Chủ Nhật, 22/9/2024
Thế giới
Thứ Sáu, 15/2/2013 16:38'(GMT+7)

Chưa thấy dấu vết bụi phóng xạ từ vụ thử hạt nhân ngầm của Triều Tiên

Đài truyền hình Hàn Quốc đưa tin về vụ thử hạt nhân lần thứ 3 của Triều Tiên (ảnh: THX)

Đài truyền hình Hàn Quốc đưa tin về vụ thử hạt nhân lần thứ 3 của Triều Tiên (ảnh: THX)

Vụ thử của Triều Tiên khiến các chuyên gia tiến hành ngay lập tức việc thu thập và phân tích bất kỳ dữ liệu bụi phóng xạ nào khả dĩ cung cấp manh mối quan trọng về bản chất của vụ thử và tiến trình của chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Trong khi các số liệu địa chấn có thể giúp xác định khu vực thực hiện vụ nổ ước tính khoảng 6-7 kiloton dưới lòng đất– thì dao động chính của các đồng vị phóng xạ hiếm có thể giúp xác định được dạng nguyên liệu phân hạch được sử dụng trong vụ thử.

Việc tìm kiếm các chất đồng vị xác định – đặc biệt là khí xe-non , sẽ giúp các chuyên gia xác định chất plutonium hay uranium đã được sử dụng trong vụ thử này.

Các chuyên gia khoa học của Hàn Quốc đặc biệt lưu ý tới việc hình thành giả thuyết liệu CHDCND Triều Tiên có chuyển nguyên liệu từ chất plutonium – chất được sử dụng trong hai vụ thử hồi năm 2006 và 2009 – sang một loại uranium mới và được làm giàu cao để sử dụng trong chương trình tự chế tạo vũ khí hạt nhân của nước này hay không.

Theo Uỷ ban an ninh và an toàn hạt nhân quốc gia Hàn Quốc cho hay hôm qua, cơ quan này đã phân tích tám mẫu không khí được các tàu hải quân và máy bay chiến đấu có trang bị các thiết bị phát hiện độ nhạy cao thu thập.

Trong thông cáo, Uỷ ban này cho biết: “Hai ngày kể từ vụ thử của CHDCND Triều Tiên, cho đến 15 giờ chiều thứ năm, Uỷ ban đã phân tích tám mẫu không khí, tuy nhiên không có đồng vị phóng xạ nào được tìm thấy”.

Khi mà chất đồng vị không ổn định xe-non -133m, một loại chất cần thiết để xác định được loại nguyên liệu phân hạch, chỉ có khả năng tồn tại trong vòng hai ngày, nỗ lực phát hiện chất này đang vào giai đoạn gấp rút.

Mặc dù vậy, cho đến nay Uỷ ban này cho hay chất xe-non chưa được tìm thấy.

Theo các chuyên gia, nếu vụ thử ngầm được bao bọc kỹ, sẽ có rất ít hoặc không có khả năng rò rỉ chất phóng xạ ra ngoài không khí.

Nhưng nếu trong trường hợp có một số chất khí thoát ra ngoài, các nhà khoa học nhấn mạnh rằng khả năng thu thập được những khí này là rất lớn. Điều này đã từng xảy ra trong vụ thử hạt nhân ngầm hồi năm 2009 của Triều Tiên, sau đó chất khí xe-non đã được tìm thấy .

Cùng với các máy dò quân sự, Uỷ ban này cho biết hiện 122 thiết bị thu thập và xử lý tự động trên khắp Hàn Quốc vẫn tiếp tục thu nhận và phân tích các mẫu không khí. Uỷ ban an ninh và an toàn hạt nhân quốc gia Hàn Quốc cũng cung cấp thông tin rằng một số quốc gia đã phát hiện ra cơn địa chấn gây ra do vụ thử tại khu vực Punggye-ri ở đông bắc Triều Tiên.

Cũng trong hôm thứ năm, Bộ Bảo vệ Môi trường của Trung Quốc thông báo, tính đến 11 giờ sáng ngày 14-2, không có phát hiện chất đồng vị phóng xạ nhân tạo nào tại khu vực đông bắc nước này.

Ngay sau khi CHDCND Triều Tiên công bố vụ thử hạt nhân ngầm, Bộ này đã triển khai các trạm kiểm soát tự động chất phóng xạ ở các khu vực có chung đường biên giới với CHDCND Triều Tiên để tìm kiếm chất phóng xạ và đánh giá tác động môi trường ở các khu vực này. Hai tỉnh đông bắc Trung Quốc có chung đường biên giới với CHDCND Triều Tiên là Jilin và Liaoning. Kết quả phân tích từ 25 trạm tại hai tỉnh này cho thấy sự bức xạ vẫn ở mức bình thường.

Hơn 150 trạm kiểm soát phóng xạ khắp Trung Quốc cũng tiến hành kiểm tra môi trường và các số liệu thu thập được tại tất cả các khu vực sẽ được công bố hàng ngày.

Lên án và trả đũa

Trong mấy ngày nay, các quốc gia tham gia đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên liên tục liên lạc trao đổi và tham vấn lẫn nhau để kiểm soát tình hình căng thẳng leo thang hiện tại trên bán đảo Triều Tiên.

Trong một nỗ lực công khai thể hiện sức mạnh quân sự của mình, hôm qua Bộ Quốc Phòng Hàn Quốc đã công bố một đoạn phim giới thiệu một loại tên lửa hành trình mới có khả năng nhắm tới các mục tiêu chính xác tại Bắc Triều Tiên.

Thiếu tướng Ryu Young-Jeo cho hay tại một cuộc họp báo đặc biệt: “Với loại tên lửa này, chúng ta có thể tấn công bất kỳ cơ sở, thiết bị hay các mục tiêu cá nhân nào tại bất cứ đâu ở Bắc Triều Tiên, vào bất kỳ thời điểm nào theo sự lựa chọn của chúng ta”.

Còn người phát ngôn Bộ Quốc Phòng Hàn Quốc Kim Min-Seok nói loại tên lửa này đủ chính xác tới tận mục tiêu là “cửa sổ Sở chỉ huy của CHDCND Triều Tiên”.

Ông Kim nói: Loại tên lửa mới này có “sức mạnh công phá huỷ diệt” có thể “ngăn chặn các hoạt động của các cơ quan đầu não của kẻ thù” trong chiến tranh.

Một ngày sau khi CHDCND Triều Tiên công bố thử thành công hạt nhân dưới lòng đất, Hàn Quốc tuyên bố sẽ đẩy nhanh việc phát triển các loại tên lửa đạn đạo tầm xa hơn mà có thể đưa toàn bộ CHDCND Triều Tiên vào tầm ngắm.

Tổng thống sắp mãn nhiệm Hàn Quốc Lee Myung-bak ngay lập tức đã lần lượt thực hiện các cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhằm thảo luận các phương án đối phó với Triều Tiêu. Các bên cam kết sẽ cùng đối phó mọi đe dọa từ Triều Tiên và đồng thời hợp tác với Trung Quốc về vấn đề này. Tổng thống Mỹ Obama khẳng định sẽ kiên quyết bảo vệ Seoul thông qua các cam kết quốc phòng và mở rộng "ô hạt nhân", đồng thời cho biết sẽ xem xét thêm các biện pháp cấm vận Triều Tiên.

Trong khi đó, Quốc hội Hàn Quốc cũng thông qua một nghị quyết lên án vụ thử hạt nhân này.

Theo hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong ngày thứ năm đã có 20 phút điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama về cách thức trừng phạt CHDCND Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân.

Thông cáo của Nhà Trắng nói rõ: “Hai nhà lãnh đạo cam kết hợp tác chặt chẽ để tìm kiếm một hành động mạnh mẽ tại Hội đồng bảo an LHQ và sẽ phối hợp trong các biện pháp nhằm ngăn chặn chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của CHDCND Triều Tiên”.

Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì cũng có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov để trao đổi quan điểm về tình hình hiện tại trên bán đảo Triều Tiên và nhất trí giữ liên lạc chặt chẽ về vấn đề này.

Trong lúc đó, chính phủ Australia cũng quyết định hoãn chuyến thăm của các nhà ngoại giao CHDCND Triều Tiên tới Australia vào tuần này để tìm kiếm khả năng mở lại Đại sứ quán Triều Tiên tại Canberra.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Bob Carr nói rằng nước này vẫn có kế hoạch mở cửa lại Đại sứ quán Triều Tiên do “sự hiện diện ngoại giao của CHDCND Triều Tiên tại đây vẫn có giá trị”.

T.T 
(Nguồn: THX, BBC và Yonhap
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất