Thứ Tư, 27/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Tư, 1/4/2015 10:46'(GMT+7)

Đại thắng mùa Xuân 1975 - Sức mạnh của niềm tin chiến thắng và ý chí thống nhất Tổ quốc

Thành phố Đà Nẵng sau ngày giải phóng. (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Thành phố Đà Nẵng sau ngày giải phóng. (Ảnh tư liệu: TTXVN)

“Đánh chết cái nết không chừa”

Sau khi ký Hiệp định Paris về Việt Nam, Mỹ và các nước phụ thuộc buộc phải rút hết quân ra khỏi miền Nam Việt Nam vào ngày 29/3/1973, song đế quốc Mỹ vẫn âm mưu tiếp tục dùng ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn làm công cụ để thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh,” áp dụng chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam với chính sách “Người Việt trị người Việt,” biến miền Nam thành một nước với “chế độ quốc gia” thân Mỹ, có lợi cho Mỹ, mà thực chất là một thuộc địa kiểu mới của Mỹ.

Vì vậy, bằng mọi cách, Mỹ-Ngụy ra sức bao vây, lấn chiếm vùng giải phóng của ta, cố tình tiêu diệt Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Để thực hiện mục tiêu này, Mỹ ồ ạt đổ tiền của, vũ khí, phương tiện chiến tranh cho Ngụy quyền Sài Gòn. Năm 1973, Mỹ đã viện trợ cho Ngụy 2.670 triệu USD, 700 máy bay, 500 khẩu pháo, 400 xe tăng, xe bọc thép, bổ sung vật tư dự trữ chiến tranh hơn 2 triệu tấn. Đồng thời, ráo riết bắt lính, tăng lực lượng vũ trang ở cơ sở để trực tiếp khống chế nhân dân.

Vì vậy, chỉ trong khoảng thời gian chưa đầy một năm, số lượng phòng vệ dân sự đã tăng lên 1,5 triệu người, đưa hơn 20% ssỹ quan xuống chỉ huy xã, phường, thị trấn.

Cậy vào sức mạnh và sự viện trợ của Mỹ, quân Ngụy liên tiếp mở những cuộc hành quân càn quét, “các chiến dịch tràn ngập lãnh thổ,” tàn sát đẫm máu đồng bào, chiến sỹ ta.

Cũng trong năm 1973, Ngụy quyền Sài Gòn đã tiến hành gần 10.000 cuộc tiến quân càn quét, lấn chiếm vùng tranh chấp từ cấp tiểu đoàn trở lên cùng với 350.000 cuộc hành quân cảnh sát-bình định trong vùng chúng kiểm soát để duy trì lực lượng răn đe của Mỹ ở các vùng phụ cận Việt Nam, nhất là ở Lào và Campuchia. Đồng thời, tiếp tục tăng cường các hoạt động ngoại giao để ngăn chặn sự phát triển của cách mạng Việt Nam.

Từ giữa năm 1973, Mỹ không ngừng tiếp tay cho Ngụy lấn chiếm và bình định, điên cuồng đánh phá hòng xóa bỏ vùng giải phóng, gây cho ta những tổn thất nhất định, tiến tới thực hiện âm mưu quay trở lại xâm lược nước ta.

Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam với việc khai mở con đường đi đến Đại thắng mùa Xuân 1975

Trước bối cảnh, tình hình ấy, Đảng ta kiên quyết đấu tranh để thực hiện Hiệp định Paris, gìn giữ hòa bình và từng bước gây dựng, phát triển phong trào cách mạng Việt Nam. Đồng thời, chuẩn bị lực lượng để chống trả sự can thiệp của không quân và hải quân Mỹ khi Ngụy quân Ngụy quyền Sài Gòn lâm vào tình thế khốn cùng, bị ta tiêu diệt.

Tháng 7/1973, Hội nghị Trung ương lần thứ XXI đã phát hiện một số nhược điểm ta đã mắc phải từ sau Hiệp định Paris như phong trào chính trị trong nhân dân còn yếu, đấu tranh chính trị, quân sự, binh vận chưa đủ mạnh, vùng giải phóng chưa được củng cố vững chắc, lực lượng vũ trang chưa phát triển cân đối; bộ đội địa phương và quân dân du kích còn yếu...

Từ đó, Đảng ta khẳng định, con đường của cách mạng miền Nam vẫn là con đường bạo lực, cần nắm vững thời cơ, kiên định giữ vững đường lối chiến lược tiến công để thực hiện thắng lợi cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.

Tại Hội nghị này, Đảng ta chỉ rõ kẻ thù chính của cách mạng Việt Nam vẫn là đế quốc Mỹ và tay sai của chúng. Đế quốc Mỹ vừa là kẻ chủ mưu, vừa là chỗ dựa của bọn tay sai.

Ngụy quân Ngụy quyền Sài Gòn là tay sai đắc lực của Mỹ; do đó, kẻ thù trực tiếp cần phải đánh đổ là tập đoàn thống trị tay sai Mỹ. Yêu cầu cấp bách của cách mạng Việt Nam là đẩy mạnh đấu tranh trên cả ba mặt trận: chính trị, quân sự, ngoại giao; thắng địch từng bước và chủ động trong mọi tình huống, kiên quyết đưa cách mạng Việt Nam tiến lên.

Đảng ta còn xác định nhiều nhiệm vụ cấp bách, nhiều giải pháp cụ thể để thực hiện đường lối và chủ trương đã vạch ra, đó là: (1) phải nắm giữ lực lượng vũ trang; (2) ra sức giành dân và giành quyền làm chủ của nhân dân; (3) đẩy mạnh công tác binh vận; (4) đẩy mạnh đòn tiến công ở thành thị; (5) ra sức xây dựng và củng cố vùng giải phóng; (6) tăng cường công tác mặt trận; (7) đẩy mạnh công tác ngoại giao; (8) tăng cường công tác Đảng.

Có thể khẳng định rằng Nghị quyết Trung ương XXI là văn kiện lịch sử trực tiếp chỉ đạo cách mạng và chiến tranh cách mạng giành thắng lợi trong giai đoạn kết thúc chiến tranh, giải phóng miền Nam Việt Nam. Nó là cơ sở lý luận-thực tiễn đặc biệt quan trọng để Hội nghị Quân ủy Trung ương (tháng 3/1974) đề ra chủ trương kiên quyết phản công và tiến công địch, vận dụng linh họat trên cả ba vùng chiến lược. Nhờ đó đã góp phần quyết định nhanh chóng việc xoay chuyển hẳn cục diện chiến trường miền Nam có lợi cho ta.

Đến giữa năm 1974, trên toàn miền Nam ta đã xóa được 3.600 đồn bốt, giải phóng thêm 850 ấp với 1,15 triệu dân. Miền Bắc vừa sẵn sàng chiến đấu, vừa tăng cường sức người, sức của vào miền Nam nhiều hơn bất kì thời gian nào trước đó.

Ta ngày càng mạnh lên, Ngụy càng suy yếu rõ rệt, nước Mỹ lâm vào khủng hoảng nội bộ trầm trọng. Tuy nhiên, vào thời điểm đó đã xuất hiện thêm một số khó khăn mới, cả Trung Quốc và Liên Xô đều chấm dứt viện trợ cho ta; Liên Xô chưa muốn ta đẩy mạnh ngay chiến tranh giải phóng miền Nam, còn Trung Quốc muốn giữ nguyên hiện trạng để có điều kiện mặc cả với Mỹ.

Trước tình hình đó, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã họp nhiều lần để thống nhất quyết tâm chiến lược và thông qua kế hoạch giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Về chiến lược, Đảng ta hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong thời gian hai năm 1975-1976. Về kế hoạch chiến lược, ta xác định mục tiêu trong năm 1975 là làm cho quân đội ta lớn mạnh vượt bậc. Nếu thời cơ đến sẽ mở nhiều đợt tấn công nổi dậy, làm cho địch suy yếu nhanh chóng, tiến tới tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong năm 1976, đánh lớn, đánh nhanh, đánh Sài Gòn là chỗ hiểm yếu nhất, giành thắng lợi cuối cùng.

Ngoài kế hoạch cơ bản trên, ta còn dự kiến một phương án khác: Nếu thời cơ đến thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975. Đây không chỉ là quyết tâm chiến lược mà còn là một sáng tạo lớn trong nghệ thuật chỉ đạo chuẩn bị cuộc Tổng tiến công trong thời kỳ kết thúc chiến tranh cũng như sau này trong điều hành cuộc Tổng tiến công chiến lược.

Chiến thắng giòn giã và giải phóng toàn tỉnh Phước Long đầu năm 1975 cho thấy rõ quân Ngụy đã suy yếu nghiêm trọng, còn quân Mỹ không thể trở lại miền Nam Việt Nam. Chính điều này đã củng cố thêm quyết tâm chiến lược mà Đảng ta đã dự kiến năm 1974.

Trước tình thế, thời cuộc thay đổi từng ngày, thế và lực của ta ngày càng mạnh, Đảng ta đã quyết định mở cuộc Tổng tiến công chiến lược từ ngày 4/3/1975, bằng ba đòn chiến lược: chiến dịch Tây Nguyên mở đầu bằng trận đột phá đánh chiếm Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên; chiến dịch giải phóng Huế-Đà Nẵng và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Sự kiện ngày 4/3/1975, ta nổ súng tấn công một số mục tiêu ở Pleiku để nghi binh tạo thế chiến dịch Tây Nguyên; rạng sáng 10/3 đánh Buôn Ma Thuột mở cửa đột phá của cuộc Tổng tiến công chiến lược năm 1975 giành thắng lợi giòn giã trên chiến trường Tây Nguyên.

Ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị họp, kịp thời bổ sung quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975. Cùng khoảng thời gian đó, ta bắt đầu tiến công ở Trị-Thiên và Khu 5.

Đến 21/3/1975, ta phát triển thành chiến lược tiến công Huế-Đà Nẵng và giải phóng Huế ngày 26/3/1975. Với thắng lợi như “chẻ tre” trên chiến trường Tây Nguyên và Bắc Trung Bộ, ngày 25/3/1975, Bộ Chính trị kịp thời bổ sung chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam trước mùa mưa.

Đến 29/3/1975, ta giải phóng hoàn toàn Đà Nẵng và năm tỉnh Bắc Trung Bộ. Đến ngày mùng 3/4/1975, ta đã quét sạch quân địch và giải phóng toàn bộ đồng bằng ven biển miền Trung.

Ngày 1/4/1975, căn cứ vào sự tấn công dồn dập như vũ bão của ta trên chiến trường, Bộ Chính trị lại tiếp tục bổ sung quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4/1975, trước mùa mưa, không thể để chậm.

Ngày 9/4/1975, ta bắt đầu cuộc chiến đấu tạo thế ở Đông Bắc, Tây Nam Sài Gòn và đánh địch ở toàn miền Đông Nam Bộ với việc huy động lực lượng lớn nhất trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, mở một chiến dịch tấn công quy mô nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam gồm bốn quân đoàn và một số đơn vị tương đương quân đoàn.

Ngày 26/4/1975, ta bắt đầu chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tiến công giải phóng Sài Gòn-Gia Định, buộc Tổng thống Ngụy Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện vào 11 giờ 30 ngày 30/4/1975, gây chấn động cực kỳ dữ dội đến đồng bằng sông Cửu Long và Đông Dương.

Trong hai ngày 30/4-1/5/1975, đồng bào và chiến sỹ các tỉnh Đông Nam Bộ đã tiêu diệt, bắt sống và làm tan rã toàn bộ lực lượng quân địch và giải phóng toàn bộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn.

Đến đây ta đã kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, hoàn thành trọn vẹn cách mạng dân chủ nhân dân trên cả nước, thực hiện tốt lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu: "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào."

Phát huy thắng lợi trên chiến trường miền Nam Việt Nam, được sự hỗ trợ của quân và dân ta, nhân dân Campuchia dành thắng lợi ngày 17/4/1975, nhân dân Lào giành thắng lợi vào tháng 12/1975. Đó là kết quả của hơn 21 năm dài đằng đẵng quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã không tiếc máu xương, không sợ hy sinh, gian khổ, đã anh dũng chiến đấu, giành thắng lợi, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; đưa giang sơn gấm vóc về một mối; đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là thiên anh hùng ca vĩ đại

Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, đại thắng mùa Xuân 1975 là một trong những chiến công chói lọi nhất, đánh dấu bước ngoặt quyết định đưa đất nước ta bước hẳn vào kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

40 năm đã qua kể từ ngày Đại thắng mùa Xuân năm 1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Trong bốn thập niên ấy có biết bao đổi thay và biến động; nhân dân ta dưới sự lạnh đạo của Đảng đã tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và đã đạt được những thành quả to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Thời gian càng lùi xa và những sự kiện chính trị, quân sự trong nước và thế giới càng làm chúng ta nhận thức sâu sắc hơn tầm vóc, giá trị, ý nghĩa của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều đó cho phép chúng ta lý giải vì sao Việt Nam, một nước nhỏ, đất không rộng, người không đông, kinh tế nghèo nàn, lạc hậu đã đánh thắng đế quốc Mỹ, một cường quốc có tiềm lực kinh tế, quân sự lớn nhất trong các nước tư bản.

