Thứ Bảy, 23/11/2024
Văn hóa
Chủ Nhật, 3/6/2018 10:48'(GMT+7)

Phim Việt ra thế giới- Đường xa vạn dặm

Một cảnh trong “Đảo của dân ngụ cư” (đạo diễn Hồng Ánh).

Vinh danh rôm rả

Bộ phim Việt đầu tiên được vinh danh tại một Liên hoan phim quốc tế (LHPQT) ở khu vực chính là Kim Đồng (1964), của hai đạo diễn Nông Ích Đạt và Vũ Phạm Từ. Tham dự LHPQT (khi đó gọi là Đại hội điện ảnh) Á-Phi lần thứ 3 tại Jakarta (Indonesia), Kim Đồng đoạt giải Phim thiếu nhi hay nhất. Ngoài ra, bộ phim còn “rinh” 3 giải cho Quay phim xuất sắc nhất, Dựng phim xuất sắc nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất. Đến năm 1971, Đường về quê mẹ của đạo diễn Bùi Đình Hạc đã giành giải nhất của Ban Giám khảo (BGK) ở LHPQT Karlovy Vary tại Tiệp Khắc năm 1972. Sau đó Đường về quê mẹ tiếp tục mang về giải thưởng Phim hay nhất tại LHPQT New Delhi (Ấn Độ) năm 1973.

Có thể điểm danh một loạt phim Việt khác có mặt trong “bảng vàng thành tích”: Vĩ tuyến 17 ngày và đêm thắng lợi vang dội tại LHPQT Moskva 1973: Giải của Hội đồng Hòa bình Thế giới và Giải nữ diễn viên xuất sắc nhất cho nghệ sỹ Trà Giang. Em bé Hà Nội, từng đoạt giải thưởng LHP Việt Nam lần III năm 1975, giải đặc biệt của BGK LHPQT Moskva 1975, giải thưởng của Mặt trận giải phóng Palestine tại LHPQT Syrya.  Sau 1975, Cánh đồng hoang của đạo diễn  Hồng Sến đoạt huy chương vàng LHPQT Moskva 1981. Bộ phim đánh dấu mốc cho sự thành công của điện ảnh Việt tại LHP Châu Á - Thái Bình Dương chính là Bao giờ cho đến tháng Mười của đạo diễn Đặng Nhật Minh, bằng giải thưởng đặc biệt của BGK năm 1989, tức là 5 năm sau khi bộ phim ra mắt.

Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cảnh báo: Quá khứ huy hoàng của các giải thưởng trong hệ thống các nước XHCN không đủ để khẳng định đẳng cấp của phim Việt trong cuộc cạnh tranh toàn cầu hiện nay.

Nói đến chiến thắng của phim Việt khi “đem chuông đi đánh xứ người” không thể không kể đến những đóng góp sau này: Cỏ lau (1993), Trở về (1993), Đời cát (1999), Người đàn bà mộng du (2004), Mùa len trâu (2004), Hạt mưa rơi bao lâu (2005), Chuyện của Pao (2005), Áo lụa Hà Đông (2006), Bi, đừng sợ (2010), Đập cánh giữa không trung (2014), Cuộc đời của Yến (2015), Cha cõng con (2017), Đảo của dân ngụ cư (2017). Có một nghịch lí: Phim có giải ở nước ngoài lại thường kén khán giả trong nước. Phải chăng khán giả trong nước chưa đủ trình độ để thưởng thức những bộ phim được vinh danh ở LHPQT hay ngược lại, giải thưởng ở các LHPQT cũng không chắc là “khuôn vàng thước ngọc” định giá chất lượng phim, là những băn khoăn được đặt ra.

Ở lĩnh vực phim truyền hình, có thể kể đến thắng lợi của Chiều ngang qua phố cũ dài 26 tập của đạo diễn Trịnh Lê Phong, phát sóng cuối năm 2016 đầu năm 2017, được trao giải phim truyền hình nước ngoài hay nhất tại LH Truyền hình Quốc tế Tokyo lần thứ 11.
 

Biên kịch Trần Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo TƯ: Hội nhập quốc tế phải bắt đầu từ “sân nhà”.

Đem phim Việt đi bán nước ngoài: Hoang tưởng?

Dù được vinh danh không ít tại LHPQT nhưng phim Việt có dễ bán ra nước ngoài không? Và bán được cho nước ngoài từ bao giờ? Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu, phim Việt đã bán được cho nước ngoài từ những năm cuối thế kỷ 20. Bộ phim Người đẹp Tây Đô do hãng TFS - Đài Truyền hình TPHCM sản xuất là phim truyền hình đầu tiên bán được cho Thái Lan. TFS không chỉ bán được phim truyện dài tập, còn bán cả phim tài liệu, ký sự, phóng sự, nhân vật… Có thể lấy ví dụ như Ngọn nến Hoàng cung, Mêkông ký sự được bán và phát sóng trên kênh truyền hình KXLA 44 (Mỹ). Kể ra những phim điện ảnh Việt được chào bán, được phát hành ở một số nước trong khu vực và quốc tế cũng không hiếm. Thí dụ Áo lụa Hà Đông, từng gây bão năm 2005 với mức đầu tư tư nhân lên đến 1 triệu USD. Đây cũng là bộ phim tư nhân đầu tiên dự giải Oscar ở hạng mục giải thưởng dành cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Hồi ấy, hãng phim Phước Sang, một trong những đơn vị tư nhân tham gia sản xuất phim này cũng tiết lộ, đã ký hợp đồng với Diamond Cinema để phát hành Áo lụa Hà Đông tại Hàn Quốc năm 2008. Hay Dòng máu anh hùng, được hãng phim Hoa Kỳ The Weinstein Company mua để phân phối bản quyền trên toàn thế giới. Cho đến Chuyện của Pao, Chơi vơi, Cánh đồng bất tận, Bi, đừng sợ… đều đã được xác nhận “chứng chỉ vượt biên”. 

Nhưng ngạc nhiên lớn nhất phải kể đến Lửa Phật, từng được đánh giá là bộ phim Việt bán chạy nhất ở thị trường nước ngoài, không chỉ ký được hợp đồng với những đơn vị phân phối phim lớn nhất tại Bắc Mỹ mà còn đạt được thỏa thuận phát hành phim tại thị trường Hàn Quốc, Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Pakistan, Đài Loan, Thái Lan, Úc, New Zealand… BHD cho biết, họ đã thu về hơn 200.000 USD ở thị trường nước ngoài. Thông tin Lửa Phật tưng bừng ở nước ngoài từng là ngòi nổ cho một số cuộc tranh luận  ngầm của một số người có tên tuổi, có hiểu biết về điện ảnh xung quanh vấn đề tin hay không tin vào khả năng tạo mưa gió của phim Việt ở nước ngoài.  Một dịch giả có tiếng không che giấu thái đô: “Nhà phát hành nói bán được phim đi Mỹ mà cũng có người tin thì cũng lạ! Ai mà đi mua phim Việt với giá 800 ngàn đô! Tiếu lâm. Đó chỉ là con số PR mà thôi, và con số của các nhà làm phim Việt đưa ra nói chung chẳng bao giờ đúng, thậm chí còn dựng đứng lên”.

Đưa phim Việt vào dòng chảy quốc tế là một công việc thấm đẫm mồ hôi, nước mắt, đã từng được bà Ngô Thị Bích Hiền, đại diện Cty BHD, chia sẻ tại cuộc hội thảo ở LHP VN lần thứ 19: “Để nước ngoài biết đến Việt Nam thì chúng tôi phải đi rất nhiều liên hoan phim, hội chợ phim để giới thiệu bằng cách dán poster, mua gian hàng. Nếu tổ chức họp báo ở Việt Nam giới thiệu phim mất 5-7 ngàn USD thì ở nước ngoài kinh phí đó đội lên gấp 10 lần”. Bà cũng nói rõ: “Ít khi phim Việt bán được vào hệ thống phát hành phim rạp. Phải gom từng chút một mới có thể đem lại thêm chút lợi nhuận cho nhà sản xuất”. Theo bà Bích Hiền, thể loại phim dễ “xuất khẩu” chính là phim võ thuật như Dòng máu anh hùng, Lửa Phật…
 

                                                   Một pha hành động trong “Lửa phật” (đạo diễn Dustin Nguyễn).

Hội nhập quốc tế nên bắt đầu từ “sân nhà”?

 Chúng tôi có cuộc trao đổi với biên kịch Trần Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo TƯ xung quanh vấn đề phim Việt hội nhập dòng chảy quốc tế. Bà chỉ ra nguyên nhân hội nhập quốc tế chậm chạp của điện ảnh Việt, bằng cách nhìn ra nước ngoài: “Hầu hết các nền điện ảnh trong khu vực ngày nay đều du nhập những kỹ thuật hiện đại của nền công nghiệp điện ảnh thế giới và có sự hội nhập giao lưu chặt chẽ với các nhà làm phim nước ngoài để học hỏi, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm làm phim”. Thí dụ điện ảnh Hàn Quốc có những cú nhảy ngoạn mục chỉ trong gần chục năm: “Điện ảnh của họ từ những năm 1988 về trước gần như là con số không. Nhưng họ đã làm điều kỳ tích khi năm 1996, xuất khẩu phim của Hàn Quốc chỉ đạt nửa triệu USD, đến năm 2005, con số đã bùng nổ gấp 16 lần, lên tới 76 triệu USD. Các tác phẩm điện ảnh của họ không chỉ tạo cơn sốt ở Nhật Bản, Hồng Kông, mà còn được chú ý tại Mỹ và các nước châu Âu”, bà Phương Lan dẫn chứng. Nhà quản lí phân tích: Hàn Quốc đạt được thành tựu như trên bởi họ “biết khai thác thế mạnh bản sắc Hàn Quốc, tạo nên một gương mặt điện ảnh không lẫn với quốc gia nào trên thế giới”.

 Quay lại điện ảnh Việt. Có một sự thật là phim về đề tài Việt Nam gây ấn tượng hơn cả với quốc tế  lại thuộc về đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng với Mùi đu đủ xanh (1993),  được trao giải Caméra d’Or (Máy quay vàng) cho Quay phim xuất sắc tại LHP Cannes 1993 và giải César cho phim đầu tay xuất sắc của Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Kỹ thuật Điện ảnh Pháp. Mùi đu đủ xanh còn nhận được đề cử cho giải Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar 66, trở thành bộ phim nói tiếng Việt đầu tiên nhận đề cử Oscar danh giá. Tại LHP Busan, Mùi đu đủ xanh đứng thứ 66 trong “100 bộ phim châu Á hay nhất mọi thời đại”. Sau Mùi đu đủ xanh, Xích lô (1995) của Trần Anh Hùng cũng gây tiếng vang lớn khi giành giải Sư tư vàng cho phim hay nhất tại LHP Venice lần thứ 52 (1995).

Theo bà Phương Lan, điện ảnh Việt Nam muốn hội nhập quốc tế phải bắt đầu từ quan niệm, coi điện ảnh là một ngành công nghiệp, một lĩnh vực mang lại lợi nhuận. Và điện ảnh Việt muốn hội nhập phải hội nhập ngay từ “sân nhà”. Đây cũng là quan điểm của nhà phê bình Ngô Thảo: “Trước khi ra thế giới thì hãy chinh phục khán giả trong nước. Thử hỏi, bộ phim Em chưa 18, thu gần 200 tỷ, một trong những kỷ lục phòng vé, thu được bao nhiêu lượt người xem/90 triệu dân Việt?  Trong khi Hàn Quốc dân số chỉ 50 triệu người nhưng nhìn lượt người xem phim nội của người ta mà thèm. Vấn đề của phim là phim phải hay thì ngay trong nước đã có lãi! Dân số Việt Nam là một đảm bảo cho sự giàu có của những tài năng thực sự”.

Còn phim truyền hình Việt thì sao, cơ hội nào để “xuất khẩu”?  Chúng tôi trao đổi với  nhà biên kịch, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, Phó ban thư ký biên tập - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng thẩm định của VTV. Chị giải thích như sau: “Thường các Hãng phim của Việt Nam, xem phim của nước ngoài thấy thích một bộ phim nào đó, họ chủ động làm việc và mua bản quyền phim và kịch bản gốc. Sau đấy mang về Việt Nam Việt hóa, biên tập cho phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt, rồi sản xuất và phát hành. Thí dụ, BHD đã thành công với bộ phim truyền hình dài gần 100 tập “Đam mê nghiệt ngã”. Ngược lại, nếu ta muốn xuất khẩu phim hay kịch bản ra nước ngoài, các bạn ngoại quốc chắc cũng phải thích phim Việt, mà điều này rất khó vì phim truyền hình Việt được chiếu ở nước ngoài quá hiếm”. Chúng ta “nhập” kịch bản ngoại quá nhiều còn khả năng đưa kịch bản “Made in Vietnam” xuất khẩu lại khá bi quan. Theo bà Thu Huệ: “Tôi chưa thấy tín hiệu khả quan việc ta bán kịch bản ra nước ngoài”.
 

Theo Tienphong.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất