Vừa qua, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê và Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức Hội nghị "Công bố các ấn phẩm tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009” nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của các số liệu dân số có sẵn, chính xác và kịp thời trong việc định hướng xây dựng và hoạch định các chính sách phát triển.
Trên đà mất cân bằng giới tính
Phát biểu tại Hội nghị, ông Đỗ Thức- Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, với sự hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, Tổng cục đã biên soạn và công bố hàng loạt các ấn phẩm về kết quả của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009. Một số báo cáo và chuyên khảo về những vấn đề này đã được xuất bản nhằm cung cấp thông tin về tình hình hiện tại cũng như các gợi ý chính sách. Những kết quả này đã bổ sung vào các thông tin và bằng chứng hiện có phục vụ cho việc lập kế hoạch và xây dựng chính sách một cách hiệu quả.
Căn cứ vào kết quả điều tra, các nhà nghiên cứu đã đưa ra dự báo, dân số nước ta đến năm 2019 sẽ là 95,3 triệu người, năm 2029 là 102,7 triệu người và đến năm 2049 sẽ là 108,7 triệu người. Tỉ trọng dân số thành thị ở mức 56,8%, tăng từ 25,4 triệu người lên 63,9 triệu người. Phân tích cấu trúc tuổi và giới tính của dân số Việt Nam, TS Nguyễn Đức Vinh- Viện xã hội học chỉ ra, trong 3 thập kỷ qua mức sinh và mức chết đã có xu hướng giảm và Việt Nam đã bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng. Theo đó đến năm 2015, dân số nước ta có tổng tỉ số phụ thuộc ở mức 42. Đặc biệt chỉ số già hóa tăng nhanh đến năm 2033, cứ 1 trẻ em sẽ có 1 người già và đến năm 2049 chỉ số này sẽ là 141, tức cứ 100 trẻ em có 141 người già. Với tốc độ này đến năm 2060, số người già sẽ gấp đôi số trẻ em dưới 15 tuổi. Như vậy cùng với cơ cấu dân số vàng, Việt Nam cũng cần có những ứng phó với già hóa dân số để bảo đảm an sinh xã hội và chăm sóc y tế cho người già, nhất là người già trong nhóm hộ nghèo, người già tàn tật ở vùng nông thôn.
Một thách thức lớn cho kinh tế Việt Nam hiện nay, đó là vấn đề mất cân bằng tỉ số giới tính khi sinh (nhiều bé trai hơn bé gái). Việc thừa nam, thiếu nữ trong xã hội có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội và phân biệt đối xử nam-nữ. Chỉ tính số người dưới 20 tuổi vào năm 2009, số lượng nam đã nhiều hơn nữ gần 900.000 người. Ngay cả khi tổng tỉ suất sinh được giữ ở mức thấp như hiện nay là 2,03 thì số lượng nữ trong độ tuổi 15-49 sẽ tiếp tục tăng. Theo đó, 10-15 năm nữa, số trẻ được sinh ra hàng năm vẫn tiếp tục tăng nhẹ. Lúc đó Việt Nam phải đối mặt với tình trạng dân số già hóa quá nhanh dẫn đến thiếu lực lượng lao động, hệ thống bảo trợ xã hội cũng bị suy giảm.
Kết quả phân tích về giáo dục, TS Lê Cự Linh-Trường Đại học Y tế công cộng cho biết, tỉ lệ biết đọc, biết viết của dân số từ 15 tuổi trở lên là 93,5%, tăng 3,2% so với năm 1999. Tỉ lệ biết đọc giữa nam và nữ có xu hướng giảm mạnh từ 10% năm 1989, xuống 4,4% năm 2009. Tuy nhiên, tỉ lệ biết đọc và viết của dân tộc Thái, Khme, Mông vẫn còn thấp. Tỉ lệ dân số 5-18 tuổi không đi học ở các tỉnh phía Nam còn cao: Bình Dương 30,8%, Bạc Liêu 26,2%, An Giang 25,9%, Sóc Trăng 25,8%...
Nói về vấn đề di cư, TS Nguyễn Thanh Liêm-Viện Dân số, Sức khoẻ và Phát triển đã thống kê, trong giai đoạn 2004-2009 có 6,6 triệu người di cư trong và ngoài tỉnh ở Việt Nam. Đa số là thanh niên, trong đó nữ tăng đáng kể. Di cư trong nước là động lực cho phát triển nhưng lại là thách thức cho đất nước. Di cư từ nông thôn ra thành thị đang tạo áp lực đối với vấn đề cơ sở hạ tầng đô thị và nhu cầu các dịch vụ xã hội hiện nay. Đồng thời làm tổn thương đến những người già và trẻ em ở quê nhà. Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, so với nhiều năm trước thì đến nay Việt Nam vẫn có mức độ đô thị hóa thấp. Nhiều thành phố hình thành và phát triển như các trung tâm hành chính thay vì là trung tâm kinh tế... nên sự thu hút người lao động nhập cư tới những thành phố này không cao.
Di cư từ nông thôn ra thành thị đang tạo áp lực đối với
vấn đề cơ sở hạ tầng đô thị và nhu cầu các dịch vụ xã hội
Ảnh: Dương Ngọc
Cần có nhiều chương trình can thiệp kịp thời
Theo TS Nguyến Đức Vinh, Việt Nam đã bước vào kỷ nguyên "cơ cấu dân số vàng”. Đây là cơ hội duy nhất để Việt Nam tăng tích lũy, tăng trưởng nhanh cả về phát triển kinh tế và xã hội. Để có thể tận dụng tối đa lợi thế của cơ cấu dân số vàng, các nhà hoạch định chính sách cần thực hiện các chiến lược phù hợp nhằm tạo thêm nhiều cơ hội việc làm, phát triển nguồn nhân lực với chất lượng cao. Cần thiết phải tăng cường đầu tư cho y tế, giáo dục và đào tạo nghề kỹ thuật hiện đại cũng như phát triển môi trường kinh doanh nhằm tạo ra nhiều việc làm cho thanh niên. Ngoài ra khi xây dựng các chính sách và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội ở tầm quốc gia, vùng và địa phương, cần sử dụng các dự báo dân số theo cơ cấu tuổi, giới tính và các nghiên cứu khác để tính toán đầy đủ các nhu cầu khác nhau của nhóm dân số, kể cả nhóm dân di cư...
Theo TS Lê Cự Linh, gánh nặng liên quan đến phổ cập giáo dục tiểu học sẽ còn tiếp tục tăng trong 10 năm tới. Vì thế cần xem xét kỹ khi xây dựng các chiến lược quốc gia về giáo dục tiểu học. Về vấn đề hệ lụy của đô thị hóa thấp, TS Nguyễn Thanh Liêm đề nghị, các chính sách và biện pháp cần hướng đến việc nâng cao khả năng cạnh tranh và sức hấp dẫn các đô thị nhỏ hơn nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng đô thị hóa cao và thấp. Chẳng hạn, phát triển của các đô thị vệ tinh xung quanh các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra có thể tập trung hỗ trợ cho sự phát triển của các khu vực nông thôn nhằm giảm bớt sự khác biệt, bất bình đẳng giữa đô thị và nông thôn, yếu tố hàng đầu tạo nên sự tăng trưởng dân số đô thị hiện nay...
Kim Ngân/Đại đoàn kết