Nhiều nơi sẵn sàng cấp hàng trăm ha đất, tiền tỷ để xây dựng sân golf, nhà hàng, nhưng lại không lo được 1ha đất hay vài tỷ đồng để xây dựng sân chơi, hồ bơi cho trẻ em.
“Cuộc sống của 26 triệu trẻ em Việt Nam ngày nay đã được cải thiện hơn nhiều so với cách đây hai thập kỷ”. Đó là nhận xét của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) trong báo cáo về tình hình trẻ em Việt Nam sau 20 năm Việt Nam ký cam kết thực hiện Công ước quốc tế về Quyền của trẻ em.
Tuy nhiên, để mọi trẻ em, đặc biệt là trẻ em ở vùng nông thôn, miền núi khó khăn được hưởng các quyền của trẻ em thì còn nhiều việc phải làm.
Thành tựu chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em của Việt Nam được chứng minh bằng những con số hết sức ấn tượng: Đó là gần 100% trẻ em đều được học tiểu học và trung học; phần lớn các em đều có cơ hội được tiếp cận đầy đủ với dịch vụ y tế, tiêm chủng và dự kiến có tuổi thọ trung bình cao hơn các thế hệ trước…
Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam vẫn còn tới 5 triệu trẻ em dưới 16 tuổi có thể coi là nghèo. Do điều kiện sống khó khăn nên số trẻ này bị còi cọc do suy dinh dưỡng kéo dài, chưa được tiêm chủng đầy đủ, không được tiếp cận với thiết bị vệ sinh hợp vệ sinh ngay tại gia đình...
Đó là chưa kể nhiều em phải bỏ học để vào đời sớm, lao động cực nhọc để kiếm sống và phụ giúp gia đình… Và trong số trẻ em nghèo đó phần lớn là đang sống ở nông thôn, miền núi và vùng sâu vùng xa.
Một điều dễ nhận thấy nữa là kinh tế tăng trưởng nóng đã kéo xa khoảng cách thực hiện quyền của trẻ em giữa nông thôn và thành phố, giữa miền ngược và miền xuôi…
Chỉ nhìn vào các chương trình vui chơi giải trí trong dịp hè này cũng có thể thấy phần nào thực trạng bức tranh thiếu cân bằng trong việc đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí giữa trẻ em thành phố và nông thôn, miền núi.
Tuy vẫn còn thiếu chỗ chơi và chưa được coi là đầy đủ nhưng trẻ em ở thành phố có thể được xem phim, tham dự các chương trình văn hóa nghệ thuật, tham gia những lớp học về kỹ năng sống, học năng khiếu… còn trẻ em ở vùng nông thôn, miền núi khó khăn hầu như không có một hoạt động vui chơi, giải trí nào ngoài các trò chơi tự phát, tự tổ chức ở sân đình, ao làng, mương kênh dẫn nước, hay ruộng bãi… và nhiều em thậm chí chưa bao giờ có được một quyển truyện tranh, một quyển sách dành cho thiếu nhi để đọc.
Thu hẹp khoảng cách giữa trẻ em nông thôn và thành thị không thể là việc làm một sớm một chiều, nhưng đã đang được các cấp các ngành từng bước thực hiện với nhiều hoạt động thiết thực trong “Tháng hành động vì trẻ em” như tặng quà cho các em ở vùng sâu, vùng xa, cấp thẻ khám chữa bệnh miễn phí, thực hiện ngày vi chất dinh dưỡng, tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó…
Nhiều nghệ sỹ, diễn viên đã tổ chức các chương trình nghệ thuật phục vụ trẻ em vùng khó khăn… Những cố gắng này thật đáng ghi nhận.
Tuy nhiên để trẻ em vùng khó khăn được thực hiện những quyền của mình thì cần phải có những giải pháp toàn diện hơn. Trước hết đó phải là nhận thức của chính quyền và các cơ quan có trách nhiệm để tạo những điều kiện tốt nhất trong việc chăm sóc giáo dục, y tế, nơi ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, vui chơi và bảo trợ xã hội.
|
Thay vì được nghỉ ngơi, chơi đùa, nhiều em nhỏ phải phụ giúp cha mẹ trong việc đồng áng |
Có một thực tế là, nhiều nơi sẵn sàng cấp hàng trăm ha đất, bỏ hàng trăm tỷ đồng để xây dựng sân golf, xây nhà hàng, siêu thị to đẹp, nhưng lại không lo được 1ha đất hay vài tỷ đồng để xây dựng sân chơi, hồ bơi hay nhà trẻ cho trẻ em. Có lẽ thay đổi nhận thức trong việc chăm sóc trẻ em cũng nên bắt đầu từ đó.
Mặt khác, các bậc cha mẹ ở vùng nông thôn cũng cần quan tâm hơn đến con trẻ, cần thay đổi quan điểm rằng: “Con cái phải làm giúp bố mẹ” để dành cho các em nhiều hơn nữa thời gian học hành, vui chơi và phát triển.
Để quyền trẻ em vùng sâu, vùng xa được đảm bảo thì rất cần phải phổ cập rộng rãi hơn nữa quyền trẻ em, bởi hiện nay vấn đề tuyên truyền quyền trẻ em chưa thực sự được quan tâm ở cấp cơ sở, vùng sâu vùng xa, hẻo lánh.
Chúng ta có khá nhiều các chương trình, dự án về Chăm sóc bảo vệ trẻ em tại các xã nhưng khi dự án rút đi thì tính bền vững của nó cũng không còn vì vậy nhận thức về quyền trẻ em nhưng cũng chỉ dừng lại ở đó.
Việt Nam hiện đã là một nước có thu nhập trung bình và đang phấn đấu trở thành nước công nghiệp hóa trong 10 năm tới. Mục tiêu của chúng ta là để mọi trẻ em đều được đến trường, được dùng nước sạch, được chăm sóc y tế và được vui chơi, vì vậy ngay từ bây giờ việc đầu tư nhiều hơn nữa cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ trẻ em vùng nông thôn, miền núi, vùng khó khăn sẽ tạo ra bước đi chắc chắn nhất để rút ngắn khoảng cách giáo dục, chăm sóc ý tế, vui chơi và phát triển của tất cả trẻ em…/.
(Theo: VOV)