Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hải Ninh: Từ nay đến năm 2020, tỉnh Đắk Lắk đầu tư 492 tỷ đồng để phát triển khoa học, công nghệ nhằm nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các thành tựu khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ cao nhằm phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Theo đó, các nhà khoa học trên địa bàn tập trung nghiên cứu các chương trình khoa học xã hội, nhân văn, giáo dục, đào tạo,y dược, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, chương trình hỗ trợ nông nghiệp và phát triển nông thôn, ứng dụng công nghệ sinh học, bảo tồn và phát triển nguồn gen. Các nhà khoa học cũng đầu tư nghiên cứu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp vừa và nhỏ, nghiên cứu chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu...
Đặc biệt, các nhà khoa học chú trọng nghiên cứu, cung cấp cơ sở, luận cứ khoa học cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, hoạch định chủ trương, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, các giải pháp phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương. Các đề tài nghiên cứu cũng tập trung đánh giá thực trạng con người, nguồn nhân lực theo ngành, trên cơ sở đó dự báo nhu cầu nguồn nhân lực cho từng ngành đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội. Các nhà khoa học trên địa bàn tỉnh quan tâm nghiên cứu phát triển một nền nông nghiệp bền vững, công nghệ lai tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao gắn với thị trường tiêu thụ, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các chủ trương xây dựng nông thôn mới…
Từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có 133 đề tài khoa học được thực hiện, điển hình là các đề tài: Nghiên cứu nâng cao chất lượng dạy và học đối với học sinh dân tộc thiểu số thông qua xây dựng hệ thống bài học bổ trợ môn tiếng Việt khối lớp 1, 2, 3; sưu tầm và bảo tồn phát huy lời nói vần của người Êđê…Trong lĩnh vực hỗ trợ nông nghiệp và phát triển nông thôn, các đề tài tập trung nghiên cứu, chọn tạo các giống mới có triển vọng về năng suất, chất lượng để đưa vào sản xuất như các giống lúa lai hai dòng TH 3-3, TH 3-5, quy trình sản xuất giống lúa lai F1 hai dòng TH3-3, lai tạo con lai F1 giữa lợn đực rừng với lợn cái Sóc Tây Nguyên…/.
Quang Huy/TTXVN