Tình làng nghĩa xóm thực chất là mục tiêu lớn nhất, khó cũng bậc nhất nhưng đồng thời cũng là động lực mạnh nhất, bền vững nhất để xây dựng nông thôn mới.
(Ảnh minh họa)
Tôi thích về quê, quê nội, ngoại của mình rồi của vợ, lại thích về cả quê anh em bạn bè. Về cảnh quê thoáng đãng đã đành mà người quê chân chất, hồn hậu, nghĩa tình lại càng quý càng yêu.
Mấy năm nay, làng quê nội tôi đã thành phường của thành phố Bắc Ninh, nơi đây lại sát khu công nghiệp nên lượng công nhân đến ở trọ trong các nhà mới dựng của phường ngày một thêm đông đúc. Quê tôi giàu hẳn lên, chật chội, không còn lấy một bụi tre, khoảnh ao, người làng, người tứ xứ ở xen nhau, cùng nhau. Ấy vậy mà yên ấm cả, chẳng có cãi cọ, tranh giành, chẳng trộm cắp, ma túy. Tôi về mỗi đám hiếu đám hỷ, người làng vẫn đến như nếp xưa, lại có những gương mặt trai gái lạ hoắc. Họ là người ở trọ. Tôi hỏi cả người thân, người lạ thì được trả lời: “Cùng là người từ làng ra cả” hay “Đất lề quê thói vẫn như xưa”. Và nữa: “Như con cháu trong nhà ấy mà. Có việc gì thì tự xúm vào”.
Quê ngoại còn làm tôi bất ngờ hơn thế. Người đi làm xa vợi gần nửa làng, vậy mà chiều nào sân bóng chuyền hơi, cầu lông vẫn xúm xít, tối nào cũng vang tiếng hát quanh các máy karaoke đặt giữa sân nhà. Cỗ bàn giờ đã thuê mướn người ngoài làm nhưng bà con hàng xóm vẫn xắn tay đỡ đần nhiều việc…
Không chỉ quê tôi mà nhiều nơi tôi đến như khách lạ cũng được sống trong bầu không khí thân quen mộc mạc quê mùa. Lần đến một làng xa miệt Hương Sơn (Hà Tĩnh), đang lúc thèm rau, mấy chúng tôi lại thấy ngay rìa làng một vạt rau muống xanh mơn mởn. Chúng tôi gọi lên: “Bác ơi, chị ơi” thì thấy một chị bước từ nhà ra bảo: “Của nhà tôi đấy. Thích thì cứ hái đi, bao nhiêu cũng được. Ngày nào người trong xóm chẳng đến hái”.
Kể những chuyện trên để thấy, dù những làn sóng đô thị hóa đã tràn đến nhiều miền quê đất nước, dù giàu-nghèo đã phân chia khá rõ song tình làng nghĩa xóm, tình người dân quê vẫn đầm ấm, đậm đà. Và đó là chuyện phổ biến. Song muôn làng xóm đâu thể giống nhau cả. Chuyện tranh chấp nhau một vài phân vuông đất đai ở thời buổi “tấc đất tấc vàng” làm nhà không hiếm. Chuyện rủ rê, hùn xúi nhau lừa đảo quanh việc mua bán giống má, phân bón, hàng đa cấp cũng vậy. Rồi cho vay nặng lãi, vỡ hụi, cờ bạc, cá cược… dẫn đến bán nhà bán cửa đã xảy ra ở nhiều nơi. Nữa là ma túy, trộm cắp, hiếp dâm, những người mất nết hư hỏng, những kẻ xấu và ác vẫn cứ tồn tại.
Vậy thì vì sao có làng có vùng quê yên ổn, tình nghĩa, còn nơi khác thì không? Tìm hiểu mới biết, khi việc làng nhiều lên, phức tạp lên thì người ta có các cách làm chủ động và rất bài bản. Từ chuyện điện nước về làng, từ chuyện mua bán đất đai đến đám cưới đám ma, đóng góp làm đường, làm nhà văn hóa, xây trường học… tất cả đều có quy chế và được đồng thuận, tất cả đều công khai. Như ở quê ngoại tôi, bao nhiêu xi măng, bao nhiêu xe cát, đá đổ xuống làm đường đều có đại diện dân làng theo dõi, ghi chép.
Làm được bài bản, công minh như thế trước hết bởi các bí thư, cấp ủy, trưởng thôn cùng thống nhất đề ra các phương án thực hiện. Cái sự biết việc, biết làm được cán bộ, đảng viên và người dân chia sẻ, đóng góp mà thành. Cái gì làm được và được dân hài lòng là do vậy, còn đương nhiên những gì chưa làm được hay còn yếu kém trong xây dựng nông thôn mới hiện nay đều do cán bộ, đảng viên ở làng chưa biết việc, chưa biết cách khơi lên trí tuệ, tấm lòng người dân. Chuyện môi trường ở quê tôi chẳng hạn, chưa thấy có cách gì hữu hiệu để ngăn chặn nạn xả rác, cả lọ thuốc trừ sâu xuống ngòi nước. Lại nữa, khu đổ rác của mấy xóm không ngăn được người xóm khác làng khác, thậm chí xã kế bên đến “đổ nhờ”.
Tình làng nghĩa xóm thực chất là mục tiêu lớn nhất, khó cũng bậc nhất nhưng đồng thời cũng là động lực mạnh nhất, bền vững nhất để xây dựng nông thôn mới. Chỉ khi tổ chức đảng và chính quyền cơ sở thực sự vững mạnh, thực sự là trung tâm kết nối, xây dựng mới duy trì và làm đậm đà thêm thứ hồn vía bình dị mà cao quý muôn đời tình làng nghĩa xóm./.
Nguyễn Mạnh (Báo QĐND)