại hội như: Tiểu ban Văn kiện, Tiểu Ban Tuyên truyền, Tiểu ban Tổ chức - Phục vụ, các đồng chí Thường trực Tỉnh uỷ là trưởng các tiểu ban; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên các Tiểu ban. Đến nay công tác chuẩn bị Đại hội đã cơ bản hoàn tất.
Để Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020 thành công tốt đẹp, Hà Nam đang gấp rút chuẩn bị những điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, điều kiện kỹ thuật phục vụ Đại hội, đảm bảo an ninh trật tự trước, trong và sau Đại hội.
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh uỷ, UBKT Tỉnh uỷ đã chỉ đạo cơ quan UBKT các cấp cần tăng cường giám sát thường xuyên, nắm chắc tình hình tổ chức đảng và đảng viên, kịp thời kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm; giải quyết đơn thư tố cáo đối với đảng viên; chỉ đạo giải quyết kịp thời những vụ việc có tính phức tạp, không để xảy ra điểm nóng, hoặc phát sinh những vấn đề nổi cộm... Cho đến thời điểm này không có đơn thư tố cáo nào liên quan đến đại biểu dự Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và nhân sự BCH đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 chưa được xem xét, kết luận.
Các cấp ủy cần nắm chắc tình hình tư tưởng, dư luận trong cán bộ, đảng viên, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là cổ động trực quan tạo không khí vui tươi, phấn khởi để Đại hội thực sự là ngày hội của toàn Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh.
Có thể khẳng định, Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XIX với tinh thần dân chủ, đoàn kết, đổi mới, trí tuệ, thể hiện ý chí và nguyện vọng của Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh, nêu cao truyền thống cách mạng quê hương, tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2015-2020, xây dựng tỉnh Hà Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh.
PV: Xin trân trọng cám ơn đồng chí!
Thu Hằng (thực hiện)