Thứ Bảy, 23/11/2024
Kiến thức DS-KHH gia đình
Thứ Ba, 25/10/2016 22:27'(GMT+7)

Tảo hôn: Những hệ lụy và vòng luẩn quẩn không lối thoát

Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ nạn tảo hôn là việc làm cấp thiết. Ảnh: VGP/Thúy Hà

Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ nạn tảo hôn là việc làm cấp thiết. Ảnh: VGP/Thúy Hà

Những hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Tại hội thảo quốc gia về tảo hôn diễn ra ngày 25/10 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đang gây ra nhiều hệ lụy về sức khỏe đối với bản thân, gia đình người tảo hôn và là gánh nặng cho xã hội.

Hiện nay, trên toàn thế giới có hơn 700 triệu phụ nữ kết hôn ở độ tuổi trẻ em. Cứ 3 phụ nữ thì có một người (khoảng 250 triệu) kết hôn trước tuổi 15.

Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra gần đây của Ủy ban Dân tộc, tỉ lệ tảo hôn ở Việt Nam mặc dù đã giảm, nhưng vẫn diễn ra phổ biến ở vùng nông thôn, miền núi, đặc biệt là tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số - có tới gần 1/3 số người dân tộc thiểu số ở nước ta tảo hôn.

Cụ thể, kết quả điều tra năm 2015 cho thấy, tỉ lệ tảo hôn trong dân tộc thiểu số là 26,6%, trong đó cao nhất là các dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn như dân tộc Mông, Xinh Mun, La Ha, Gia Rai, Raglay, Bru-Vân Kiều. Có tới 40/53 dân tộc thiểu số có tỉ lệ tảo hôn từ 20% trở lên, cá biệt có 6 dân tộc thiểu số có tỉ lệ tảo hôn từ 50-60%.

Bà Đỗ Thị Quỳnh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và Chất lượng dân số (Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế) cho biết, nạn tảo hôn xảy ra do ảnh hưởng của tập quán lạc hậu (bị ép buộc lấy vợ/chồng sớm, bị xâm hại tình dục…). Tỉ lệ tảo hôn ở trẻ em nữ nhiều hơn trẻ em nam.

Còn theo bà Astrid Bant, Trưởng Đại diện Quỹ dân số Liên Hợp Quốc, trên thế giới mỗi ngày có hàng nghìn trẻ em gái dưới 10 tuổi bị ép lấy chồng.

Do tảo hôn, nhiều trẻ mang thai sớm, cơ thể chưa hoàn thiện về giải phẫu và sinh lý, tâm lý. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến tỉ lệ tử vong mẹ trong độ tuổi từ 15-19 tuổi cao hơn so với các bà mẹ trưởng thành và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em gái liên quan đến thai kỳ. 

Tảo hôn còn khiến hàng nghìn đứa trẻ bị thất học, mù chữ, nghèo đói. Đặc biệt, nhiều gia đình tảo hôn thường có con sớm và đông con nên kinh tế gia đình càng khó khăn. Bên cạnh đó, những cặp vợ chồng lấy nhau quá sớm nên sự hiểu biết, suy nghĩ chưa chín chắn dễ phát sinh bạo lực gia đình, gây stress và trầm cảm sau những sang chấn về tâm thần. Trong đó, trẻ em gái sau kết hôn thường bị bạn bè đồng lứa cô lập và bỏ rơi.

Trao quyền cho thanh niên, đặc biệt là trẻ em gái

Từ những hệ lụy trên, nhiều chuyên gia tham dự hội thảo khuyến nghị: Cần tạo môi trường thân thiện cho vị thành niên, thanh niên trong việc tiếp cận các dịch vụ về chăm sóc sức khỏe sinh sản ở những vùng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Theo bà Astrid Bant, để giải quyết vấn nạn tảo hôn, cần ưu tiên thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và chống phân biệt đối xử nam nữ: “Vấn đề tảo hôn sẽ không được giải quyết nếu chúng ta không trao quyền cho thanh niên, đặc biệt là các trẻ em gái.

Cần phải cải thiện sự tiếp cận với thông tin, trao cho các em cơ hội để được đi học, được cung cấp kiến thức về kỹ năng sống, sức khỏe tình dục và sinh sản; cho các em có không gian sống an toàn, cải thiện sinh kế và an sinh xã hội. Cần bảo đảm các em gái ngay cả khi đã kết hôn thì vẫn có nhiều lựa chọn và cơ hội tốt cho tương lai”.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định, để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, thay đổi nhận thức là vấn đề mấu chốt. Cùng với đó, về lâu dài cần đầu tư nhiều hơn nữa về kinh tế, giáo dục, y tế... nhằm nâng cao dân trí, thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là thế hệ trẻ để vượt qua áp lực của tập tục lạc hậu, từ đó có sự lựa chọn đúng đắn về hôn nhân.

Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ nạn tảo hôn là việc làm cấp thiết. Đồng thời, cần phải tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ sinh kế cho các gia đình nhằm phát triển kinh tế-xã hội, trong đó dành ưu tiên cho các địa bàn trọng điểm và một số dân tộc thiểu số có tỉ lệ tảo hôn cao.

Các bộ, ngành Trung ương, các địa phương cần nhận thức rõ nguyên nhân của nạn tảo hôn là do phong tục tập quán, hạn chế về nhận thức và hiểu biết; thiếu sự can thiệp của cấp ủy, chính quyền một số địa phương; công tác tuyên truyền kém; khó khăn về điều kiện tự nhiên, nghèo đói và mặt trái của cơ chế thị trường… để chủ động xây dựng kế hoạch, kinh phí, đồng thời lồng ghép với các chương trình chính sách đang triển khai để ngăn chặn, đầy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số.

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Luật Trẻ em năm 2016 đã nghiêm cấm tảo hôn và các hoạt động liên quan tới tổ chức và hỗ trợ tảo hôn. Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn giai đoạn 2015-2025./.

Theo Chinhphu.vn



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất