Thứ Bảy, 23/11/2024
Dân số và phát triển
Thứ Ba, 22/11/2016 14:16'(GMT+7)

Dân số và phát triển ở Việt Nam: cơ hội, thách thức và giải pháp

PGS.TS Nguyễn Quốc Trung phát biểu khai mạc Hội thảo

PGS.TS Nguyễn Quốc Trung phát biểu khai mạc Hội thảo

Ngày 22-11-2016, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc tổ chức Hội thảo Dân số và phát triển ở Việt Nam: cơ hội, thách thức và giải pháp. PGS.TS Nguyễn Quốc Trung, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương và ông Lê Bạch Dương, đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Quốc Trung nhấn mạnh, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) luôn được Đảng và Nhà nước xác định là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; trong Nghị quyết số 47-NQ/TW ngày 22-3-2005 của Bộ Chính trị về “tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ” và Kết luận số 44-KL/TW ngày 1-4-2009 của Bộ Chính trị về kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 47. Mới đây nhất là Kết luận số 119-KL/TW ngày 4-1-2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 47 của Bộ Chính trị.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 47, với sự vào cuộc và chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến cơ sở cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống làm công tác DS-KHHGĐ đã thực hiện đúng theo định hướng của Đảng và cơ bản đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết 47 đã đề ra. Qua đó, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-  xã hội của đất nước, nhất là đối với công cuộc xóa đói giảm nghèo, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện đời sống nhân dân.

Đặc biệt, trong Kết luận số 119, Ban Bí thư đề nghị Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII xem xét, ban hành Nghị quyết về dân số và cần chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Theo đó, những vấn đề cần nghiên cứu đề xuất trọng tâm là: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển việc làm có giá trị cao để tận dụng cơ cấu dân số vàng; Phát triển hệ thống giáo dục và y tế phù hợp với cơ cấu dân số thay đổi mạnh mẽ, dân số và an sinh xã hội; Mất cân bằng giới tính khi sinh và hệ lụy, di dân và chất lượng cuộc sống…; Nhận thức về yếu tố dân số cần phải được giải quyết trong mối quan hệ chặt  chẽ với phát triển bền vững.

Tham luận tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Đình Cử, Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá về tình hình dân số, trong đó nhấn mạnh, Việt Nam đã sớm đạt được và duy trì vững chắc mức sinh thay thế. Bởi vì, người dân được tuyên tuyền nhiều và thực tế đã nhìn nhận thấy lợi ích của gia đình nhỏ. Sự hình thành hệ thống dịch vụ kế hoạch hóa gia đình rộng khắp và đang dần được thị trường hóa. Từ năm 2016 trở đi, tuyệt đại đa số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ là thế hệ mới. Mức sinh phụ thuộc vào trình độ phát triển. Việt Nam đang phát triển nhanh, đô thị hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.  Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Đình Cử, chất lượng dân số của Việt Nam đã được nâng lên song chưa vững chắc; chỉ số  HDI vẫn ở bậc trung bình. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã đến mức nghiêm trọng. Có sự khác biệt lớn về mức sinh giữa các tỉnh và các vùng, miền  trong cả nước. …

 
 Các đại biểu tham dự Hội thảo


Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã trao đổi, chia sẻ thông tin nâng cao nhận thức về dân số và phát triển bền vững, góp phần định hướng công tác dân số trong thời gian tới cho cán bộ tuyên giáo, đồng thời góp phần đề xuất những giải pháp tham mưu, phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Ban Tuyên giáo Trung ương với công tác dân số. Các đại biểu thống nhất cho rằng, chuyển đổi trọng tâm của chính sách dân số, từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển là yêu cầu cần nghiên cứu và đề xuất để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới.

Các đại biểu tham dự đã đề xuất một số giải pháp để góp phần giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số, với định hướng nội dung cụ thể là, duy trì mức sinh thay thế; Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; Tận dụng cơ cấu dân số vàng; Thích ứng với quá trình già hóa dân số; điều chỉnh phân bố dân số hợp lý; Nâng cao chất lượng dân số. Các giải pháp được đề xuất là:

Thứ nhất, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục đưa công tác dân số và phát triển thành một nội dung trọng tâm trong công tác, hoạt động thường kỳ; đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về dân số và phát triển vào nghị quyết, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế xã hội.

Thứ hai, tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, nâng cao chất lượng dân số cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần.

Thứ ba, duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý. Tập trung chỉ đạo để giảm sinh ở những tỉnh, thành phố có mức sinh còn cao; duy trì đạt kết quả đạt được ở những tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế; thực hiện mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động về dân số và phát triển.

Thứ năm, đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho dân số và phát triển.

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất