Dâng hiến sức trẻ nơi núi rừng Tây Bắc
Lớn lên ở vùng quê nghèo chiêm trũng, cậu trai làng Khả Duy (xã Đoàn Đào, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) ấp ủ ước mơ sau này lớn lên sẽ trở thành một giáo viên, được đứng trên bục giảng giảng bài cho học sinh. Vì vậy, cậu đã quyết tâm thi đỗ vào ngành sư phạm. Tháng 7/1975, Nguyễn Văn Đông tốt nghiệp trường Trung cấp sư phạm Lai Châu và là một trong số ít giáo sinh của Đảng bộ nhà trường được bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng. Trong buổi lễ ra trường hôm ấy, mang theo lý tưởng của tuổi trẻ thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh, lớp trưởng Nguyễn Văn Đông đã xung phong lên công tác tại vùng cao Sìn Hồ, huyện khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu, ô tô chỉ đến được trung tâm huyện vào mùa khô.
Đường đi ngoằn ngoèo, trơn trượt, dốc nọ nối dốc kia, mất cả ngày đi bộ, đôi chân mỏi nhừ, sưng tấy, thày giáo trẻ mới tới được trường cấp 1 Nậm Tăm, điểm trường được phân công giảng dạy. Dù đã được “cảnh báo” trước về những vất vả khi đi “gieo chữ” vùng cao, thày giáo trẻ cũng không khỏi nao lòng trong buổi đầu đứng lớp. Lớp lá đơn sơ với hai chục học sinh đồng bào dân tộc Lự, Xá, Thái, chân trần, áo cộc và mái tóc rối bù. Phần lớn các em còn chưa thạo nói tiếng Kinh chứ chưa nói gì đến việc tiếp thu bài học. Đã thế, những buổi đi học của các em cũng thưa thớt, ít ỏi. Quyết không đầu hàng khó khăn, thày giáo trẻ âm thầm học tiếng dân tộc để có “vốn” trò chuyện, hát múa và gần gũi với các em hơn. Thày cũng dành nhiều ngày tìm hiểu hoàn cảnh của các em, đến từng nhà học sinh để chia sẻ công việc, động viên, thuyết phục phụ huynh, rồi dỗ dành học sinh chịu khó tới lớp. Từng ngày, từng ngày thày ân cần, miệt mài chỉ bảo cho các em những con chữ, con số. Có kiến thức hôm nay thày dạy đã nhuần nhuyễn, ấy thế mà chỉ hôm sau vẫn đôi mắt học trò to tròn ấy lại đã ngơ ngác, không còn nhớ được chút nào. Sau những cảm xúc buồn, giận đan xen, thày lại càng thương hơn những học trò nhỏ thiệt thòi của mình. Và như để đền bù cho các em, thày càng nỗ lực hơn nữa trong việc truyền cho các em niềm yêu thích, đam mê học tập.
Khi hoạt động giảng dạy ở Nâm Tăm dần đi vào nền nếp, thày quen trò và trò quấn quýt bên thày thì thày giáo trẻ Nguyễn Văn Đông lại được điều chuyển xuống trường Noong Hẻo, cách đó gần 20 km. Vẫn hăng hái, nhiệt huyết như ngày đầu, thày lại nỗ lực khơi dậy tinh thần vượt khó, học tốt cho các em học trò. Chỉ sau một năm phấn đấu và cống hiến, năng lực của thày đã được đồng nghiệp và cấp trên ghi nhận. 24 tuổi, thày được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường phổ thông cơ sở Ma Quai. Qua nhiều lần luân chuyển, thử thách, ngày 18/5/1985, đồng chí được kết nạp Đảng, rồi chuyển lên Phòng Giáo dục huyện làm công tác chuyên môn.
Vinh dự lớn, ý thức thức trách nhiệm càng cao hơn, phát huy năng lực công tác và những kinh nghiệm sau thời gian kinh qua giảng dạy và quản lý ở nhiều điểm trường tại các địa bàn khác nhau, đồng chí đã tích cực tham mưu thực hiện có hiệu quả công tác quản lý giáo dục. Đặc biệt, trong thời gian này, với nhãn quan chính trị sâu sắc, không chỉ tham mưu thực hiện và đảm bảo chế độ chính sách cho cán bộ, giáo viên vùng cao, nhất là những giáo viên nữ, đồng chí còn thường xuyên viết tin bài cho Đài truyền thanh của huyện về vấn đề này. Trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI diễn ra vào năm 1986, đồng chí viết bài báo "Tình cảnh giáo viên nữ ở miền núi" và được đăng trên báo Người giáo viên nhân dân (nay là Báo Giáo dục thời đại) phản ánh về những khó khăn của nữ giáo viên dạy học ở vùng cao đã hy sinh cả tuổi thanh xuân để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục miền núi, không có điều kiện xây dựng gia đình, quá lứa nhỡ thì, để có con ngoài giá thú phải chịu nhiều thiệt thòi như bị kỷ luật đuổi ra khỏi Ngành hoặc chuyển sang nấu cơm, tạp vụ. Những kiến nghị của đồng chí về quyền được làm mẹ đơn thân của nữ giáo viên, về chính sách ưu tiên, luân chuyển giáo viên nữ vùng cao xuống các huyện vùng thấp được Bộ Giáo dục tổng hợp, báo cáo với Đảng, Nhà nước. Đối với đồng chí, đó không chỉ là một niềm vui, niềm tin với Đảng mà còn củng cố sâu sắc hơn nhận thức về tầm quan trọng của công tác thông tin, tuyên truyền, đưa chính sách của Đảng vào cuộc sống và phát hiện từ cuộc sống những vấn đề mới nảy sinh để kiến nghị thành chủ trương, chính sách mới. Chính vì vậy, năm 1987, khi được tổ chức đảng điều động về công tác tại Ban Tuyên giáo Huyện ủy, đồng chí hồ hởi chấp hành.
Góp sức xây dựng quê hương
Năm 1997, tỉnh Hưng Yên được tái lập, kêu gọi con em Hưng Yên về xây dựng quê hương. Nghe theo tiếng gọi của con tim, đồng chí làm đơn xin chuyển về Hưng Yên, nhưng khó khăn lắm, Huyện ủy Tuần Giáo mới đồng ý để một cán bộ nguồn của huyện chuyển về Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên. Trở lại quê nhà sau 24 năm công tác ở miền núi, đồng chí Nguyễn Văn Đông rưng rưng hạnh phúc nhưng cũng trăn trở thật nhiều. Chiến tranh đã qua lâu rồi, tiếng là miền quê bình yên và hưng thịnh, vậy mà Hưng Yên quê hương đồng chí vẫn còn quá nhiều khó khăn, vất vả…
Được Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phân công công tác ở mảng tuyên truyền (sau này tạm đủ biên chế mới thành lập Phòng Tuyên truyền), đồng chí nhanh chóng tìm hiểu, tiếp cận nhiệm vụ. Do đã xác định được rõ tính chất, sự khác biệt giữa công tác Tuyên giáo ở một huyện miền núi với ở một tỉnh đồng bằng, đồng chí đã tránh được những bỡ ngỡ ban đầu và đáp ứng tốt yêu cầu của Lãnh đạo Ban. Để tham mưu được “trúng, đúng, kịp thời”, đồng chí đã chủ động xây dựng kế hoạch công tác hàng tuần, lên lịch đi cơ sở nắm bắt tình hình thực tế. Với sự rèn luyện dẻo dai từ những ngày băng rừng vượt suối, nên đồng chí không bao giờ chậm trễ, lỗi hẹn với địa phương, cơ sở khi đã có kế hoạch làm việc, dù nắng mưa, giá rét. Cứ kiên trì lắng nghe và tìm hiểu như vậy, đồng chí đã hiểu được rõ thực trạng “đói” thông tin, “khê” thông tin của cán bộ cấp ủy và hầu hết đảng viên. Ngay cả những thông tin chính thống như các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, huyện… để tới được với cán bộ, đảng viên cũng rất muộn và thiếu đầy đủ chứ chưa nói gì đến việc được nghe thông tin thời sự, những vấn đề nổi bật trong tỉnh, trong nước và thế giới. Nguyên nhân chính là do các hoạt động tổ chức hội nghị báo cáo viên, tuyên truyền miệng hàng tháng chưa được cấp ủy các cấp thực sự chú trọng, nơi duy trì được thì chất lượng báo cáo viên lại chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của cán bộ, đảng viên; nơi tổ chức không đều thì khi thông tin đến được tới người nghe đã quá muộn, lạc hậu. Một kênh nữa cung cấp thông tin chính thống cho cán bộ, đảng viên là báo, tạp chí của Đảng và Bản tin thông báo nội bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Nhưng việc đặt mua và cấp các tài liệu này đôi khi còn chậm và chưa đến được tay các đồng chí cán bộ, đảng viên.
Nắm bắt rõ tình hình này, đồng chí đã kịp thời phản ánh với Lãnh đạo Ban, tham mưu tìm cách tháo gỡ, mà đầu tiên là kênh thông tin báo cáo viên, tuyên truyền miệng, một bộ phận quan trọng trong việc tuyên truyền phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong Đảng và trong nhân dân. Từ đó, Lãnh đạo Ban đã tích cực tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động công tác chính trị tư tưởng; ban hành các chỉ thị, quyết định, thông báo để củng cố tổ chức, bộ máy ban tuyên giáo các cấp và hoạt động báo cáo viên, tiêu biểu như: Quyết định số 100 - QĐ/TU ngày 10/6/1998 “Về việc thành lập đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh”; Thông báo ý kiến số 250 - TB/TU ngày 27/8/2007 “Về việc củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy ban tuyên giáo đảng uỷ cơ sở xã, phường, thị trấn” với mô hình ban tuyên giáo có từ 3 - 5 thành viên, trong đó phân công 1 - 2 thành viên ban tuyên giáo là báo cáo viên. Đến nay, đội ngũ báo cáo viên đã được các cấp uỷ Đảng từ tỉnh tới cơ sở quan tâm chỉ đạo xây dựng, củng cố và kiện toàn về tổ chức, phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng từ tỉnh đến cơ sở, xứng đáng là lực lượng tin cậy, nòng cốt và chủ lực thực hiện chức năng, nhiệm vụ công tác tuyên truyền miệng của Đảng. Với trách nhiệm tham gia báo cáo viên của tỉnh, đồng chí không ngừng nghiên cứu, ghi chép, cập nhật và tổng hợp thông tin từ các kênh của Trung ương, của tỉnh, từ đó có nguồn tư liệu phong phú để chủ động chuẩn bị đề cương các bài nói chuyện thời sự, giới thiệu nghị quyết của Trung ương, đồng thời thường xuyên học hỏi, áp dụng các phương tiện, công nghệ tiên tiến trong quá trình tuyên truyền, để đáp ứng nhu cầu thông tin sâu, rộng và hệ thống của cán bộ, đảng viên. Những buổi thông tin của đồng chí không khô cứng, giáo điều, mà rất sinh động, có hồn nhờ hàng loạt kiến thức, dữ liệu và dẫn chứng minh họa, bổ trợ. Sau này, khi đã trở thành Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phụ trách công tác Tuyên truyền, đồng chí thường chia sẻ và nhắc nhở các báo cáo viên trẻ “phải biết thổi hồn cho những dòng chữ, con số khô khan”, nhưng muốn thế, phải “biết mười mà chỉ nói một, hai”, làm sao vừa đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin của cán bộ, đảng viên, vừa nâng cao tính chiến đấu, tính định hướng và giáo dục thuyết phục, củng cố nhận thức, cổ vũ hành động cách mạng, nhân cái đẹp, dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, góp phần xây dựng môi trường xã hội lạc quan, lành mạnh.
Cùng với làm tốt công tác báo cáo viên, đồng chí Nguyễn Văn Đông cùng Lãnh đạo Ban đã tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện đẩy mạnh công tác mua và đọc báo, tạp chí của Đảng, xóa bỏ tình trạng “trắng” báo Đảng ở một số địa phương, cơ sở. Đặc biệt, để tránh tình trạng ngân sách Đảng dùng mua đặt báo chí bị sử dụng sai mục đích, đồng chí đã cùng tập thể Lãnh đạo Ban kiên trì tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương tiếp tục đẩy mạnh mua và đọc báo, tạp chí của Đảng; giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì việc đặt mua, cấp báo, tạp chí của Đảng tới các đơn vị: đảng bộ bộ phận và chi bộ trực thuộc đảng bộ xã, phường, thị trấn, các tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước, tổ chức cơ sở đảng trong đơn vị sự nghiệp ngoài công lập. Tới nay, việc đọc và làm theo báo Đảng đã trở thành một phong trào sâu rộng, là nhu cầu tự thân của đông đảo cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh, tạo được những chuyển biến tích cực, tăng cường đưa tiếng nói của Đảng, Nhà nước và cung cấp thông tin đến cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, thiết thực góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị các cấp.
Hơn 17 năm gắn bó với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, trưởng thành qua nhiều vị trí từ chuyên viên, Phó trưởng Phòng, Trưởng phòng Tuyên truyền, rồi Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Văn Đông còn đóng góp công sức không nhỏ trong công tác biên tập, phát hành Bản tin Thông báo nội bộ, tài liệu phục vụ sinh hoạt chi bộ hàng tháng. Gắn bó với Bản tin TBNB từ những ngày đó còn là ấn phẩm phô tô khổ nhỏ, không ghim, không bìa với chưa đầy 1000 cuốn/tháng, đến nay đã nâng cấp lên khổ lớn, có bìa in ảnh màu với 24 trang ruột với gần 36 nghìn cuốn/tháng, đồng chí luôn tâm niệm để đưa được lượng thông tin nhiều nhất, chất lượng nhất đến với cán bộ, đảng viên, người cán bộ biên tập phải thực sự rèn luyện được bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông về nghiệp vụ và nhất là phải luôn biết đặt “dấu hỏi” cho mỗi thông tin, sự kiện sẽ đăng tải lên Bản tin.
Song hành với quá trình tái lập và phát triển của tỉnh Hưng Yên, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hưng Yên nói riêng, ngành Tuyên giáo Hưng Yên nói chung từng bước được củng cố, kiện toàn về tổ chức, phát triển về lực lượng và ngày càng khẳng định vững chắc vị trí, vai trò tiên phong trong tham mưu giúp cấp ủy các cấp thực hiện nhiệm vụ công tác tư tưởng chính trị. Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba, hạng Nhì; Chính phủ tặng Cờ. Tập thể cơ quan, chi bộ, công đoàn Ban đã được các ngành chức năng của Trung ương, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh tặng nhiều cờ, bằng khen, giấy khen... Những thành tích ấy, có sự miệt mài cống hiến và đóng góp của đồng chí Nguyễn Văn Đông, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên, người luôn khiêm nhường tự nhủ: “nối Đảng với dân” là điều bình thường mà mỗi cán bộ, đảng viên đều phải làm và có thể làm./.
Hoàng Thị Thanh Mai - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên