Ngày 28/3, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 132 chính thức khai mạc tại Hà Nội. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội đồng IPU với tư cách là quốc gia thành viên của tổ chức này kể từ tháng 4/1979. Sự kiện này được đánh giá là dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực ngoại giao nghị viện nói riêng và ngoại giao Việt Nam nói chung...
IPU - Diễn đàn của các nhà lập pháp
Năm 1889, tại Pa-ri, thủ đô nước Pháp, IPU đã được thành lập theo sáng kiến của hai nghị sĩ, đồng thời cũng là hai chiến sĩ đấu tranh cho hòa bình là Phê-đê-rích Pa-xi (Frederic Passy), người Pháp và Uy-li-am Ran-đan Cri-mơ (William Randal Cremer), người Anh. Ý tưởng ban đầu của hai nghị sĩ này là mong muốn biến IPU thành một phong trào tiên phong đấu tranh vì hòa bình.
Ngay từ khi thành lập, mục tiêu của IPU là tạo nên một cơ chế như là “trọng tài quốc tế”. Nhưng cùng với thời gian và diễn biến của tình hình thế giới, phạm vi hoạt động của IPU đã được mở rộng vì các vấn đề liên quan đến hòa bình đã trở thành yêu cầu cấp thiết và rõ nét. Phấn đấu cho nền hòa bình thế giới, IPU hướng tới việc củng cố cơ sở pháp lý tạo nền tảng cho các mối quan hệ quốc tế. Xuất phát từ sự nhìn nhận các yếu tố kinh tế, xã hội, tư tưởng trong nhiều trường hợp là nguyên nhân tạo nên sự căng thẳng giữa các quốc gia, tổ chức thế giới của các nghị viện dần dần đã tiếp cận và dành sự quan tâm ngày càng nhiều hơn đối với các vấn đề mang tính toàn cầu.
Trong suốt 126 năm hình thành và phát triển, IPU không ngừng được hoàn thiện, phát triển và trở thành tổ chức quốc tế của các nghị viện quốc gia có chủ quyền, là diễn đàn thường trực đầu tiên về đàm phán chính trị đa phương và là trung tâm đối thoại ngoại giao nghị viện toàn cầu để các nhà lập pháp bày tỏ quan điểm và chính kiến của mình về các vấn đề quốc tế cùng quan tâm, góp phần gìn giữ hòa bình, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các dân tộc và thiết lập các thể chế dân chủ đại diện bền vững.
Mục đích cuối cùng của IPU là thúc đẩy tiếp xúc, phối hợp và trao đổi kinh nghiệm giữa các nghị viện và các nghị sĩ của tất cả các nước; xem xét và bày tỏ quan điểm của IPU về các vấn đề quốc tế cùng quan tâm nhằm hỗ trợ các nghị viện và các nghị sĩ có những hành động cụ thể; góp phần bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền, nhân tố thiết yếu của nền dân chủ nghị viện và phát triển; góp phần hiểu biết tốt hơn về các hoạt động của các thể chế đại diện, tăng cường và phát triển các phương thức hoạt động.
IPU thúc đẩy các hoạt động trong các lĩnh vực sau: Thúc đẩy dân chủ trên toàn thế giới; nhân quyền và pháp luật về quyền con người; hòa bình và an ninh quốc tế; phụ nữ trong chính trị; phát triển bền vững; giáo dục, khoa học và văn hóa.
IPU giữ mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Liên hợp quốc và các tổ chức liên minh nghị viện khu vực cũng như các tổ chức quốc tế, tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ khác.
Việt Nam - thành viên có trách nhiệm của IPU
Từ khi Quốc hội nước ta đặt vấn đề gia nhập IPU (năm 1957) tới nay cũng đã gần 60 năm, trong đó có một chặng đường hơn 20 năm kiên trì, bền bỉ theo đuổi mục tiêu hội nhập quốc tế. 36 năm qua, kể từ khi gia nhập IPU (tháng 4-1979) đến nay, Quốc hội Việt Nam luôn là thành viên tích cực và có trách nhiệm tại diễn đàn này.
Việc tham dự các hoạt động của IPU là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương của Quốc hội, nhằm thúc đẩy và bảo vệ các lợi ích của Việt Nam, tham khảo quan điểm của các nước về các vấn đề quốc tế và thể hiện quan điểm quốc gia về các mối quan tâm chung trên toàn cầu, tiến hành các hoạt động song phương bên lề với các đối tác mà Việt Nam ít có điều kiện triển khai hoạt động song phương chính thức, góp phần nâng cao vị thế của Quốc hội Việt Nam nói riêng và Việt Nam nói chung trên trường quốc tế. Đây cũng là nơi Việt Nam có thể tiếp cận với nhiều nội dung, kinh nghiệm hoạt động và thực tiễn tốt của nghị viện trên thế giới để đóng góp cho việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội Việt Nam.
Quốc hội Việt Nam hai lần đảm nhiệm vị trí Chủ tịch nhóm địa chính trị châu Á-Thái Bình Dương và nhóm ASEAN+3 trong khuôn khổ Đại hội đồng IPU (năm 2006, 2010). Tại Kỳ họp Đại hội đồng IPU tháng 10/2007, lần đầu tiên đại diện của Quốc hội Việt Nam được Đại hội đồng tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành IPU. Đặc biệt, việc đại diện của Quốc hội Việt Nam được bầu làm Phó chủ tịch IPU năm 2009 đã đóng góp trực tiếp và thiết thực vào hoạt động của IPU. Thông qua diễn đàn IPU, quan hệ song phương giữa Quốc hội Việt Nam với Nghị viện các nước được thiết lập và tăng cường. Đại hội đồng IPU-128 đã thông qua Nghị quyết về việc Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội đồng IPU-132 thể hiện sự tín nhiệm của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam.
Việc Quốc hội nước ta đăng cai tổ chức kỳ họp Đại hội đồng IPU lần thứ 132 tại Hà Nội là một sự kiện chính trị-ngoại giao có ý nghĩa hết sức to lớn, thể hiện tinh thần chủ động của một thành viên tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam, không ngừng nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế./.
Linh Oanh (QĐND)