Ai cũng biết rằng ở đâu có nước thì ở đó có sự sống. Từ bao đời nay đồng bào các dân tộc vùng cao ở Tây Bắc, Tây Nguyên luôn đi tìm những dòng suối để lập bản, dựng làng, xem nước như là yếu tố tiên quyết để "an cư, lạc nghiệp."
Nước được đồng bào tôn vinh như thần thánh, vì vậy mà hằng năm đồng bào làm Lễ cúng mó nước. Những người dân ở miền đồng bằng Bắc Bộ lập làng cũng chú trọng tìm nguồn nước sạch; khi làm đình là nơi tôn nghiêm thờ thành hoàng của làng người ta xây ao hoặc đào giếng, thả sen vào đó để nước trong sạch cho cả làng dùng làm nước ăn.
Những người dân Nam Bộ trong quá trình đi mở nước luôn phải thích nghi với hệ sinh thái mặn vào mùa khô và ngọt vào mùa mưa nên đã có nhiều cách để trữ nước mưa dùng cho cả năm.
Tìm và bảo vệ nguồn nước đã là lẽ sống còn của con người, do đó nước không còn là của trời cho mà đã trở thành tài nguyên của mỗi quốc gia, là vốn sống của cộng đồng. Có lúc có nơi đã xảy ra chiến tranh giành nguồn nước như ở Trung Đông; và ở trong một tình huống nào đó, nguồn nước có thể bị chính trị hóa, gây ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh quốc gia. Do đó, nhìn theo một nghĩa nào đó, bảo vệ nguồn nước cũng là bảo đảm an ninh quốc gia.
Thực ra vấn đề an ninh nguồn nước đã đặt ra với Việt Nam từ lâu, không phải đợi đến trận hạn mặn lịch sử đã biến thành thiên tai ở Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên hiện nay chúng ta mới nói đến. Bởi vì chúng ta biết rằng, tổng lượng nước mặt trung bình hàng năm của Việt Nam khoảng 830 tỷ m3, được tập trung chủ yếu trên 9 lưu vực sông lớn là: sông Hồng, sông Thái Bình, sông Bằng Giang-Kỳ Cùng, sông Mã, sông Cả, sông Vu Gia-Thu Bồn, sông Ba, sông Đồng Nai và sông Cửu Long nhưng có khoảng 520 tỷ m3 là nguồn nước từ nước ngoài, chỉ có gần 310 tỷ m3 là nguồn nước nội địa.
Riêng sông Mekong dài 5.000 km thì khoảng một nửa chiều dài của sông chảy trong địa phận Trung Quốc với tổng lượng nước khoảng 76 tỷ m3/năm. Theo dự kiến, đến năm 2030, Trung Quốc sẽ có 15 nhà máy thủy điện trên sông Lan Thương (cách Trung Quốc gọi sông Mekong) với tổng dung tích các hồ chứa lên đến 53 tỷ m3 nước, nghĩa là các hồ thủy điện này sẽ chiếm trọn 70% tổng lượng dòng chảy. Như vậy, chuyện hạn mặn sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn đối với khu vực hạ du; đặc biệt Việt Nam ở cuối nguồn sông Mekong nên sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi sự xâm mặn ngày càng sâu vào nội địa làm cho sản xuất và đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.
Nhiều quốc gia trong vùng và các chuyên gia thế giới đã đưa ra các cảnh báo về mức độ ảnh hưởng xấu đến các nước vùng hạ du bởi các con đập thủy điện trên thượng nguồn ở địa phận Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc không tham gia vào Ủy hội sông Mekong nên các con đập thủy điện vẫn sừng sững mọc lên vì quyền lợi quốc gia của Trung Quốc, bất chấp sự lo ngại của các nước trong khu vực.
Vậy chúng ta phải làm gì để vừa thích ứng với một thực tế khó tránh khỏi là hạn và mặn ngày càng nghiêm trọng để bảo đảm an ninh nguồn nước, tránh được các rủi ro biến thành chính trị hóa nguồn nước?
Muốn vậy chúng ta phải chủ động thích nghi với hạn mặn bằng các giải pháp về công trình thủy lợi; cơ cấu lại mùa vụ để né hạn mặn; thay đổi vật nuôi cây trồng để thích ứng với hệ sinh thái mặn, lợ, ngọt; thay đổi phương pháp canh tác để tiết kiệm nước... Đó là các giải pháp mang tính chiến lược của quốc gia và cần nguồn lực lớn để cho các vùng hạn mặn phát triển bền vững, người dân được “an cư, lạc nghiệp.”
Trong quá trình xây dựng đất nước, dân tộc ta đã tạo dựng nên hệ thống đê điều ở đồng bằng Bắc Bộ, tận dụng hệ sinh thái mặn-lợ-ngọt ở vùng đồng bằng và ven biển. Đặc biệt ở Đồng bằng sông Cửu Long những thế kỷ qua, người dân nơi đây đã biến vùng hạn mặn thành một miền trù phú, giàu có của đất nước, trước hết do biết thích nghi, thích ứng để khai thác tính đặc thù của hệ sinh thái hạn mặn, ngọt giữa hai mùa mưa nắng trong năm. Vậy thì tại sao năm nay người dân Đồng bằng sông Cửu Long lại bị thiệt hại nhiều đến thế?
Lý giải vấn đề này chúng ta cần phải đánh giá chính xác hiệu quả của các công trình thủy lợi đã được Nhà nước xây dựng mấy chục năm qua cũng như cần nhìn nhận lại việc phân vùng quy hoạch giữ ngọt, ngăn mặn triệt để xem đã hợp với quy luật tự nhiên chưa; và cuối cùng là nhìn nhận lại vị thế của cây lúa trong vùng ngọt-mặn.
Nhìn lại chương trình ngọt hóa bán đảo Cà Mau đã mang lại một vùng lúa trù phú góp phần quan trọng vào việc giải quyết tình trạng thiếu lương thực của thập niên 1980 và đưa Đồng bằng sông Cửu Long thành một vựa lúa xuất khẩu. Tuy nhiên, khi mà người dân trong vùng quy hoạch mặn đã làm giàu nhờ nuôi tôm thì người trồng lúa vẫn chật vật với bài toán "được mùa rớt giá” khó có thể làm giàu. Thế mới có sự kiện dân Bạc Liêu phá đập Láng Trong lấy nước mặn nuôi tôm, hình thành nên mô hình tôm-lúa vào những năm cuối thế kỷ 20; biến vùng bán đảo Cà Mau thành “mỏ tôm” với rất nhiều “tỷ phú chân đất.”
Cây lúa, con tôm lại cùng nhau phát triển như bao đời nay trên vùng bán đảo lộng gió giữa biển Đông và biển Tây. Tuy nhiên, giữa lúc đi đâu trên vùng bán đảo cũng nghe nói về tôm thì đã có cảnh báo rất lo âu về hệ thống thủy lợi không bảo đảm cho sự sinh trưởng của cây lúa và con tôm trong cùng một môi trường.
Vẫn là thủy lợi, một khi quy hoạch bị phá vỡ, thủy lợi không điều tiết nổi thì mọi cơ cấu, mô hình sản xuất bị phá vỡ; và hậu quả sẽ thêm nặng nề. Con tôm, cây lúa ở bán đảo Cà Mau cũng như các tỉnh ven biển Nam Bộ không phải là mô hình mới nhưng cần phải thích ứng với biến đổi khí hậu và tình hình thời tiết ngày càng cực đoan. Những công trình thủy lợi vĩ đại như cống đập Ba Lai cũng không thể cấp nước ngọt hay cứu hạn cho mọi người dân Bến Tre.
Giải pháp trước mắt cho người dân là xây bể, đào ao trữ nước ngọt vào mùa mưa để có nước sinh hoạt quanh năm, ổn định cuộc sống. Đó chính là bước đi chủ động nhanh nhất, bảo đảm nguồn nước như bao đời nay ở vùng hạn mặn.
Đồng thời, Nhà nước cùng cần có quy hoạch phân vùng sản xuất phù hợp với hệ sinh thái ngọt-lợ-mặn đi cùng với các công trình thủy lợi cho toàn vùng nhằm giữ được nguồn nước mùa mưa, giảm lệ thuộc vào nước của các hệ thống sông bắt nguồn từ nước ngoài nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước./.
Theo VN+