Lý luận và thực tiễn quân sự thế giới đều khẳng định rằng chúng ta đánh thắng đế quốc Mỹ vì cuộc chiến tranh của nhân dân ta chính nghĩa, chống lại cuộc chiến tranh xâm lược, phi nghĩa do đế quốc Mỹ thực hiện để giành và giữ vững độc lập dân tộc, quyền sống làm người.

Cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân ta là một cuộc đấu tranh giai cấp cực kỳ quyết liệt. Ta nêu cao ngọn cờ độc lập, tự do, ngọn cờ giải phóng dân tộc, quyết chiến và quyết thắng đế quốc Mỹ không chỉ để hoàn thành cuộc cách mạng dân chủ nhân dân trong cả nước mà còn giải quyết vấn đề “ai thắng ai” giữa hai thế lực cách mạng và phản cách mạng, giữa một bên muốn biến miền Nam Việt Nam thành “sân sau của chủ nghĩa tư bản,” đi theo con đường của chủ nghĩa tư bản với một bên là chúng ta, kiên quyết đấu tranh để bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và đi lên chủ nghĩa xã hội.

Cho nên cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là thắng lợi vẻ vang của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 sáng ngời chính nghĩa của nhân dân ta, vừa mang tính chất giải phóng dân tộc, vừa mang tính chất bảo vệ Tổ quốc. Do đó, tiến hành kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là một cuộc chiến tranh cứu nước của cả dân tộc ta, không thể chia cắt, không thể tách rời Nam Bắc.

Điều đó đã được nhân dân ta đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược nhằm một mục tiêu chung là bảo vệ miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cùng đi lên chủ nghĩa xã hội.

Biện chứng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước gần 21 năm do nhân dân ta tiến hành biểu hiện ở chỗ có kiên quyết chiến đấu để giải phóng miền Nam mới bảo vệ được miền Bắc và có bảo vệ vững chắc miền Bắc mới có điều kiện để giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là kết quả sinh động của tình đoàn kết, của liên minh chiến đấu giữa Việt Nam, Lào và Campuchia. Với bản chất, âm mưu xâm lược, với tham vọng độc chiếm bán đảo Đông Dương, đế quốc Mỹ muốn xâm chiếm cả Việt Nam, Lào và Campuchia, dùng nước này để làm bàn đạp và uy hiếp, xâm lược nước kia, biến Đông Dương thành một chiến trường, thị trường có lợi cho Mỹ.

Hiểu rõ âm mưu thâm độc ấy, ba dân tộc láng giềng Việt Nam, Lào, Campuchia đã đoàn kết chung một mục tiêu chiến đấu chống một kẻ thù chung là đế quốc Mỹ và tay sai.

Kể từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời và lãnh đạo cách mạng ba nước, mối tình đoàn kết, gắn bó, tự nguyện liên minh với nhau hình thành mặt trận nhân dân Đông Dương ngày càng vững chắc, kết thành một khối liên minh kháng chiến chống đế quốc xâm lược. Đó là cội nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng vẻ vang của mỗi dân tộc Việt Nam, Lào, Campuchia.

Đại thắng mùa Xuân năm 1975, dấu mốc quan trọng đánh dấu sự kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta mang tính chất và ý nghĩa thời đại sâu sắc. Bởi lẽ, xâm lược nước ta, đế quốc Mỹ không chỉ nhằm đánh bại cách mạng Việt Nam, sâu xa hơn nó còn có mục đích thí nghiệm, rút kinh nghiệm qua thử nghiệm để đối phó với cách mạng thé giới, răn đe, ngăn chặn phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Qua đó, tranh giành ảnh hưởng với các đế quốc khác trên các lục địa để thực hiện mục tiêu chiến lược toàn cầu, tiến tới thống trị châu Âu và thế giới.

Vì vậy, Việt Nam đã trở thành trung tâm đối phó chiến lược toàn cầu của Mỹ. Điều đó thể hiện rất rõ mỗi thất bại của Mỹ ở Việt Nam đã tác động, ảnh hưởng sâu sắc đến chiến lược toàn cầu của Mỹ. Cho nên, đế quốc Mỹ không chỉ là kẻ thù trực tiếp của nhân dân ta mà còn là kẻ thù nguy hiểm của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới.

Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới. Đứng lên kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Việt Nam đã trở thành tuyến đầu của phong trào giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân mới, bảo vệ hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới. Cho nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975 kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhân dân ta đã đánh thắng kẻ thù lớn nhất của thời đại, kẻ thù chung của cả loài người tiến bộ.

Vì lẽ đó, nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, đặc biệt nhân dân các nước chủ nghĩa xã hội anh em như Trung Quốc, Liên Xô và các nước khác đã ủng hộ nước ta cả về vật chất và tinh thần.

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là kết quả của “thiên thời, địa lợi, nhân hòa.”

Sự lãnh đạo của Đảng - Nhân tố quyết định làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975


Bao trùm lên tất cả là sức mạnh lãnh đạo tài tình, thao lược và sáng tạo của Đảng ta. Đảng đã biết khai thác, khơi dậy mọi tiềm năng thế mạnh của nhân tố con người và kết hợp chặt chẽ các nhân tố đó với nhau thành một tổng hợp lực nhằm cùng một hướng để tăng sức mạnh lên gấp bội.

Đó là sức mạnh của bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, sức mạnh của đường lối đúng đắn, sáng tạo, sức mạnh của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, của việc kết hợp chặt chẽ lợi ích cơ bản của nhân dân ta với những mục tiêu của thời đại; kết hợp cả đường lối cách mạng và phương pháp cách mạng: sử dụng bạo lực cách mạng tổng hợp, kể cả lực lượng chính trị quần chúng và lực lượng vũ trang nhân dân; tiến hành khởi nghĩa từng phần ở nông thôn và từ khởi nghĩa phát triển thành chiến tranh cách mạng; kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và ngoại giao; kết hợp giữa tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công’ đánh địch cả trên ba vùng chiến lược: rừng núi, nông thôn, đồng bằng thành thị; đánh địch bằng ba mũi giáp công: quân sự, chính trị, binh vận; kết hợp ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích.

Đồng thời, Đảng biết tạo thời cơ và nắm vững thời cơ, biết mở những cuộc tiến công chiến lược làm thay đổi cục diện chiến tranh, tiến lên thực hiện cuộc tổng tiến công và nổi dậy đè bẹp quân địch và giành chiến thắng cuối cùng là Đại thắng mùa Xuân năm 1975, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta sau 21 năm dài đằng đẵng, thực hiện thống nhất Tổ quốc, Nam Bắc xum họp một nhà, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Điều đấy khẳng định rằng nhân dân ta đánh thắng đế quốc Mỹ là vì chúng ta mạnh hơn đế quốc Mỹ. Điều này đã được lý luận và thực tiễn quân sự thế giới khẳng định trong chiến tranh, không bao giờ có chuyện may rủi, tình cờ. Bên thắng phải là bên mạnh hơn, còn bên thua nhất định là yếu hơn.

Việc Mỹ phải quấn cờ về nước sau Hiệp định Paris được ký ngày 27/1/1973 và Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là minh chứng hùng hồn đầy thuyết phục, đã nói lên điều sâu sắc ấy.

Trong quá khứ đã là như vậy thì trong hiện tại và tương lai, chắc chắn, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, các thế hệ con cháu thời đại Hồ Chí Minh vẫn sẽ tiếp tục sự nghiệp vẻ vang ấy.

Tôi tin là như vậy vì ngoài hạnh phúc của Nhân dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Tin yêu và đi theo Đảng, chúng ta không thể làm khác, dân tộc Việt Nam không thể sống khác, dù thời cuộc có thay đổi, song phẩm chất nhân cách, văn hóa dân tộc của con người Việt Nam không thể đổi thay. Hàng ngàn năm lịch sử đấu tranh để dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã nói lên điều ấy./.

Thiếu tướng, PGS. TS. NGND. Nguyễn Bá Dương
Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn Bộ Quốc phòng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất