Thứ Ba, 26/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Bảy, 2/4/2016 21:24'(GMT+7)

Phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên

Ngày 2/4, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp nhà nước về "Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên". 

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Phạm Công Tạc đánh giá cao kết quả của chương trình đã có những đóng góp mới về lý luận cũng như thực tiễn trong chiến lược phòng, tránh thiên tai, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên của nước ta. Đồng thời, các nghiên cứu của chương trình trong việc đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo thêm việc làm, tăng doanh thu, giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao sức khoẻ cho cộng đồng... góp phần quan trọng vào sự phát triển nhiều ngành kinh tế trong công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước. Với những kết quả và triển vọng đạt được của chương trình, thời gian tới có thể chuyển nghiên cứu, đề xuất thực hiện chương trình ở giai đoạn đẩy mạnh việc ứng dụng cụ thể hơn, sâu hơn. 

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng - Chủ nhiệm Chương trình, trong quá trình thực hiện chương trình đã tuyển chọn, triển khai thực hiện 34 đề tài, 2 dự án sản xuất thử nghiệm phân bố theo 3 lĩnh vực nghiên cứu là phòng tránh thiên tai (chiếm 50%), bảo vệ môi trường (chiếm 33%) và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên (chiếm 17%). Kết quả, 36 nhiệm vụ của chương trình đã đạt được 4 mục tiêu đề ra gồm: Áp dụng, phát triển và hoàn thiện được các công nghệ dự báo tiên tiến để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm và quản lý rủi ro một số dạng thiên tai nguy hiểm; Ứng dụng có hiệu quả và tạo ra được công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện Việt Nam để xử lý ô nhiễm môi trường, kết hợp với xử lý và tận dụng nguồn thải; Xác lập cơ sở khoa học cho việc nhận dạng đầy đủ và đánh giá đúng vị thế của các dạng tài nguyên thiên nhiên quan trọng, nâng cao hiệu quả khai thác tổng hợp, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế - xã hội; Tạo được các công nghệ, các giải pháp khoa học có tính khả thi và có tính ứng dụng cao. 

Những đề tài xuất sắc, đạt hiệu quả mang tính ứng dụng cao đã được Ban Chủ nhiệm Chương trình lựa chọn để chủ nhiệm đề tài giới thiệu trực tiếp tại buổi tổng kết như: Nghiên cứu tài nguyên nước dưới đất miền tây Nam bộ, giải pháp khai thác, sử dụng hợp lý trong điều kiện hạn hán và xâm nhập mặn; Xây dựng quy trình công nghệ dự báo quỹ đạo và cường độ bão trên khu vực tây bắc Thái Bình Dương và biển Đông hạn 5 ngày; Nghiên cứu đề xuất các tiêu chí và phân vùng khai thác bền vững, bảo vệ tài nguyên nước dưới đất vùng Đồng bằng Bắc Bộ và Đồng bằng Nam Bộ... 

Cũng tại buổi tổng kết chương trình, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng cho rằng: Để chương trình khoa học trọng điểm quốc gia có những đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cần đổi mới các khâu tuyển chọn để có được sản phẩm khoa học có giá trị thiết thực và khả năng ứng dụng thực tiễn cao. Bên cạnh đó, cần có quy định về cơ chế chuyển giao để việc chuyển giao kết quả khoa học của các đề tài cho các đối tượng thụ hưởng một cách dễ dàng và tạo điều kiện cho kết quả nghiên cứu đến với thực tiễn.../. 

TG 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất