Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố như vậy tại cuộc gặp với Bộ trưởng tài
chính và Thống đốc ngân hàng trung ương các nước G-20 đang nhóm họp tại Mátxcơva
ngày 15/2.
Nhà lãnh đạo Nga cho rằng thách thức chính đối với G-20 hiện nay là việc
chuyển từ các biện pháp chống khủng hoảng ngắn hạn sang các nhiệm vụ dài hạn.
Ông nhấn mạnh các biện pháp G-20 đã thông qua đã có tác động tới tình hình kinh
tế thế giới và cho phép thông qua các biện pháp phối hợp như hạn chế bảo hộ mậu
dịch, thúc đẩy đàm phán thương mại, các quy tắc điều chỉnh tài chính mới, khởi
động cải cách các tổ chức tài chính quốc tế.
Hiện nay thách thức lớn nhất là G-20 có thể vạch ra các chính sách đưa kinh
tế toàn cầu thoát khỏi trì trệ và bất ổn tiến tới tăng trưởng bền vững hay
không.
Tổng thống Putin nêu những ưu tiên của Nga trong nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên
G-20 lần này của Nga gồm thu hút đầu tư, nâng cao tính minh bạch và điều chỉnh
hiệu quả, đồng thời cho rằng những ưu tiên này sẽ giúp thống nhất tất cả các
hướng hoạt động của G-20 để giải quyết các nhiệm vụ đề ra.
Trong khuôn khổ những ưu tiên trên, Nga đề nghị G-20 thảo luận các vấn đề
phát triển thị trường vốn và công cụ tài trợ đầu tư, thương mại thế giới cũng
như vấn đề điều chỉnh khu vực tài chính và cơ sở hạ tầng tài chính ở cấp quốc
gia cũng như toàn cầu. Ngoài ra, một vấn đề cũng sẽ được quan tâm đặc biệt là
tạo việc làm, trong đó có việc làm đối với các tầng lớp dân cư dễ bị tổn thương.
Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi bày tỏ tin
tưởng nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên G-20 của Nga sẽ thúc đẩy hồi phục tăng trưởng
kinh tế và tạo điều kiện thuận lợi trong nền kinh tế thế giới.
Còn Tổng Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristin Lagard cho rằng
khả năng của Tổng thống Putin huy động mọi lực lượng sẽ góp phần đảm bảo cho sự
phát triển thành công của G-20.
Một trong các nội dung chính cuộc họp Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân
hàng trung ương các nước G-20 kéo dài hai ngày này tại Mátxcơva là tái đảm bảo
với các thị trường rằng các cường quốc kinh tế thế giới sẽ không phát động một
cuộc chiến tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.
Các nhà hoạch định chính sách kinh tế thế giới cần tìm ra các giải pháp thúc
đẩy tăng trưởng mà không phải viện tới các công cụ có thể gây rối loạn thị
trường hoặc hủy hoại sự điều phối tài chính quốc tế./.
(Theo TTXVN)