(TCTG)- Được sự quan tâm của Trung ương và tỉnh, cùng với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, thị xã Buôn Hồ đã từng bước khắc phục khó khăn, phát huy các tiềm năng, lợi thế, đạt được kết quả khá toàn diện về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, củng cố hệ thống chính trị, xây dựng và phát triển đô thị.
Thị xã Buôn Hồ nằm ở phía Bắc của tỉnh, cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 40km, được thành lập trên cơ sở chia tách từ huyện Krông Buk cũ theo Nghị định 07/NĐ-CP, ngày 23/12/2008 của Chính phủ, với tổng diện tích tự nhiên hơn 28 ngàn ha, dân số trên 98 ngàn người (2010), bao gồm 7 phường, 5 xã. Vị trí địa lý và điều kiện phát triển thuận lợi về mọi mặt đã góp phần đưa thị xã Buôn Hồ trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội tại tiểu vùng phía Bắc của tỉnh.
Từ sau ngày thành lập, được sự quan tâm của Trung ương và tỉnh, cùng với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, thị xã Buôn Hồ đã từng bước khắc phục khó khăn, phát huy các tiềm năng, lợi thế, đạt được kết quả khá toàn diện về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, củng cố hệ thống chính trị, xây dựng và phát triển đô thị.
Tiếp đó, để xây dựng, phát triển thị xã Buôn Hồ trở thành đô thị sinh thái mang bản sắc văn hóa các dân tộc Đắk Lắk - Tây Nguyên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ban hành Nghị quyết 08-NQ/TU về xây dựng, phát triển thị xã Buôn Hồ giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020. Theo đó, tập trung đầu tư xây dựng thị xã Buôn Hồ phát triển toàn diện, trở thành đô thị loại 3 trước năm 2020, với tinh thần: Huy động tối đa sức mạnh tổng hợp của thị xã, đồng thời tiếp tục kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh để xây dựng, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó đầu tư hình thành các khu trung tâm cấp tiểu vùng như trung tâm thương mại, công nghiệp chế biến nông sản, dịch vụ tài chính, vận tải, giáo dục đào tạo, dạy nghề, dịch vụ y tế, du lịch, thể dục thể thao…
Nghị quyết đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trong đó tập trung vào công tác quy hoạch tổng thể, gắn với quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực với tầm nhìn dài hạn, mang đặc trưng của bản sắc văn hóa Đắk Lắk - Tây Nguyên; có cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, huy đông nguồn vốn phát triển; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ, phát triển văn hóa, xã hội, cơ sở hạ tầng… để đến năm 2020, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 77,9 triệu, tỷ lệ hộ nghèo dưới 2%, quy mô dân số khoảng 150 ngàn người, tỷ lệ cây xanh đô thị đạt trên 10m2/người và hình thành khu đô thị hiện đại, mang bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên./.
Lê Minh Thược- BTG Đắk Lắk