Thứ Hai, 7/10/2024
Sức khỏe
Thứ Bảy, 26/7/2008 7:30'(GMT+7)

Đảm bảo lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, việc xác lập lộ trình BHYT đến năm 2014 phù hợp với việc điều chỉnh cơ chế ngân sách nhà nước từ cấp trực tiếp cho cơ sở y tế sang hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng thông qua việc Nhà nước mua BHYT hoặc hỗ trợ mua BHYT cho các đối tượng ưu tiên.

Ngoài ra, cần có thời gian để tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức cho người dân hiểu và tham gia BHYT, chuẩn bị cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe (CSSK) của nhân dân.

Việc quy định lộ trình thực hiện BHYT toàn dân sẽ định ra những mục tiêu cụ thể để bố trí ngân sách trong từng giai đoạn, triển khai các giải pháp thực hiện BHYT, mở rộng cơ sở y tế để đáp ứng nhu cầu CSSK nhân dân.

Bà Trương Thị Mai cho biết, những chính sách BHYT trong dự án Luật BHYT mang tính chiến lược đối với công tác CSSK nhân dân và việc xác định lộ trình BHYT toàn dân vào năm 2014 thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước về chính sách an sinh xã hội.

Thực tế trong những năm vừa qua, chúng ta đã triển khai BHYT cho 21 trong 24 nhóm đối tượng quy định tại Điều 13, Dự án Luật BHYT. Vì vậy, Ủy ban Các vấn đề xã hội đã đề nghị Quốc hội nhất trí với Chính phủ về việc quy định lộ trình thực hiện BHYT vào năm 2014 như quy định của dự thảo Luật BHYT.

Đa số ý kiến nhất trí với báo cáo giải trình và tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật BHYT của Ủy ban Các vấn đề xã hội.

Về vấn đề cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh BHYT, Ủy ban Các vấn đề xã hội cho rằng, thực hiện cùng chi trả chính là giải pháp để người tham gia BHYT cùng kiểm soát mức chi phí khám, chữa bệnh, đồng thời hạn chế tình trạng lạm dụng quỹ và góp phần giữ cân đối Quỹ BHYT.

Đây cũng là biện pháp mà đa số các quốc gia đang áp dụng. Riêng các đối tượng ưu đãi được quy định miễn cùng chi trả hoặc cùng chi trả với mức độ thấp hơn. Vì vậy, cần thiết phải quy định việc cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

Vấn đề đa dạng hóa các loại hình BHYT cũng được tập trung thảo luận. Một số ý kiến đề nghị trong luật nên quy định cơ chế để có nhiều loại hình BHYT nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của các đối tượng có thu nhập khác nhau, phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội hiện nay.

Theo bà Trương Thị Mai, Luật kinh doanh bảo hiểm đã cho phép thực hiện các loại hình bảo hiểm thương mại, trong đó có bảo hiểm y tế thương mại. Nếu các đối tượng có nhu cầu tham gia bảo hiểm y tế với mức tham gia cao và mức hưởng cao thì loại hình bảo hiểm y tế thương mại là phù hợp.

Với mục tiêu thực hiện chính sách BHYT toàn dân và xem BHYT là chính sách xã hội, dự án Luật BHYT không điều chỉnh bảo hiểm y tế thương mại mà chỉ điều chỉnh loại hình BHYT không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện và Quỹ bảo hiểm y tế được Nhà nước bảo hộ./.

(Cổng Thông tin điện tử Chính phủ)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất