Thứ Năm, 10/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 4/3/2015 21:29'(GMT+7)

Đắk Lắk: Phát huy tinh thần chiến thắng Buôn Ma Thuột, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2015

Lê Minh Thược - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk

Lê Minh Thược - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk

Hai năm sau Hiệp định Paris, quân Mỹ và chư hầu đã rút khỏi nước ta, ngụy quân ngụy quyền Sài Gòn ngày càng suy yếu, giữa lúc tình hình chiến trường toàn miền Nam đang có những chuyển biến có lợi cho ta. Từ tình hình thực tiễn đó, tháng 10-1974, Bộ Chính trị họp nhận định tình hình và thời cơ mới, Bộ Chính trị hạ quyết tâm hoàn thành giải phóng miền Nam trong 02 năm 1975 - 1976 và chọn Tây Nguyên làm hướng tấn công chủ yếu trong năm 1975. Từ 18-12-1974 đến 08-01-1975, Hội nghị Bộ Chính trị họp mở rộng và dự kiến “nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”. Cũng thời gian này Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định lấy Buôn Ma Thuột làm mục tiêu chủ yếu của chiến dịch Tây Nguyên năm 1975.

Để chuẩn bị cho giải phóng Buôn Ma Thuột, Trung ương Đảng đã chi viện cho Đắk Lắk Sư đoàn 10, Sư đoàn 316, Trung đoàn 95B, Tiểu đoàn 196 công binh và bộ binh, pháo binh, cùng với quân và dân Đắk Lắk đồng loạt nổi dậy phối hợp tấn công. Tất cả mọi thứ đã sẵn sàng.

Cuối tháng 2-1975, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ họp tại cơ quan tiền phương của tỉnh quyết định thành lập Uỷ ban Quân quản thị xã do đồng chí Y Blốk Êban, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời làm Chủ tịch và Uỷ ban Quân quản thị xã Hậu Bổn (Cheo reo) do đồng chí Ama Thương (Siu Pui), Phó Bí thư Tỉnh uỷ làm Chủ tịch.

Để tạo bí mật bất ngờ cho trận quyết chiến chiến lược ở Buôn Ma Thuột, từ đầu năm 1975 lực lượng chủ lực Tây Nguyên đã thực hiện một kế hoạch nghi binh rất tài tình, thu hút sự chú ý, đối phó của địch ở bắc Tây Nguyên, cuối tháng 2-1975, Sư đoàn 968 đánh tiêu diệt chốt Mỹ, bức rút Đồn Tám và một số cứ điểm ở tây Pleiku, uy hiếp các quận lỵ Thanh An, căn cứ Thanh Bình. Ở phía đông An Khê, ngày 4 - tháng 3, Sư đoàn 3 của Quân khu V cắt đường 19 và đánh diệt một số vị trí của địch từ An Khê đến Bình Khê. Cho đến đầu tháng 3 -1975 địch vẫn chưa phát hiện ta sẽ tấn công Buôn Ma Thuột, còn đưa Trung đoàn 45  ra Pleiku đối phó với hoạt động của quân chủ lực ta ở bắc Tây Nguyên.

Đúng 2 giờ 03 phút ngày 10-3-1975, cuộc tấn công như bão lửa vào các mục tiêu then chốt ở Buôn Ma Thuột bắt đầu: đặc công đánh sân bay thị xã, lực lượng bộ binh đánh sân bay Hòa Bình, khu kho Mai Hắc Đế. Cùng thời gian, hỏa tiễn H12, ĐKB và các cụm pháo tập trung bắn vào sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy kéo dài cho đến sáng.

6 giờ sáng, Trung đoàn 95 sử dụng một tiểu đoàn bộ binh, lợi dụng việc lực lượng đặc công đã làm chủ sân bay, tiến thẳng vào Ngã Sáu. Địch dùng xe tăng, máy bay chống trả quyết liệt, có lúc chúng chiếm lại Ngã Sáu nhưng ta vẫn làm chủ Ngã Sáu rồi phát triển đánh chiếm tiểu khu. Hướng tây bắc lực lượng ta tiêu diệt sở chỉ huy khu kho Mai Hắc Đế, đánh chiếm các cứ điểm Čư Ebur, Čư Dluê… phá hệ thống cứ điểm án ngữ vòng ngoài thị xã. Ở hướng tây quân ta đánh chiếm doanh trại tiểu đoàn quân y và áp sát căn cứ Sư bộ 23. Ở hướng nam ta đánh vào khu hành chính, khu tiếp vận, Sở Thú y, Ty Ngân khố, khu cư xá sĩ quan và đánh chiếm quận lỵ Hoà Bình.

Trong ngày 10-3, ta đánh chiếm được nhiều mục tiêu quan trọng trong thị xã nhưng chưa chiếm được Sư bộ 23 và các mục tiêu phía đông tiểu khu. Địch dùng máy bay bắn phá ngăn chặn ta, sử dụng pháo binh, bộ binh phản kích quyết liệt. Quân ta bắn rơi 06 máy bay AD6 và diệt nhiều sinh lực địch.

Ngày 11-3-1975, ta tấn công nhiều mục tiêu quan trọng, toàn bộ quân địch ở trong thị xã bị tiêu diệt, ta làm chủ mục tiêu, bắt sống tên tỉnh trưởng Đắk Lắk và đại tá sư đoàn phó 23 ngụy. Ngày 12-3, ta tấn công tiêu diệt Căn cứ 45 ngụy, đánh địch ở Chư Pao, Đạt Lý; giải phóng Buôn Hồ. Ngày 13-3, ta giải phóng Châu Sơn, diệt địch ở cứ điểm Cư MGar, phối hợp với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương tỉnh đánh chiếm và làm chủ quận lỵ Lạc Thiện. Ngày 14-3, ta tấn công hậu cứ Trung đoàn 53 khu Hòa bình và giải phóng Buôn Đôn, ngày 17-3 ta giải phóng Phước An, ngày 18-3 giải phóng Čư Cúc, thị xã Cheo Reo.

Phối hợp với tấn công quân sự, tối ngày 11-3-1975 Đoàn cán bộ chính trị 83 người do đồng chí Tô Tấn Tài (Ama H’Oanh) Bí thư Thị uỷ Buôn Ma Thuột dẫn đầu tiến vào thị xã, nhanh chóng liên lạc với các cơ sở cũ, vận động đồng bào nổi dậy diệt ác ôn và truy bắt địch tháo chạy. Các đội công tác chính trị của tỉnh và nội tuyến ở các phường trong thị xã, phát động quần chúng ổn định tư tưởng, làm công tác tiếp quản, thành lập Ủy Ban quân quản ở địa phương, giữ vững trật tự an ninh, bảo đảm sinh hoạt bình thường cho nhân dân.

Sau khi ta đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột, địch đưa Sư đoàn 23 về phản kích giải toả. Ngày 12 và ngày 13 -3-1975 địch dùng trực thăng đổ lực lượng Trung đoàn 45 xuống đường 21. Liên đoàn biệt động 21 sau khi mất Sư bộ 23 cũng chạy ra đây để đón Trung đoàn 45. Ngày 15 và ngày 16-3-1975 địch đổ tiếp Trung đoàn 44 và sở chỉ huy nhẹ của Sư 23 xuống Phước An với mưu đồ lập lại phòng tuyến trên đường 21 để phản kích đánh chiếm lại thị xã Buôn Ma Thuột.

Sư đoàn 10 của ta có binh chủng xe tăng, pháo binh nhận nhiệm vụ tiêu diệt Sư 23. Ngày 15-3-1975, ta tấn công tiêu diệt gần hết Trung đoàn 45, ngày 17-3 đánh một đòn quyết định vào Phước An, địch tháo chạy về Chư Cúc bị Trung đoàn 25 chặn đánh, đến ngày 18-3 Sư đoàn 10 đuổi theo đánh trận cuối cùng tiêu diệt đại bộ phận Sư đoàn 23 ngụy, vậy là Sư đoàn 23 ngụy từng được phong danh hiệu khá kiêu binh: “Bình Nam, tiến Bắc, trấn Cao nguyên”, đã bị xoá sổ. Sau 4 ngày đêm với nhiều trận đánh quyết liệt ta đã đánh bại hoàn toàn cuộc phản kích của địch để chiếm lại Buôn Ma Thuột. 

 Ngày 18-3-1975, Ủy Ban quân quản thị xã Buôn Ma Thuột do đồng chí Y Blôk ÊBan, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh, làm chủ tịch ra mắt trước 300 đại biểu nhân dân tại đình Lạc Giao. Ngày 19-3 đến ngày 21-3-1975, quân ta đánh chiếm quận lỵ Khánh Dương, truy quét quân địch co cụm ở đây, tiêu diệt và làm tan rã Lữ đoàn dù 3 của ngụy, chiếm lĩnh đèo Phượng Hoàng, mở đường cho quân ta tiến xuống tỉnh Khánh Hòa.

Sau khi giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, lãnh đạo các huyện sử dụng lực lượng địa phương phát động quần chúng nổi dậy diệt ác, phá kềm, truy quét tàn quân địch, cho đến ngày 28-3-1975 toàn tỉnh đã sạch bóng quân thù.

Chiến thắng Buôn Ma Thuột mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một khúc ca hùng tráng, một chiến thắng oanh liệt, là niềm vinh dự và tự hào to lớn của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Đắk Lắk.

Chiến thắng Buôn Ma Thuột là trận quyết chiến, chiến lược mở màn thể hiện sự tiến bộ vượt bậc của quân đội ta về cách đánh táo bạo, bất ngờ, đã tạo ra bước phát triển nhảy vọt về tương quan lực lượng về thời cơ và thế trận mới. Tạo điều kiện cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Chiến thắng Buôn Ma Thuột là chiến thắng của tinh thần dũng cảm, kiên cường, mưu trí, linh hoạt của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương trên khắp chiến trường. Biết hợp đồng binh chủng, táo bạo, bất ngờ, thọc sâu, đánh hiểm, làm cho quân thù không kịp đối phó, trở tay.

Chiến thắng Buôn Ma Thuột là sự nỗ lực của quân và dân các dân tộc Đắk Lắk, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, đã đoàn kết một lòng, thủy chung son sắt, quả cảm kiên cường suốt 30 năm gian khổ đã vùng lên chiến đấu, giải phóng quê hương, làm nên thắng lợi vẻ vang.

Sau 40 năm giải phóng, đặc biệt là sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, Đắk Lắk đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt nhiều thành tựu quan trọng, làm thay đổi sâu sắc đời sống xã hội, tạo ra thế và lực mới cho Đắk Lắk trên chặng đường phát triển tiếp theo. Trong nhiều năm liên tục, nền kinh tế - xã hội của tỉnh luôn đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch, năm sau cao hơn năm trước.

Năm 2014, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, sự phối hợp chặt chẽ của Ủy ban MTTQVN và các đoàn thể cùng với tinh thần quyết tâm vượt qua khó khăn thách thức, nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, một số chỉ tiêu kinh tế, xã hội đạt mức cao hơn năm 2013, an sinh xã hội được chăm lo; các lĩnh vực văn hóa thông tin, thể thao có nhiều tiến bộ; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực; quốc phòng - an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đạt được kết quả tốt… đã góp phần củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp đổi mới đất nước, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Năm 2015, năm thứ 5 thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, năm thực hiện hoàn thành kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội (2010 - 2015), tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, phát huy thành tựu đã đạt được, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, các cơ quan đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2015 và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh giai đoạn 2010 - 2015.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy kinh tế tiếp tục phát triển. Rà soát, điều chỉnh cơ cấu kinh tế, ưu tiên phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn như công nghiệp chế biến, dịch vụ, du lịch. Tăng cường thu hút và quản lý có hiệu quả các nguồn vốn. Đẩy mạnh công tác thu ngân sách Nhà nước, bảo đảm thu đúng, thu đủ, chống thất thu. Làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng. Quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân; tập trung thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Triển khai có hiệu quả công tác đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động. Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đối với người có công, chính sách cho các đối tượng khác. Tiếp tục rà soát, giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh. Duy trì và củng cố mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với tỉnh Mondulkiri - Campuchia. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp, cải cách thủ tục hành chính. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nâng cao hiệu quả hoạt động và vai trò của Mặt trận và các đoàn thể. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Tỉnh ủy, năng lực quản lý, điều hành của UBND tỉnh, hiệu quả giám sát của HĐND tỉnh và cấp ủy, chính quyền các cấp. Đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, góp phần xây dựng tỉnh Đắk Lắk ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Lê Minh Thược

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất