Thứ Năm, 3/10/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 24/5/2010 21:53'(GMT+7)

Đảm bảo tổ chức kỳ thi an toàn, khách quan, công bằng và chính xác, đánh giá sát chất lượng dạy học

 

 Nội dung công điện nêu rõ:

1. Tiếp tục phát huy kết quả đạt được từ việc thực hiện Chỉ thị số 33, năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực, khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục và triển khai cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, đảm bảo tổ chức kỳ thi an toàn, khách quan, công bằng và chính xác, đánh giá sát chất lượng dạy học.

2. Đảm bảo kỷ cương trường thi, thực hiện đúng Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông và các công văn chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ trong tất cả các khâu của kỳ thi; tích cực ngăn chặn, phòng ngừa tiêu cực trong thi cử; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm quy chế thi của các tổ chức, cá nhân tham gia kỳ thi. Thường trực Ban chỉ đạo thi phổ thông Trung ương và Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh trực tiếp kiểm tra tất cả các khâu tổ chức thi và chỉ đạo cụ thể về việc thực hiện các yêu cầu theo Quy chế thi.

3. Tích cực chuẩn bị các điều kiện để tổ chức kỳ thi chặt chẽ, nghiêm túc, an toàn.

Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh cần tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức thi, đề ra các giải pháp thực tế và khả thi, đảm bảo tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2010 tại địa phương đúng kế hoạch, đúng quy chế; tích cực chuẩn bị phương án dự phòng, kịp thời ứng phó với các hiện tượng bất thường do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, cháy nổ, mất điện, ... hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng tới kỳ thi; chỉ đạo cơ quan quản lí lưới điện của địa phương, ưu tiên đảm bảo lưới điện tại những nơi có hội đồng thi làm việc trong thời gian diễn ra kỳ thi; chỉ đạo các cơ quan truyền thông cần trao đổi kỹ với các cơ quan có trách nhiệm trước khi cho đăng tải các thông tin liên quan đến đề thi như: lộ đề, đề có sai sót… (nếu có). Trong đó, đặc biệt lưu ý chỉ đạo xây dựng và thực hiện kế hoạch huy động các nhà trường phối hợp với các lực lượng xã hội và phụ huynh học sinh đảm bảo an toàn về đi lại, đề phòng tai nạn giao thông ở các địa bàn phức tạp như vùng lũ, vùng sông nước, đồi núi hiểm trở; đáp ứng việc ăn, nghỉ, đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với thí sinh ở xa và có nhu cầu khi tham gia thi tại các Hội đồng coi thi trong mỗi cụm thi ở địa phương, tạo điều kiện tối đa cho thí sinh dự thi theo cụm, không để xảy ra tình trạng bỏ thi vì phải đi lại quá xa hoặc vì điều kiện ăn ở sinh hoạt, v.v...

Các sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm tham mưu cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm tham mưu cho Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) chỉ đạo các ban, ngành đoàn thể có liên quan, Uỷ ban nhân dân các cấp phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỳ thi tại địa phương; xây dựng kế hoạch tổng thể bố trí các Hội đồng in sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo; xây dựng phương án thực hiện việc coi thi theo cụm, phương án bàn giao bài thi tự luận cho địa phương khác chấm, phương án xử lý kết quả thi đảm bảo đúng quy chế và tuyệt đối an toàn, không để xảy ra sai sót; xây dựng phương án dự phòng để kịp thời ứng phó với các tình huống đột xuất có thể xảy ra và phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn, bảo mật cho toàn bộ quy trình thực hiện các khâu của kỳ thi; chú trọng quán triệt quy chế thi và các văn bản chỉ đạo tổ chức thi đối với cán bộ, giáo viên và thí sinh; hướng dẫn thí sinh đăng ký dự thi tiếp tục ôn tập để có kiến thức, kỹ năng và tâm thế trước khi bước vào kỳ thi.

4. Công tác huy động cán bộ, giảng viên của các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng tham gia các đoàn thanh tra của Bộ đến 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) cần được gấp rút triển khai. Các đơn vị khối đại học, cao đẳng có cán bộ, giảng viên tham gia các đoàn thanh tra của Bộ tại các tỉnh theo sự điều động của Bộ cần phải tập huấn kỹ về quy chế, nghiệp vụ và quán triệt tinh thần trách nhiệm cho mỗi cán bộ, giảng viên tham gia kỳ thi theo đúng yêu cầu tổ chức thi của Bộ.

5. Ban chỉ đạo thi phổ thông Trung ương, các ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, Giám đốc các sở Giáo dục và Đào tạo, Cục trưởng Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) căn cứ thực tế và Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, chuẩn bị phương án dự phòng để triển khai trong trường hợp bất thường không cho phép tổ chức thi theo đúng kế hoạch./.

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất