Theo đánh giá của các chiến lược gia, thời gian tiến hành vụ thử có vẻ
như được Triều Tiên tính toán kỹ lưỡng nhằm thu hút sự chú ý của dư luận quốc
tế. Nó được tiến hành ngay trước khi Tổng thống Mỹ Obama (đối thủ chính của
Triều Tiên) có bài phát biểu liên bang bắt đầu nhiệm kỳ hai.
Trên phạm vi chiến lược, những động thái của các cường quốc chủ yếu như: Nga,
Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… trước thềm năm mới 2013 đều đã thể hiện chính sách
theo xu hướng “ưu tiên đối nội, ổn định đối ngoại”. Khiến điều đó được kỳ vọng
là sự phản ứng quốc tế tuy rất găy gắt nhưng khó có thể vượt qua giới hạn mà khả
năng Triều Tiên có thể đối phó được.
Đặc biệt vụ thử hạt nhân lần này đã trực tiếp đặt ra thách thức lớn về ngoại
giao và an ninh đối với cả hai ông Obama và Tập Cận Bình – một bên là đối thủ,
một bên là đồng minh thân cận.
Paik Hak-Soon, một chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Sejong tại Seoul, cho
rằng ông Kim Jong-un định gây ra một cuộc khủng hoảng mà từ đó buộc cộng đồng
quốc tế phải thỏa hiệp theo những điều khoản mà ông đưa ra.
Được biết hồi tháng 4 năm ngoái, chính phủ Triều Tiên cũng đã sửa đổi hiến
pháp để chính thức định nghĩa nước này là một “quốc gia có vũ khí hạt nhân”.
Cùng với việc phóng thành công tên lửa mang vệ tinh năm ngoái và thử hạt nhân
năm nay là bằng chứng cho thấy sức mạnh của Triều Tiên đã được tăng cường đáng
kể, và lần này Bình Nhưỡng có thêm cơ sở để khẳng định quyền được thực hiện các
vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân vì mục đích hòa bình.
Công nghệ và sức mạnh
Triều Tiên đã thông báo rằng cuộc thử hạt nhân lần này là mạnh nhất từ trước
đến nay, và là một bước đột phá, sử dụng “một bom hạt nhân thu nhỏ và nhẹ hơn”.
Đây cũng là hành động phản kháng đối với các thế lực lớn trên thế giới.
Triều Tiên cũng cho biết: “Vụ thử hạt nhân được thực hiện ở một mức an toàn
và hoàn hảo với thiết bị thu nhỏ nhưng có sức công phá lớn hơn so với trước đây
và không gây ra bất kỳ tác động tiêu cực nào đến môi trường sinh thái xung
quanh”.
Về mặt kỹ thuật, cùng với khía cạnh thu nhỏ thiết bị hạt nhân, giới chuyên
gia đang dự đoán rất có thể Triều Tiên đã chuyển sang chương trình hạt nhân mới,
theo đó urani được sử dụng trực tiếp, cuộc thử nghiệm cũng là dấu hiệu chứng tỏ
sức mạnh dân tộc của Triều Tiên trước sự de dọa của các cường quốc.
Tuy tuyên bố của KCNA không nói rõ loại nguyên liệu phân hạch được sử dụng,
song nhấn mạnh thành công của vụ thử đã tạo cho Triều Tiên khả năng hạt nhân “đa
dạng”, vì Triều Tiên đã có một lượng khá lớn trữ lượng quặng urani và họ dễ dàng
che giấu việc làm giàu urani hơn, bởi urani có thể được làm giàu bằng các máy ly
tâm, chứ không cần lò phản ứng giống như làm giàu pluton.
Vì thế, tuyên bố về việc thu nhỏ thiết bị hạt nhân của Triều Tiên cũng sẽ là
mối lo ngại đặc biệt đối với cộng đồng quốc tế, cho thấy nước này đang tiến được
một bước gần hơn tới đích phát triển được một đầu đạn hạt nhân gắn vào tên lửa
đạn đạo.
Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc vụ nổ lần này đã tạo ra được 6- 7
kiloton, lớn hơn rất nhiều so với hai vụ thử hạt nhân sử dụng pluton năm 2006
(1kiloton) và 2009 (2-6 kiloton). Trong khi bom nguyên tử đầu tiên của Mỹ thả
xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945 tương đương với 15 kiloton.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản - ông Itsunori Onodera cho biết Tokyo “không
thể loại trừ khả năng” Triều Tiên đã thành công trong việc phát triển đầu đạn
hạt nhân thu nhỏ có thể gắn vào tên lửa.
Cuộc thử nghiệm thứ 3 này đã có thể cho phép Triều Tiên ngăn chặn một cuộc
tấn công từ Mỹ và các đồng minh. Mỹ hiện có 28.000 quân đóng ở Hàn Quốc và các
mối quan hệ liên minh giữa hai nước vẫn mạnh mẽ dưới chính quyền của bà Park
Geun-hye.
Sự phản ứng gay gắt hơn
Hội đồng Bảo an LHQ lên án mạnh mẽ vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời
cho biết sẽ sớm đưa ra các biện pháp trừng phạt thích hợp. Trong khi đó, bộ ba
Mỹ - Nhật - Hàn cùng cảnh báo sẽ phản ứng mạnh tay với Bình Nhưỡng.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bày tỏ quan ngại động thái này có thể đẩy an
ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào một nguy cơ đe dọa nghiêm trọng. Ông
Obama nhấn mạnh, vụ thử hạt nhân của Triều Tiên là một “hành động khiêu khích
cao độ, đe dọa đến an ninh, ổn định ở khu vực” và khẳng định nước Mỹ sẽ tiếp tục
thực hiện các biện pháp cần thiết để phòng vệ và bảo vệ các đồng minh Hàn Quốc
và Nhật Bản.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bày tỏ “phản đối kịch liệt” đối với vụ thử.
“Chúng tôi kịch liệt kêu gọi Triều Tiên tôn trọng cam kết phi hạt nhân của mình
và không có bất kỳ hành động nào làm xấu thêm tình hình”, “Chính phủ Trung Quốc
cũng kêu gọi tất cả các bên phản ứng bình tĩnh, giải quyết vấn đề phi hạt nhân
trên bán đảo Triều Tiên thông qua đối thoại và thảo luận trong khung làm việc
của bàn đàm phán sáu bên”.
Theo AFP, Nga, Đức, Australia cũng lên án việc Triều Tiên thử hạt nhân. Thủ
tướng Julia Gillard cho rằng Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần 3 đã cho
thấy rõ “tham vọng hạt nhân” của nước này. Còn Đức đã triệu Đại sứ Triều Tiên
đến để bày tỏ sự phản đối về vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố ông có ý định yêu cầu Mỹ đưa Triều
Tiên trở lại danh sách các nước hỗ trợ khủng bố và tăng cường trừng phạt tài
chính sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân hôm 12-2 bất chấp phản đối
của cộng đồng quốc tế.
Bộ Ngoại giao các nước Đông Nam Á: Malaysia, Singapore… cũng bày tỏ lấy làm
tiếc và coi đó là sự vi phạm trực tiếp Nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, đồng
thời kêu gọi Bình Nhưỡng thực hiện đầy đủ các nghị quyết Nghị quyết 1718 (2006),
1874 (2009) và 2087 (2013).
Theo đánh giá của giới phân tích “Vụ phóng tên lửa năm ngoái và vụ thử hạt
nhân năm nay là bằng chứng rõ ràng cho thấy chính quyền của ông Kim Jong-un
không có ý định đàm phán từ bỏ chương trình hạt nhân của Triều Tiên trong nay
mai”.
Như vậy, với tham vọng gia nhập hàng ngũ các cường quốc hạt nhân, Triều Tiên
đã chọn thời điểm có lợi nhất cho việc thử hạt nhân lần ba nhằm né tránh tối đa
sự phản ứng của các nước lớn và cộng đồng quốc tế. Vì thế, theo các nhà phân
tích những cái được và mất trong lần thử này đã được Triều Tiên tính toán cẩn
trọng.