Chủ Nhật, 3/11/2024
Xã hội
Thứ Hai, 27/6/2022 16:18'(GMT+7)

Đảm bảo hiệu quả công tác an toàn giao thông

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Năm 2021, TNGT cả nước tiếp tục giảm sâu cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Số liệu thống kê cho thấy TNGT tiếp tục được kéo giảm trên cả ba tiêu chí. Đặc biệt, nếu năm 2010, TNGT làm chết gần 11.500 người, thì năm 2021 số người chết do TNGT đã giảm xuống mức 6.000 người (giảm gần 50%). Đó là nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, sự quan tâm giám sát của Quốc hội, sự vào cuộc của Chính phủ và cả hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, từ tháng 5 đến hết tháng 9/2021, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 nên nhu cầu và số lượng phương tiện tham gia giao thông giảm đáng kể. Việc tổ chức nhiều chốt kiểm dịch trên các tuyến giao thông với sự có mặt của các lực lượng chức năng đặc biệt là lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông đã góp phần tích cực trong việc tổ chức, hướng dẫn người dân tham gia giao thông an toàn.

Tuy nhiên, cho dù TNGT giảm rất sâu, nhưng số người chết và bị thương vẫn còn cao. một số địa phương, TNGT có giảm nhưng chưa tương xứng với mức giảm về lưu lượng và mật độ tham gia giao thông, cá biệt một vài địa phương lưu lượng giao thông giảm nhưng TNGT năm 2021 vẫn tăng cao so với năm 2020.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, dịch COVID-19 được kiểm soát, các hoạt động kinh tế xã hội phục hồi trở lại, hoạt động giao thông vận tải gia tăng nhanh chóng, đã xảy ra một số vụ TNGT nghiêm trọng mà nguyên nhân chủ yếu do các hành vi vi phạm quy định về giao thông. Đó là, lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn (tại Bắc Giang, Đà Nẵng), vi phạm quy định về tốc độ, đi sai phần đường, làn đường (tại Quốc lộ 5, đường Hồ Chí Minh), một số vụ TNGT gây hậu quả lớn do không có và không thắt dây bảo hiểm (tại Ninh Bình), trẻ em đi xe mô tô khi chưa đủ tuổi (tại Đắc Lắk), xe quá tải (tại Hòa Bình)... Vì vậy, không thể chủ quan khi thấy số liệu TNGT giảm.

Có được kết quả trên là do cả hệ thống chính trị đã kiên trì thực hiện các giải pháp toàn diện, đặc biệt là việc liên tục hoàn thiện thể chế để tạo sự chuyển biến tổng thể và bền vững. Ban Bí thư ban hành có Chỉ thị số 18 -CT/TW ngày 4/9/2012 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; Chính phủ ban hành Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 23/8/2011 về “Tăng cường thực hiện những giải pháp pháp cấp bách về bảo đảm TTATGT với những giải pháp đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông”, Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19/2/2019 về “Tăng cường bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 - 2021”, Nghị quyết 48/NQ-CP ngày 5/4/2022 về “Tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025”, Chiến lược an toàn giao giao thông đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chiến lược Quốc gia bảo đảm TTATGT đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn tới 2045… Các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông vận tải, pháp luật và thực thi pháp luật về bảo đảm TTATGT ngày càng hoàn thiện và nhận được sự ủng hộ của người dân.

Là một thành viên có trách nhiệm của Liên hiệp quốc, Việt Nam luôn tích cực, chủ động tham gia xây dựng và thực hiện những chương trình, nghị quyết và sáng kiến của Liên hiệp quốc. Cùng với các nghị quyết về ATGT đường bộ của Liên hiệp quốc, Đảng và Nhà nước ta cũng có những chủ trương, chính sách và cụ thể hoá bằng những chương trình hành động thiết thực, cụ thể từ Trung ương đến địa phương.

Việt Nam đã và đang có quyết tâm chính trị rất cao trong việc nỗ lực kéo giảm TNGT, nỗ lực thực hiện thành công những mục tiêu của “Thập kỷ hành động vì ATGT đường bộ 2011-2020” mà Liên hiệp quốc đã xác định trong Nghị quyết số 64/255 ngày 10/5/2010 về cải thiện an toàn giao thông đường bộ toàn cầu và kế hoạch hành động của Việt Nam. Nghị quyết 64/255 xác định “người tham gia giao thông” là một trong 5 nhóm giải pháp quan trọng (quản lý ATGT, hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông, người tham gia giao thông và xử lý sau tai nạn).

Trong Nghị quyết 74 và Kế hoạch hành động toàn cầu Thập kỷ ATGT đường bộ 2021 - 2030 ngày 28/10/2021 của Liên hiệp quốc đã nhiều nội dung mới, lấy con người là trung tâm trong hệ thống ATGT. Mục tiêu của Nghị quyết 74 vì sức khoẻ và sinh mạng con người, được đặt ra cho 5 nhóm giải pháp. Điểm mới thứ hai trong Nghị quyết lần này là không tách quản lý ATGT (xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật) thành một nhóm giải pháp mà xác định xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật là nền tảng để đảm bảo thực hiện tốt cả 5 nhóm giải pháp. Đặc biệt, nhóm giải pháp hoàn toàn mới được đề xuất trong Nghị quyết lần này đó là “vận tải đa phương thức và quy hoạch sử dụng đất”. Trong Nghị quyết 12 ngày 19/2/2019 của Chính phủ cũng xác định 2 nhóm giải pháp “Quản lý quy hoạch và thực hiện quy hoạch sử dụng đất” và “Tái cơ cấu thị phần và kết nối các phương thức vận tải”. Như vậy, những giải pháp mà chúng ta đang thực hiện trong thời gian qua rất tương đồng với những định hướng mới của Liên hiệp quốc.

Đồng thời, Việt Nam đã thẳng thắn ghi nhận những tồn tại hạn chế trong hệ thống chính sách, pháp luật cũng như trong công tác quản lý nhà nước về kết cấu hạ tầng, phương tiện, vận tải; trong tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm cũng như trong tuyên truyền, phố biến, giáo dục quy định pháp luật và xây dựng văn hoá giao thông. Những hạn chế này khiến TTATGT vẫn diễn biến phức tạp, con số thương vong do TNGT gây ra vẫn còn cao; ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đô thị lớn chưa được khắc phục, thậm chí có xu hướng gia tăng.

Công tác bảo đảm ATGT năm 2022 và những năm tiếp theo hướng đến thực hiện 4 mục tiêu: (1) Xây dựng văn hóa giao thông an toàn; (2) Giảm thương vong TNGT từ 5-10% mỗi năm; (3) Khắc phục ùn tắc giao thông; (4) Không để bùng phát dịch bệnh trong giao thông vận tải. Trong đó, “xây dựng văn hoá giao thông an toàn” vừa là mục tiêu, vừa là động lực chính để chúng ta thực hiện những mục tiêu còn lại.

Trong xây dựng văn hoá giao thông, với cách tiếp cận hệ thống hiao thông an toàn, cần phải đảm bảo sự an toàn trong tất cả các thành phần của hệ thống: kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện và người tham gia giao thông.

Vì vậy, xây dựng văn hoá giao thông theo nghĩa rộng chính là xây dựng những chuẩn mực phổ quát về ATGT mà mỗi người trong xã hội đều thừa nhận, mong muốn có được và thể hiện bằng hành động của mình khi xây dựng và thực thi pháp luật về giao thông; trong quy hoạch, thiết kế, xây dựng và khai thác các công trình kết cấu hạ tầng giao thông; trong thiết kế, chế tạo và vận hành các phương tiện giao thông và trong khi tham gia giao thông.

Để tạo đột phá trong các giải pháp trên, việc ứng dụng công nghệ là một đòi hỏi cấp thiết đặt ra từ thực tế. Việc đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ trong tất cả 8 nhóm nhiệm vụ của công tác bảo đảm ATGT, đặc biệt là trong quản lý, tổ chức, điều hành giao thông vận tải và trong giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm về ATGT, giáo dục tuyên truyền, ứng phó xử lý sự cố... Chắc chắn rằng, khi thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nêu trên, sẽ giúp nâng cao kết quả và hiệu quả của công tác bảo đảm TTATGT trong thời gian tới.

Trần Hữu Minh
Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất