Thứ Bảy, 21/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Bảy, 4/7/2009 18:50'(GMT+7)

Đại hội XI của Đảng sẽ được tổ chức vào tháng 1/ 2011

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X - Ảnh: Chínhphu.vn

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X - Ảnh: Chínhphu.vn

>>>Thông báo Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ mười

>>> Nêu cao tinh thần trách nhiệm, đảm bảo thành công đại hội đảng các cấp và Đại hội XI của Đảng

Bổ sung và phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã khẳng định: Trong quá trình tổ chức thực hiện Cương lĩnh, trên cơ sở giữ vững mục tiêu và những định hướng cơ bản, Đảng ta đã có những bổ sung, phát triển nhận thức trên nhiều vấn đề, từ những vấn đề chung về chủ nghĩa xã hội, xây dựng chủ nghĩa xã hội, đến các vấn đề về kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, hệ thống chính trị và về Đảng. Đã từng bước hình thành được những nét cơ bản một hệ thống quan điểm lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, góp phần bổ sung và phát triển quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về những vấn đề này. Đây cũng là quá trình Đảng ta tự nâng cao trình độ lý luận của mình thông qua thực tiễn lãnh đạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy : "Lý luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc tranh đấu, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng, rõ ràng, làm thành kết luận. Rồi lại đem nó chứng minh với thực tế. Đó là lý luận chân chính". Theo tinh thần đó, trong các nhiệm kỳ Đại hội từ Đại hội VII đến nay, Đảng ta đã bám sát thực tiễn, phát hiện, tìm tòi, nghiên cứu, tổng kết, thử nghiệm, trên cơ sở tôn trọng quy luật khách quan, bảo đảm phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân và lợi ích của cách mạng để giải đáp những vấn đề mới nảy sinh, đồng thời xây dựng nên những nhận thức mới làm giàu cho trí tuệ của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới. Những nhận thức mới đó cùng với kết quả nghiên cứu, tổng kết việc tổ chức thực hiện Cương lĩnh năm 1991 cần được sử dụng làm căn cứ, chất liệu để chọn lọc, cân nhắc biên tập, bổ sung vào dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển) đưa ra đại hội các cấp để thảo luận, công bố để nhân dân góp ý trước khi trình Đại hội XI của Đảng.

Chuẩn bị
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020

Tổng Bí thư chỉ rõ:
Trong 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010, chúng ta đã tận dụng thời cơ, thuận lợi, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu to lớn và rất quan trọng. Đất nước đã ra khỏi tình trạng kém phát triển. Nhiều mục tiêu chủ yếu của Chiến lược được thực hiện; diện mạo của đất nước có nhiều thay đổi. Kinh tế tăng trưởng khá nhanh, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dần được hình thành; quan hệ sản xuất phù hợp hơn. Hội nhập kinh tế quốc tế và hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực đạt nhiều thành tựu. Chính trị - xã hội ổn định; độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững. Thế và lực của đất nước vững mạnh thêm nhiều, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Đã tạo ra môi trường thuận lợi và những tiền đề quan trọng để tiếp tục đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Tuy nhiên, những thành tựu đạt được còn chưa tương xứng với tiềm năng của đất nước. Chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và tính bền vững của nền kinh tế còn thấp và chậm được cải thiện. Huy động và sử dụng các nguồn lực phát triển còn hạn chế. Đời sống xã hội còn nhiều vấn đề bức xúc. Nền tảng để Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa được hình thành đầy đủ. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng vẫn còn là điểm yếu cản trở tăng trưởng. Khoảng cách phát triển so với một số nước trong khu vực chậm được thu hẹp.

Với cách nhìn nhận khách quan, đánh giá đúng cả hai mặt thành tựu và hạn chế, khuyết điểm, những việc làm đúng, làm được và chưa đúng, chưa được, chúng ta có thể rút ra nhiều bài học thiết thực trên nhiều lĩnh vực, trong đó có bài học xuyên suốt là luôn luôn coi trọng tính bền vững của sự phát triển.

 Phương hướng, mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020 bước đầu được xác định là : Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển bền vững để đến năm 2020 nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định, dân chủ, đồng thuận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề để phát triển cao hơn trong các thời kỳ chiến lược sau. Để đạt mục tiêu đó, chúng ta phải thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp, phải xác định rõ các định hướng phát triển cho các lĩnh vực, các ngành và các vùng, trong đó cần tập trung sức để từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tập trung vào việc tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính để giải phóng mạnh mẽ lực lượng sản xuất, huy động và sử dụng tốt nhất mọi nguồn lực; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục quốc dân; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông, hạ tầng đô thị. Tại Hội nghị này, Trung ương đã thảo luận, nhất trí với nhiều nội dung Đề cương dự thảo, đồng thời cũng nêu lên nhiều ý kiến phong phú đề nghị tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi, làm rõ. Đây là cơ sở cho việc chỉ đạo chỉnh lý, biên tập dự thảo các văn kiện trình Hội nghị Trung ương 11 thông qua để đưa ra lấy ý kiến đại hội đảng các cấp và lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân.

Định hướng chuẩn bị Đại hội XI của Đảng và đại hội đảng các cấp
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nêu rõ:  Hội nghị Trung ương lần này đã thảo luận và thông qua định hướng đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng, trong đó làm rõ bối cảnh, mục tiêu, yêu cầu, chủ đề, nội dung Đại hội, quyết định thành lập các tiểu ban chuẩn bị cho Đại hội. Đại hội XI của Đảng được tiến hành trong bối cảnh đất nước ta trải qua 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991 - 2011) và 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới (1986 - 2011). Đại hội sẽ tiến hành tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X, 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2001 - 2010), 20 năm thực hiện Cương lĩnh; tổng kết, bổ sung và phát triển Cương lĩnh trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991), xác định Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong 10 năm tới; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong 5 năm 2011 - 2015; bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ khoá XI.

Hội nghị Trung ương đã cho ý kiến về định hướng chủ đề Đại hội XI và các vấn đề trọng tâm cần đề cập trong các văn kiện, nhất là trong Báo cáo chính trị : Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, gắn với việc thực hiện có chiều sâu cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Tiếp tục đổi mới toàn diện, tạo chuyển biến về chất lượng và hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển bền vững; tạo thuận lợi cho việc thực hiện mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 như Đại hội X của Đảng đã xác định. Chăm lo xây dựng, tạo chuyển biến đồng bộ để văn hoá thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội. Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo đảm vững chắc an ninh, quốc phòng, tiếp tục nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Phát huy dân chủ, tăng cường kỷ cương và sự đồng thuận xã hội, phát huy hơn nữa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đưa đất nước phát triển theo con đường và mục tiêu nêu trong Cương lĩnh, Chiến lược.

Hội nghị Trung ương đã quyết định các văn kiện sẽ trình Đại hội XI và thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội toàn quốc của Đảng. Để tiếp tục chuẩn bị nội dung và tổ chức Đại hội toàn quốc, Hội nghị Trung ương lần này đã quyết định thành lập tiếp 3 tiểu ban : Tiểu ban Nhân sự; Tiểu ban Tổng kết việc thực hiện Điều lệ Đảng và bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng; Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội XI. Thời gian để chuẩn bị các văn kiện và các công tác phục vụ Đại hội không còn nhiều, vì vậy, các tiểu ban Đại hội cần có kế hoạch triển khai hoạt động để đáp ứng yêu cầu đã được Trung ương thông qua, bảo đảm cho Đại hội toàn quốc của Đảng thực hiện đúng kế hoạch đề ra.

Theo chủ trương đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua, ngay sau Đại hội lần thứ XI của Đảng kết thúc, chúng ta sẽ tổ chức bầu cử hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân các cấp và bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuẩn bị bầu cử các cơ quan nhà nước, Hội nghị Trung ương nhất trí tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng vào nửa đầu tháng 01 năm 2011. Như vậy, sắp tới Trung ương cần có một chương trình làm việc hợp lý, khoa học, định hướng thời gian đại hội đảng các cấp một cách phù hợp nhằm bảo đảm chuẩn bị tốt nhất cho việc tổ chức thành công Đại hội XI của Đảng.

Trên cơ sở góp ý kiến của Trung ương, sau Hội nghị này, Bộ Chính trị sẽ ra Chỉ thị về đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Chủ trương của Trung ương là việc chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng các cấp phải theo tinh thần đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng; phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết, giữ vững kỷ cương; coi trọng chất lượng, hiệu quả, không phô trương, hình thức; bảo đảm an toàn, tiết kiệm, nhằm chuẩn bị tốt nội dung văn kiện Đại hội và chuẩn bị nhân sự cấp uỷ các cấp nhiệm kỳ mới.

Kết thúc bài phát biểu, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đề nghị các đồng chí Uỷ viên Trung ương và các cấp uỷ đảng từ Trung ương đến cơ sở quán triệt tinh thần này để tổ chức thực hiện theo đúng tinh thần chỉ thị của Bộ Chính trị. Không vì lý do chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ mà lơi lỏng các nhiệm vụ trước mắt, cả về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và các lĩnh vực khác. Từ Ban Chấp hành Trung ương đến lãnh đạo các ngành, các cấp phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động trong mọi hoàn cảnh, mọi điều kiện để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Phải khắc phục tình trạng có những cán bộ càng gần đến Đại hội càng né tránh, ngại va chạm, không dám chịu trách nhiệm trước công việc được giao. Chính trong lúc này, cán bộ, đảng viên càng phải tỏ rõ tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. Đây cũng là dịp để cán bộ, đảng viên và nhân dân có thêm cơ sở để đánh giá, lựa chọn đội ngũ cán bộ của mình. Phải coi việc tiến hành đại hội các cấp là một cơ hội, một động lực để thúc đẩy các nhiệm vụ trước mắt và lấy kết quả thực hiện các nhiệm vụ này để góp phần bảo đảm thành công của đại hội các cấp cũng như Đại hội toàn quốc của Đảng.

TG
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất