Thứ Sáu, 20/9/2024
Thể thao
Thứ Hai, 28/3/2016 10:22'(GMT+7)

Dân cường thì quốc thịnh

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

70 năm qua, kể cả những ngày đầu đất nước bước vào các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược thì những phong trào tập luyện thể dục thể thao (TDTT) vẫn luôn có sức cuốn hút mọi tầng lớp nhân dân. Điển hình như các phong trào: “Thể dục, vệ sinh” trong trường học, “Chạy nối liền Bắc Nam”, “Luyện vai trăm cân, luyện chân ngàn dặm” trong thanh, thiếu niên. Rồi “Chạy, nhảy, bơi, bắn, võ” trong công nhân viên chức, dân quân tự vệ. Ở nông thôn, thành thị, người dân đua nhau hưởng ứng phong trào “Toàn xã biết bơi”, “CLB sức khỏe ngoài trời”. Song hành cùng thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao lúc đó dù mới chập chững, nhưng chúng ta cũng đã đào tạo được kiện tướng bắn súng quốc tế Trần Oanh; các VĐV xuất sắc: Bùi Lương, Trần Hữu Chỉ, Hoàng Vĩnh Giang (điền kinh), Vũ Thị Men (bơi lội)... Có thể khẳng định, trong điều kiện hoàn cảnh trăm bề khó khăn ấy, dù là phong trào thể dục quần chúng hay thể thao đỉnh cao đều như liều thuốc bổ, góp phần nâng cao sức khỏe, tạo khí thế thi đua sôi nổi trên mặt trận xây dựng bảo vệ miền Bắc, sẵn sàng chi viện cho chiến trường chống Mỹ ở miền Nam. 

Sau chiến thắng vĩ đại mùa Xuân năm 1975, các phong trào tiếp nối lan rộng và đến năm 1980 đã trở thành Cuộc vận động sâu rộng: “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Rồi 30 năm sau ngày đất nước bước vào công cuộc Đổi mới, người dân càng có nhiều điều kiện và cơ hội tham gia sinh hoạt, luyện tập một môn thể thao mình yêu thích, đó có thể là đi xe đạp, chạy, hay yoga, gym, bơi, cầu lông, đá bóng... Thể thao thành tích cao tích cực hội nhập và đã đạt được nhiều chiến công trên các đấu trường Đông Nam Á, châu Á và cả Ô-lim-pích. Hình ảnh Quốc kỳ Việt Nam tung bay và nhất là khi Tiến Quân ca vang lên trong các đại hội thể thao làm bao người Việt Nam xao xuyến, dâng trào niềm tin vui. Những Trần Hiếu Ngân, Hoàng Anh Tuấn, Trần Quang Hạ, Hoàng Xuân Vinh, Ánh Viên... đã khẳng định được chỗ đứng trong làng thể thao châu lục và thế giới. Những đại hội, kỳ cuộc thi đấu do Việt Nam đăng cai tổ chức đều chu đáo và để lại ấn tượng tốt trong lòng bè bạn quốc tế.

Song phải thừa nhận, phong trào tập luyện TDTT quần chúng có dấu hiệu chững lại; một phần đất đai dành cho tập luyện vốn không được gia tăng theo sự phát triển của dân số mà ngược lại còn bị thu hẹp, xâm lấn bởi những công trình xây dựng khác; các trò tiêu khiển trên các thiết bị điện tử cá nhân, trong văn phòng ngày một tiêu tốn nhiều thời gian của các tầng lớp thanh, thiếu niên; các quán ăn, nhà hàng bia rượu chiếm một lượng thời gian sinh hoạt không ít của con người... Thể thao thành tích cao cũng đang có dấu hiệu chững lại. Hai kỳ ASIAD gần đây, chúng ta chỉ giành được 1 HCV/kỳ, trong khi mục tiêu đề ra luôn là 3-4 HCV. Hay đến nay, thể thao nước nhà cũng mới có 8 suất chính thức đến Bra-xin dự Ô-lim-pích mùa hè này.

Những tồn tại trên cần phải có chiến lược khoa học, nhưng trước mắt đòi hỏi những cán bộ làm công tác thể thao phải có kế sách, bước đi mới mạnh mẽ, táo bạo hơn. Phải nâng cao chất lượng đào tạo các VĐV trẻ; xây dựng chế độ dinh dưỡng, thù lao mới phù hợp... và đặc biệt phải sớm khắc phục sự thiếu hụt trong công tác đào tạo các chuyên gia, HLV. Mới đây, trong Hội thảo khoa học “70 năm TDTT dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ”, tham luận “Quan điểm Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ TDTT” của PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Dung (Phó viện trưởng Viện Hồ Chí Minh) đã nhấn mạnh: “Để TDTT làm tròn vai trò và nhiệm vụ của mình là phục vụ sức khỏe nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến đội ngũ cán bộ TDTT. Người cho rằng, để có phong trào TDTT cần phải có đội ngũ cán bộ TDTT; đội ngũ này phải có trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, có phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, có năng lực công tác tốt. Muốn vậy, cần phải đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ, bởi Người cho rằng, phẩm chất và năng lực của người cán bộ không thể bỗng dưng mà có, mà phải qua huấn luyện, rèn luyện mà nên”.

Hy vọng các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân quyết tâm, đồng lòng chung sức vì sự nghiệp phát triển TDTT, vì “Dân cường thì quốc thịnh”./.

Thắng Hùng (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất