Dự báo, đêm 7/11, bão số 6 đổi hướng di chuyển vào đất liền, thời gian bão ảnh hưởng đến đất liền khoảng từ 10-11/11; vùng ảnh hưởng có thể từ Đà Nẵng đến Bình Thuận và cả khu vực miền Đông Nam Bộ.
Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Trường Sơn đề nghị lực lượng Bộ đội Biên phòng làm việc trực tiếp với gia đình của 33 ngư dân thuộc 3 tàu QNg 90503/11 ngư dân, QNg 95028/12 thuyền viên, QNg 90575/10 thuyền viên đang neo 'dù' tại phía Tây Trường Sa chưa liên lạc được để nắm bắt tình hình và có giải pháp đảm bảo an toàn cho phương tiện và ngư dân.
Tại cuộc họp ứng phó với bão số 6, sáng 7/11 tại Hà Nội, ông Nguyễn Trường Sơn đề nghị đối với các ngư dân trên 31 tàu của tỉnh Bình Định, Bộ Ngoại giao tiếp tục có công hàm đề nghị Philippines tạo điều kiện cho các tàu được vào tránh, trú và hỗ trợ cứu nạn khi có yêu cầu.
Đối với các tàu khác phải có thông báo kịp thời để di chuyển, vòng tránh vào nơi neo nậu, tránh trú an toàn.
Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Trường Sơn yêu cầu lực lượng Bộ đội Biên phòng phối hợp với Tổng cục Thủy sản, các địa phương bị ảnh hưởng bão làm tốt công tác sơ tán, di dân tại các khu vực nguy hiểm, chỉ đạo, hướng dẫn tàu neo đậu tại các đảo (tàu nhỏ có thể kéo lên bờ để tránh trú), di chuyển, gia cố lồng bè, người lao động trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản vào nơi an toàn.
"Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 6, kịp thời cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các bộ, ngành, địa phương và công tác tuyên truyền ứng phó với bão. Bên cạnh đó, ban hành bản tin cảnh báo cụ thể đối với tỉnh Bình Định và Phú Yên để có phương án phù hợp khắc phục hậu quả bão số 5 và ứng phó bão số 6," ông Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết bão số 6 chịu tác động của nhiều hình thể chi phối, di chuyển phức tạp với tính chất hoạt động là mạnh nhất khi ở trên biển, vào gần đất liền cường độ giảm dần. Tuy nhiên, các mô hình dự báo bão đang có sự phân tán lớn về cường độ bão khi đổ bộ và thời gian đổ bộ.
Dự báo, đêm 7/11, bão số 6 đổi hướng di chuyển về đất liền, thời gian bão ảnh hưởng đến đất liền khoảng từ 10-11/11; vùng ảnh hưởng có thể từ Đà Nẵng đến Bình Thuận và cả khu vực miền Đông Nam Bộ.
Tuy vậy, theo kịch bản tính toán, nếu bão số 6 đi vào khu vực Quảng Ngãi-Khánh Hòa thì từ ngày 9-12/11, khu vực Đà Nẵng-Khánh Hòa và Tây Nguyên có mưa khoảng 200-300mm (tình hình mưa cụ thể sẽ được cập nhật khi bão chính thức đổi hướng vào đất liền trước 72 giờ).
Theo báo cáo, tính đến 6 giờ ngày 7/11, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 47.330 phương tiện/243.063 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão, trong đó hoạt động trong khu vực giữa Biển Đông là 136 tàu/3.109 người; hoạt động ven bờ, các vùng biển khác và neo tại bến là 47.194 tàu/239.954 người; có 100.764 lồng bè nuôi trồng thủy sản/11.216 người.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên cho biết liên quan đến sự cố sạt lở kè biển Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã công bố tình huống khẩn cấp, huy động lực lượng tiến hành đắp bao cát, gia cố tạm đoạn kè bị sạt lở, hư hỏng. Sự cố sạt mái tuyến đê Đông, huyện Tuy Phước dài 127m đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ và xử lý sự cố.
Tính đến thời điểm này, hiện còn 11 vị trí đê kè biển xung yếu, cần quan tâm (Quảng Nam 2, Quảng Ngãi 2, Bình Định 2, Khánh Hòa 3, Ninh Thuận 2); có 2 tuyến kè biển đang thi công (Quảng Ngãi 1, Ninh Thuận 1)./.
Theo TTXVN